Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Cần đặc biệt lưu ý khi dùng Thuốc hạ sốt paracetamol cho F0

(MangYTe) - Để hạ sốt có thể dùng Thuốc paracetamol, liều dùng tùy theo lứa tuổi tuy nhiên theo các bác sĩ, khi bị F0 cần đặc biệt lưu ý khi dùng Thuốc này.

BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, thành viên nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà cho biết sốt cao quá thì cơ thể mệt mỏi do mất nước, mất điện giải... Sốt gây đau đầu, mất ngủ, ăn kém, gây co giật ở trẻ em..., vì thế cần hạ sốt.

Để hạ sốt có thể dùng paracetamol, liều dùng tùy theo lứa tuổi. Về cơ bản thì paracetamol an toàn, nhưng với một số ít người thì paracetamol lại gây độc với gan và khi dùng nhiều có thể gây suy gan.

Do đó, với F0 điều trị tại nhà, với triệu chứng sốt, đau đầu có thể uống paracetamol nhưng chỉ dùng khi sốt trên 38,5°C hoặc đau đầu, đau mỏi cơ quá nhiều. Uống một liều 10 mg-15 mg x cân nặng (ví dụ bệnh nhân nặng 50 kg, có thể uống 1 viên đến 1,5 viên Thuốc 500 mg). Lưu ý, nên khởi đầu với liều 10 mg/kg, để phòng trường hợp phải sử dụng kéo dài, uống liều thấp để hạn chế độc tính của Thuốc.

Để hạ sốt có thể dùng paracetamol nhưng cũng cần lưu ý để tránh tác dụng phụ khó lường. Ảnh minh họa

Nếu đã uống Thuốc mà vẫn sốt cao trên 38,5°C, phải tìm mọi cách để hạ nhiệt độ, cùng với Thuốc như lau, chườm trán, ngực, nách, tay, chân... bằng khăn ấm. Không được dùng khăn lạnh, sẽ làm co mạch, không thoát được nhiệt, làm nhiệt độ cơ thể khó hạ hơn. Sau ít nhất 6 giờ, nhiệt độ vẫn trên 38,5°C mới được uống tiếp liều thứ hai. Trong 24 giờ không nên uống quá 4 liều (tương đương 4-6 viên 500 mg, đối với bệnh nhân trung bình khoảng 50 kg).

Nếu sốt quá cao, trên 39,5°C, đã uống liều 10 mg/kg cân nặng kết hợp lau chườm... mà vẫn không hạ được nhiệt độ, bạn có thể dùng đến liều tối đa 15 mg/kg cân nặng. Không được lặp lại dưới 6 giờ/lần.

Đối với trẻ em, liều paracetamol hạ sốt cũng được tính liều như người lớn (10-15 mg/kg cân nặng). Nhưng để dễ uống, Thuốc của trẻ thường là loại bột pha với nước, đóng gói 80 mg, 150 mg, 250 mg. Phụ huynh cần tính cân nặng để pha Thuốc với khoảng 30 ml nước ấm cho trẻ uống. Trường hợp trẻ không thể uống được, có thể dùng viên Thuốc đặt hậu môn. Mỗi lần dùng Thuốc cho trẻ cũng phải cách nhau tối thiểu 5-6 giờ.

Chỉ đặt hậu môn cho trẻ khi trẻ không uống được Thuốc (trẻ nôn ói, không hợp tác uống Thuốc); không dùng nếu trẻ có tiêu chảy. Không lạm dụng Thuốc đặt hậu môn cho trẻ nhiều lần vì sẽ gây tiêu chảy.

Lưu ý, không dùng Thuốc khi: Có tiền sử dị ứng với paracetamol; Có bệnh lý cấp tính về gan (viêm gan virus đang giai đoạn cấp tính, đang điều trị tổn thương gan cấp tính do mọi nguyên nhân...); Bệnh nhân có bệnh lý về gan nhưng không trong giai đoạn cấp tính, phải giảm liều và giảm cả thời gian dùng Thuốc; Với người lớn, không được dùng Thuốc liên tiếp quá 10 ngày, trẻ em không được quá 5 ngày, trừ khi có ý kiến của bác sĩ

An Dương (T/h)

Mạng Y Tế
Nguồn: VietQ (https://vietq.vn/can-dac-biet-luu-y-khi-dung-thuoc-paracetamol-cho-f0-d198174.html)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY