Với nhịp sống thành đô xô bồ chật chội, việc tận hưởng những ngày nghỉ bên gia đình và bạn bè tại các khu cắm trại ngoài trời đang dần trở thành xu hướng thu hút người dân thủ đô. Lượng người đi cắm trại ngày càng nhiều kéo theo khối lượng rác thải tại các khu cắm trại cũng gia tăng. Đằng sau những hoạt động vui chơi của bản thân, người tham gia cắm trại cũng cần phải có ý thức bảo vệ môi trường và cảnh quan xung quanh.
Theo một báo cáo của Ipsos Business Consulting (2018), mỗi người Việt Nam chỉ tiêu thụ 3,8 kg nhựa vào năm 1990, nhưng 28 năm sau, con số này đã tăng lên 41,3 kg. Rác thải nhựa bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng hơn 10 lần trong ba thập kỷ qua, cao thứ ba trong top 5 các nước Đông Nam Á có lượng tiêu thụ rác thải nhựa nhiều nhất.
Hiện nay, các nguồn phát sinh rác thải rất đa dạng, có thể kể đến như: từ các hoạt động sinh hoạt, hoạt động công nghiệp, y tế, xây dựng, du lịch, … Tuy nhiên, hành vi xả rác, gây hiện tượng ô nhiễm môi trường còn đến từ một nguyên nhân mới mà ít ai liên hệ, đó chính là hệ quả của một xu hướng gần đây: cắm trại - dã ngoại ngoài trời tại các công viên. Hình thức cắm trại, dã ngoại vào cuối tuần tại những công viên có không gian rộng như công viên Yên Sở, chân cầu Vĩnh Tuy, … đã quay trở lại và được hưởng ứng nhiệt tình. Không chỉ có giới trẻ, các hộ gia đình cũng thường xuyên tổ chức cắm trại, những hoạt động nghỉ ngơi cuối tuần tại các địa điểm công cộng nói trên.
Với số lượng người đến quá nhiều trong một vài ngày, hiện tượng quá tải tại các công viên, địa điểm du lịch thiên nhiên vào các dịp lễ và cuối tuần đã khiến cho việc kiểm soát tình trạng quản lý rác thải trở nên khó khăn. ý thức của người dân chưa được đẩy lên tương ứng với sự “nổi tiếng” của xu hướng này, vô tình khiến các địa điểm tham quan công cộng bị “che lấp” bởi rác.
Rác thải tại khu vực camping, picnic hầu hết đều là rác thải nhựa. Vì lý do tiện lợi khi di chuyển, giá thành rẻ, phổ biển nhiều người đã chọn sử dụng những chế phẩm từ nhựa… cho chuyến đi picnic.
Tuy nhiên, lĩnh vực xử lý và tái chế nhựa ở Việt Nam chưa phát triển, nên đa số rác thải chỉ được xử lý đơn giản như đốt hoặc thải thẳng ra môi trường. Song với số lượng lớn rác thải nhựa bị xả ra môi trường vào một khoảng thời gian ngắn như vậy, đã làm ảnh hưởng không ít đến cảnh quan bên trong khu vực và xung quanh.
Thứ nhất, thiếu thùng rác tại những khu vực picnic, camping. Khu cắm trại, dã ngoại như công viên, bãi đất trống,... thường rất đông người dân, đặc biệt là vào ngày nghỉ lễ hay cuối tuần. Tuy nhiên, hiện nay số lượng thùng rác được bố trí tại những nơi công cộng này ít hơn nhiều so với nhu cầu thực tế. Đây cũng là một phần nguyên nhân của những hình ảnh thường thấy: rác bừa bãi trên vỉa hè, bãi cỏ; những thùng rác ngập rác tràn ra ngoài...
Thứ hai, thói quen lạm dụng đồ nhựa sử dụng một lần của người dân. Đặc điểm của hoạt động picnic - camping là diễn ra trong khoảng thời gian ngắn nên người dân có xu hướng dùng những đồ dùng tiện dụng, tối giản nhất. Đồ nhựa dùng một lần như cốc, thìa, bát nhựa,... rất phù hợp với tiêu chí đó. Hơn hết, với giá thành rẻ, người dân có thể tìm mua dễ càng khiến cho việc sử dụng càng thêm mất kiểm soát.
Thứ ba, nhiều cá nhân còn vứt rác bừa bãi. Người dân khi đi dã ngoại thường "tiện tay" xả rác ở chính nơi mình ngồi, trên đường, bờ hồ...hoặc bất cứ đâu. Thêm vào đó, người dân chưa thực sự có ý thức phân loại rác thải. Phần lớn thường vứt rác thải hữu cô và vô cơ lẫn với nhau làm cho quá trình phân loại, xử lý rất khó khăn
Rác hữu cơ: Loại rác dễ phân hủy và có thể đưa vào sử dụng trong chăm bón, làm thức ăn cho động vật. Tại những khu picnic - camping, dễ thấy những thức ăn thừa, vỏ rau củ quả, hoa lá mà người dân để lại.
Rác vô cơ: Loại rác không thể sử dụng được và cũng không thể tái chế mà chỉ có thể xử lý bằng cách mang ra các khu chôn lấp rác thải. Có thể kể đến: túi nilon, vỏ bim bim, vỏ giấy kẹo, giấy ăn, đầu lọc thuốc lá, ly/cốc/bình thủy tinh vỡ…
Rác tái chế: Loại rác khó phân hủy nhưng có thể đưa vào tái chế và sử dụng với mục đích phục vụ con người. Ví dụ: các loại vỏ lon nước ngọt/lon bia, thùng cát - tông (carton),...
