Sức khỏe hôm nay

Cẩn thận tử vong vì thuốc nhỏ mũi

(SKGĐ) Đã không ít trường hợp bệnh nhi được cấp cứu trong tình trạng nguy hiểm vì dùng thuốc nhỏ mũi. Điều đó đã khiến chúng ta phải nhìn nhận lại về nhóm thuốc này.

Con suýt tử vong vì mẹ tự dùng thuốc

Bé Trầ Thị Thương, 3 tháng tuổi ở Bình Chánh, Tp.HCM được đưa vào viện trong tình trạng thở nấc, sau đó chuyển sang ngưng thở. Sự việc xảy ra do trước đó bé có biểu hiện nghẹt mũi, khó thở nên mẹ cháu đã ra mua thuốc có thành phần Naphazolin về nhỏ mũi cho con. Sau khi nhỏ 2 tiếng, bé bắt đầu quấy khóc, môi tím tái, người co gồng… Gia đình đưa cháu đến bệnh viện huyện Bình Chánh cấp cứu. Bệnh viện huyện Bình Chánh tiến hành các thủ thuật sơ cứu rồi chuyển bé lên bệnh viện Nhi Đồng 1.

Kết quả khám lâm sàng cho thấy bé đã bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi. Nguyên nhân là do thuốc nhỏ mũi có Naphazolin chỉ dành cho người lớn, không cho trẻ nhỏ. May mắn bé được cấp cứu kịp thời nên đã qua khỏi. Nhưng trên thực tế, rất nhiều trường hợp phụ huynh vẫn dùng thuốc này cho trẻ vì nghĩ “chỉ nhỏ ở mũi thì thuốc cho người lớn hay trẻ đều giống nhau”.

Thuốc nhỏ mũi chống nghẹt có nhiều loại như: co mạch, sát khuẩn, kháng viêm. Nhóm co mạch gồm có Naphazolin, Ephedrin... Nhóm này có tác dụng co mạch để thông thoáng cho đường thở. Vì thế loại này đang được dùng phổ biến nhất hiện này. Nhưng nhóm thuốc này chỉ khuyến cáo dùng cho người lớn. Trẻ em dưới 7 tuổi dùng loại này sẽ gây nên choáng và các biến chứng nặng nề, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Một số nhà sản xuất thuốc Ephedrin còn khuyến cáo chỉ dùng cho người trên 15 tuổi.

Đúng thuốc cũng có thể xuất huyết

Nhóm nhỏ mũi có công dụng kháng viêm thường có thành phần corticoid kết hợp với kháng sinh. Loại nhỏ mũi này có tác dụng trị nghẹt và diệt vi khuẩn và có thể dùng cho trẻ. Trong trường hợp, trẻ có nhầy mũi đặc do bị viêm mũi, viêm xoang nhiễm trùng thì cha mẹ nên dùng loại nhỏ mũi này.

Tuy nhiên việc sử dụng corticoid và kháng sinh cần phải theo toa và được khuyến khích dùng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Tuy nhiên mỗi lần dùng không quá 7 ngày. Nhưng hiện nay chúng được bán tự do ở bất cứ nhà thuốc nào.

Nhiều bậc phụ huynh cũng cho con dùng không theo bất cứ chỉ định nào. Họ không biết rằng chỉ là thuốc nhỏ mũi thôi nhưng thành phần trong chúng cũng gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm không kém những viên thuốc uống khác. Dùng corticoid kéo dài, liên tục và quá liều sẽ có nguy cơ gây xuất huyết đường tiêu hóa. Bởi vì chỉ được nhỏ ở mũi nhưng 2% hàm lượng corticoid sẽ được hấp thu vào máu.

Do đó việc dùng nhiều và lạm dụng sẽ khiến trẻ gặp một số biến chứng như dùng thuốc uống có corticoid. Biến chứng là: không kích thích vỏ thượng thận tiết hormone làm tuyến vỏ thượng thận bị teo gây hội béo giả (béo mặt nhưng teo cơ), giảm kali máu kết hợp rối loạn cân bằng muối-nước...

Việc dùng thuốc nhỏ nhóm này không theo chỉ định cũng gây ra tình trạng kháng kháng sinh như uống các loại kháng sinh khác. Hệ miễn dịch của trẻ cũng bị ảnh hưởng do dùng quá nhiều lần thuốc nhỏ mũi có kháng sinh khiến cho dễ nhiễm nấm và dễ tái bệnh tai mũi họng.

Dùng nhiều dẫn đến lệ thuộc

Thuốc nhỏ mũi chống nghẹt thường có tác dụng tức thì, đặc biệt nhóm co mạch (Ephedrin, Phinol, Naphazolin, Oxymetazolin). Vì thuốc làm co mạch lại nên dùng nhiều sẽ khiến mạch máu trong niêm mạc mũi giảm độ đàn hồi, làm hư màng nhầy của mũi. Khi mạch máu giảm đàn hồi chúng sẽ gây ra tình trạng nghẹt mũi nặng hơn và liều thuốc sau phải cao hơn liều trước, liều sau có tác dụng ngắn hơn liều trước.

Nếu dùng thuốc này trong thời gian dài sẽ dẫn tới hậu quả là trẻ lệ thuộc vào thuốc, không dùng thuốc thì không thở được. Về lâu dài trẻ có thể bị viêm xoang vì thuốc, bị mất chức năng ngửi và phải can thiệp ngoại khoa mới trị được chứng nghẹt mũi.

Dùng thuốc mũi đúng cách cho bé

- Nên chọn nhóm thuốc sát khuẩn như argyrol 1 – 3%, nước muối sinh lý Nacl 0,9%, nhóm này dùng được cho cả trẻ sơ sinh và không gây ra tác dụng phụ nguy hiểm. Các loại khác cần có sự chỉ định của bác sỹ. Lưu ý thuốc có argyrol là sản phẩm của nitrat bạc, rất dễ bị hỏng khi tiếp xúc với ánh sáng nên phải bảo quản thuốc trong hộp tối màu, tránh ánh sáng.

- Trước khi nhỏ mũi cần hút hết chất dịch nhầy ứ đọng trong hốc mũi, đặc biệt với trẻ nhỏ thì cần hút mũi đúng cách bằng ống hút.

 - Khi nhỏ mũi, tốt nhất là cho trẻ nằm ngửa, hoặc ngồi và ngừa đầu tối đa.

- Không được chạm đầu ống nhỏ vào mũi, mỗi lần rỏ từ 1 – 2 giọt, sau khi rỏ dùng tay ray vào hai bên mũi trẻ.

Ths.BS Nguyễn Bạch Đằng

Học viện Quân Y 

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/can-than-tu-vong-vi-thuoc-nho-mui-6170/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY