Giận mà thương
Thấy ông nheo nheo con mắt, lục tung cả chồng báo trên bàn, đảo khắp ngăn kéo, mò mẫm hết giá sách tìm kính, cu Việt biết ý chạy đến giúp ông. Hai ông cháu lục lọi khắp phòng chẳng thấy, mệt quá, không tìm nữa thì chợt phát hiện ra kính nằm trong… túi áo của ông.
Từ ngày mắc chứng hay quên (mà y học gọi là Alzheimer), trí nhớ của ông Hùng giảm sút nhiều, đi lại, làm việc cũng khó khăn hơn trước. Ông vẫn giữ thói quen đọc báo nhưng báo đọc rồi, lúc sau đọc lại, vẫn thấy như mới. Đến tên của Việt - thằng cháu đầu mà ông yêu quý - thỉnh thoảng ông cũng nghĩ chẳng ra. Lắm lúc nghe con cháu phàn nàn: “Ông toàn kể những chuyện cũ rích” hoặc “Chuyện này bố kể đến lần thứ 4 rồi đấy”, ý nghĩ “mình mới 60 mà đã bắt đầu lẩn thẩn” khiến ông thấy chạnh lòng.
Ảnh minh họa |
Bà Cát (Hà Đông, Hà Nội) là một ví dụ. Ở chung với vợ chồng anh con cả, dù đã đến tuổi “thất thập cổ lai hi” nhưng bản tính cần cù bà vẫn làm vài việc vặt đỡ đần con cháu. Chỉ có điều, nấu cơm 10 bữa thì đến 9 bữa bà quên đổ nước. Một lúc sau ngửi thấy mùi khét thì kêu ầm lên: “Đứa nào đốt cái gì mà khét thế?”. Lại có hôm bà nằng nặc đòi đi chợ, đi từ sáng mà trưa vẫn chưa thấy về. Cả nhà hốt hoảng đi tìm, hóa ra bà không về nhà mà ghé vào nhà người ta ngồi vì… cái cổng sắt trông giống giống.
Biết bà đã già lại có bệnh thiểu năng tuần hoàn não, hay đau đầu, trí nhớ kém nên chị Tuyết - con dâu bà không dám lơ là việc chăm sóc. Ấy vậy mà cũng nhiều lần bà làm con cái muối mặt với khách khứa vì cứ thấy ai đến chơi là bà lại than thở: “Từ sáng đến giờ, vợ chồng nó đã cho tôi ăn cái gì đâu”. Trò chuyện với bà thì nói trước quên sau, dần dà con dâu đâm ngại, con đẻ cũng tặc lưỡi cho qua. Thành ra họ cứ mặc kệ mẹ, muốn làm gì thì làm. Bà lủi thủi một mình, có khi cả ngày trời chỉ trò chuyện với con cún.
Tưởng thế nhưng không phải thế
1. Suy giảm trí nhớ không chỉ là biểu hiện sinh lý của tuổi già
Con cháu bà Cát, ông Hùng dẫu rất thương bố mẹ nhưng không ai nghĩ đến việc phải điều trị chứng suy giảm trí nhớ cho họ. Bởi trong suy nghĩ của không ít người, suy giảm trí nhớ ở người già là một lẽ đương nhiên. Quan niệm sai lầm này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống người cao tuổi.
Thực tế, phần lớn các trường hợp suy giảm trí nhớ ở người già đều do tác động của một nhóm bệnh (gọi chung là bệnh sa sút trí tuệ). Alzheimer, Parkinson và Huntington là ba loại bệnh khá phố biến làm suy giảm chức năng của não bộ, ảnh hưởng xấu đến trí nhớ và khả năng vận động của người bệnh. Nếu để tình trạng bệnh xấu đi, bệnh nhân sẽ gặp các vấn đề với bộ nhớ ngắn hạn, dài hạn, thậm chí có thể mất trí hoàn toàn. Nhóm bệnh này có thể xảy ra cho bất kỳ ai kể cả những người ở độ tuổi 40-50. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là độ tuổi từ 65 trở đi.