Thực tế, quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại Việt Nam hiện nay vẫn khá thô sơ. Các địa điểm tập kết rác có chức năng giống như trạm trung chuyển được bố trí chưa thực sự phù hợp và chưa được đầu tư xây dựng. Thêm vào đó, phần lớn lượng lớn rác thải được xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt. Điều này gây ảnh hưởng đến người dân sinh sống khu vực xung quanh và tác động xấu đến môi trường tại địa điểm đó.
Đối tượng cắm trại và dã ngoại tại Việt Nam chủ yếu là thanh thiếu niên và hộ gia đình trẻ, dao động từ 16 đến 30 tuổi. Cộng đồng này được đào tạo trong môi trường giáo dục mới với hệ thống kiến thức nền bao quát. Việc sớm tiếp cận công nghệ cũng đã trang bị thêm cho họ những thông tin đa dạng và cảm hứng để hành động vì một tương lai bền vững. Họ có thể nhanh chóng đánh giá được mối đe dọa về ô nhiễm môi trường cũng như biết rõ khả năng ứng phó của mình thông qua việc thường xuyên đào sâu về giá trị bản thân.
Trên thực tế, nhiều đánh giá tích cực đã được ghi nhận khi được hỏi về thái độ và hành vi bảo vệ môi trường của cộng đồng cắm trại - dã ngoại tại Việt Nam.
Ý thức bảo vệ môi trường đã tốt hơn trước, tuy nhiên vẫn còn đó những trường hợp ngoại lệ. Việc “xả rác” không đúng chỗ làm mất mỹ quan tại các khu vực, gây trải nghiệm không tốt cho chuyến đi cắm trại - dã ngoại. Tệ hơn nữa là ảnh hưởng lâu dài đến môi trường, cuộc sống và sức khỏe cộng đồng. Khí độc từ rác thải, mất vệ sinh từ rác hữu cơ hay thậm chí là những nguy hiểm từ rác thải đặc thù như xi lanh,...đã khiến cho một phần đối tượng cảm thấy không an toàn. Đặc biệt, vào cuối tuần và những ngày lễ, khi lượng người trải nghiệm tăng mạnh, rác thải ngổn ngang cũng nhiều hơn. Trong những nguyên nhân đã được đề ra ở phần trước, ý thức con người cũng là một yếu tố không thể chối cãi.
Có hai nguyên nhân dẫn đến ý thức người dân chưa được triệt để: thiếu động lực và thái độ bảo vệ môi trường. Cụ thể, theo bài nghiên cứu “Pro-environmental behavior of university students: Application of protection motivation theory” (tạm dịch: thái độ bảo vệ môi trường của sinh viên đại học) của tác giả Arezu Shafiei: “Để hình thành động lực bảo vệ môi trường, con người cần nhận thức được nguy cơ mà vấn đề môi trường gây ra và khả năng ứng phó của họ trước vấn đề đó. Mặt khác, dựa trên bảng khảo sát quy đổi thành điểm số, bài nghiên cứu cũng nhấn mạnh vào sự chênh lệch trong khả năng ý thức của các nhóm đối tượng về vấn đề môi trường.
Xét về giới tính, nam giới có “điểm số” thấp hơn nữ giới. Điều này chỉ ra rằng, nhóm đối tượng này cần được tác động nhiều hơn để nâng cao hành vi bảo vệ môi trường nói chung và tại những khu vực cắm trại - dã ngoại nói riêng.
Xét về hành vi, trong danh sách những hành động bảo vệ môi trường mà con người sẵn sàng thực hiện, “hạn chế/ bỏ hẳn việc sử dụng đồ nhựa một lần” được lựa chọn ít nhất. Từ lâu, việc sử dụng đồ dùng một lần đã dần đi vào nếp sinh hoạt của con người và trở thành một vấn nạn chung. Trong khi đó, chế phẩm/ chế phẩm nhựa là loại rác được xả nhiều nhất tại những khu cắm trại - dã ngoại. Để loại bỏ tư duy cố hữu và bảo vệ môi trường những khu vực vui chơi này, chúng ta cần hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa. Đặc biệt là phải truyền đi tinh thần “sẵn sàng”, quyết tâm loại bỏ hoàn toàn chúng trong tương lai. Một số biện pháp đã được thí điểm triển khai, sẽ được nhân rộng hơn dưới việc thi hành nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, quy định một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường liên quan đến quản lý chất thải nhựa. Hy vọng rằng, nghị định và một số biên pháp sẽ mang đến bộ mặt mới cho môi trường nói chung và những khu cắm trại - dã ngoại nói riêng.
Xét về các nguồn tin về môi trường thường xuyên tiếp nhận, Internet; gia đình; bạn bè là lựa chọn của đa số. Trong khi đó, tổ chức bảo vệ môi trường là nguồn tiếp nhận ít nhất đối với người trẻ. Kết quả này khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về hành động của những tổ chức môi trường đối với việc xả rác tại những khu cắm trại - dã ngoại. Ngoài việc hành động, những tổ chức này cần duy trì tiếng nói của mình trong những vấn đề được đề ra. Mặt khác, chúng ta cần phải phát huy thế mạnh của Internet, hội nhóm mạng xã hội để truyền đi thông điệp cắm trại - dã ngoại “xanh”.