Yếu tố di truyền là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số căn bệnh sa sút trí tuệ. Bên cạnh đó, tác động từ môi trường sống như: ô nhiễm không khí, tiếp xúc thường xuyên với chì, thuốc trừ sâu, lười vận động… là điều kiện thuận tiện cho bệnh phát triển. Hiện tại, chưa có cách chữa trị dứt điểm các loại bệnh suy giảm trí nhớ. Tuy nhiên, các phương pháp trị liệu có thể làm giảm bớt triệu chứng bệnh, làm chậm quá tốc độ phát triển bệnh.
2. Nguyên nhân có thể đến từ những căn bệnh khác
Không thuộc nhóm các căn bệnh gây sa sút trí tuệ nhưng tiểu đường cũng bị coi là một trong những kẻ thù của trí nhớ. Theo Tiến sĩ Olivia Okereke (Trường Y tế Harvard tại Boston), bệnh tiểu đường có thể hủy hoại các mạch máu cung cấp máu cho não bộ, cản trở việc lưu thông dòng máu. Vì vậy, làm gia tăng các vấn đề rối loạn trong nhận thức.
Chứng “chemobrain” - một tình trạng hư hỏng trí nhớ và sự tập trung do hóa trị liệu gây ra đang trở thành ác mộng của những người bệnh ung thư. Trong khi hầu hết các triệu chứng do tác động từ quá trình hóa trị liệu đều mất đi hoặc được cải thiện sau 1 năm thì tình trạng suy giảm trí nhớ vẫn đeo bám người bệnh đến vài năm sau đó, thậm chí vĩnh viễn. Có đến 50% bệnh nhân ung thư vú được chỉ định hóa trị liệu mắc phải chứng “chemobrain”. Họ không ngớt phàn nàn không thể nhớ những gì họ đã nói trong cuộc trò chuyện hay quên luôn tỉ số trận bóng mà họ vừa xem ngày hôm qua.
Các chuyên gia cho rằng phương pháp hóa trị liệu đã tác động đến khả năng phát triển tế bào của não bộ. Điều này có thể giải thích tại sao hiện tượng “chemobrain” xảy đến cho những bệnh nhân cao tuổi nhiều hơn (do não của họ bị suy yếu vì tuổi tác và họ cũng được điều trị với liều lượng mạnh hơn).
Tuổi già cần được chia sẻ
Vai trò của người thân trong gia đình rất quan trọng trong việc điều trị bệnh liên quan đến suy giảm trí nhớ. Ở giai đoạn sớm, người bệnh có thể tự khắc phục tình trạng suy giảm trí nhớ của mình bằng cách lập bảng ghi nhớ, các dấu hiệu màu sắc, sự nhắc nhở của người chung quanh. Khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng, người thân cần quan tâm, để ý thường xuyên đến các hoạt động hàng ngày của người bệnh để đảm bảo sự an toàn cho người bệnh.
Tăng cường vận động, tập thể dục, đi bộ… là những việc bệnh nhân suy giảm trí nhớ nên làm. Những hoạt động này giúp cải thiện quá trình máu lưu thông lên não và thúc đẩy quá trình sản sinh các nơron thần kinh mới tại vùng não trung tâm (vùng não kiểm soát chức năng ghi nhớ và chức năng nhận thức).
Tạp chí British Medical Journal khẳng định, làm việc vặt trong nhà là một trong những biện pháp giúp cải thiện đáng kể khả năng vận động của những người mất trí nhớ. Số liệu theo dõi qua 5 tuần đào tạo làm các việc nhà đối với 135 bệnh nhân mất trí nhớ (mức độ nhẹ và trung bình), tuổi từ 65, cho thấy: 75% số người được đào tạo đã cải thiện được các kỹ năng vận động; 82% giảm được sự lệ thuộc vào người khác khi làm các công việc vặt hằng ngày. Trong khi đó, với những người không làm việc nhà, tỉ lệ cải thiện được các kỹ năng vận động chỉ có 10%. Các nhà nghiên cứu hi vọng, liệu pháp này sẽ giúp bệnh nhân mất trí nhớ bớt phụ thuộc vào xã hội.
Vi Vi
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: