12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Càng cô đơn, trái tim càng ốm yếu

(SKGĐ) Nếu 75% bệnh tim mạch là do các nguyên nhân như: ít hoạt động thể lực, béo phì, hút thuốc lá, chỉ số cholesterol cao… thì không có lý gì để người sống một mình (thường hội tụ những yếu tố trên) không mắc bệnh tim.

Những mối quan hệ nguy hiểm

Nghiên cứu của các nhà khoa học Đan Mạch dựa trên kết quả phân tích số liệu của 13.800 người trưởng thành cho thấy, những phụ nữ trên 60 tuổi và nam giới trên 50 tuổi sống một mình sẽ có nguy cơ bệnh tim mạch tăng cao.

Theo dự đoán, đến năm 2020, con số tử vong vì bệnh tim mạch có thể lên tới 25 triệu người.

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ được giới thiệu tại hội thảo của Hội Tim mạch Mỹ cũng cho thấy mối liên quan giữa cuộc sống cô độc và bệnh tim mạch khá khắn khít. Kết quả này dựa trên sự khảo sát với 3.267 người trải qua những kỳ kiểm tra liên quan đến máu và bốn nguyên nhân gây nên chứng viêm, trong đó có phân tử interleukin-6(IL-6), một loại phân tử gây viêm.

Kết quả cho thấy, IL-6 có thể tăng cao hơn với những người đàn ông có cuộc sống cô lập với xã hội.

Những nghiên cứu này đều có chung kết luận: những người sống cô đơn thường có thói quen sinh hoạt không điều độ, dễ trầm cảm, stress, thích làm bạn với bia rượu, thuốc lá… tất cả những thói quen đó đều là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh tim mạch.

Hóa giải nguy cơ

Trao đổi về vấn đề này, Ths.BS. Nguyễn Hoàng Hà (Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec) cho biết người độc thân, người sống một mình thường có chế độ sinh hoạt không theo một khuôn khổ nào. Những thói quen sinh hoạt sau của người sống một mình khiến trái tim của họ dễ sinh ốm yếu:

Chế độ ăn uống: khi sống một mình người ta có xu hướng ít tự nấu ăn, thay vào đó là đi ăn hàng, đồ ăn nhanh… dư thừa dầu mỡ, đạm cao khiến cơ thể dễ bị tăng mỡ máu. Đồ ăn nhanh cũng thiếu chất xơ và vitamin, thêm vào đó, nó chứa lượng muối và chất bảo quản cao nên nếu ăn với số lượng nhiều và thường xuyên sẽ khiến dư lượng muối trong cơ thể tăng cao, ảnh hưởng tới tim mạch.

Đó là chưa kể tới các trường hợp ăn không đúng bữa hay thường xuyên bỏ bữa sẽ khiến cơ thể thiếu chất dinh dưỡng, suy nhược. Một cơ thể ốm yếu thì hệ quả tất yếu là trái tim cũng bị ốm yếu theo.

Cùng với đó, người sống một mình thường có xu hướng kết bạn với rượu, thuốc lá… vốn được mọi người xem là biện pháp để giải khuây. BS. Nguyễn Hoàng Hà cũng cho biết, khi hút một điếu thuốc lá, mạch máu vào tim sẽ co lại, lượng máu trong tim có thể giảm đi 50%. Trong suốt cuộc đời, thói quen hút thuốc lá sẽ làm mạch máu vào tim của bạn co đi giãn lại rất nhiều lần gây nên những ảnh hưởng tiêu cực tới tim.

Ít vận động: Những người sống một mình thì mọi công việc đều được tối giản. Họ ít phải làm việc nhà, họ không phải lo cho con cái… đó là những hình thức vận động cơ bản nhất. Thay vào đó, họ có xu hướng làm bạn với máy tính, ti vi nhiều hơn khiến cơ thể dễ bị béo phì và trở nên ì trệ. Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Fobes (Mỹ) các chuyên gia y tế đã cảnh báo, ngồi nhiều làm nguy cơ bệnh tim mạch tăng tới 147%, ngoài ra còn ảnh hưởng tới các bệnh khác như tiểu đường 112%, nguy cơ chết sớm tăng 49%.

Stress: Sống một mình khiến thói quen chia sẻ với những người xung quanh bị hạn chế, việc cảm xúc luôn bị đè nén, không giải tỏa ra được sẽ dẫn đến trầm cảm, stress. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến huyết áp gia tăng và nhịp tim không ổn định tạo áp lực lên động mạch, làm chúng đông cứng và sẽ gây những ảnh hưởng tới tim mạch như dẫn tới các bệnh lý về tim.

Bạn có biết?

Mỗi năm thế giới có tới 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch.

– Nguồn WHO

Stress cũng khiến cơ thể mệt mỏi, không muốn hoạt động và làm việc, điều tất yếu là tần suất vận động sẽ giảm. Cùng với đó, khi căng thẳng người ta cũng có xu hướng ăn nhiều, ăn nhanh, hút thuốc uống rượu nhiều…tạo nên những yếu tố nguy cơ liên hệ chặt chẽ với nhau và đều ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch.

Trách nhiệm với bản thân: khi sống một mình, không có gia đình họ sẽ không phải đặt nặng vấn đề lo lắng cho gia đình, gách vác trách nhiệm với người khác nên họ ít chú ý hơn tới sức khỏe bản thân.

Ví dụ khi có con, họ sẽ hạn chế hút thuốc để không ảnh hưởng tới con nhỏ, họ phải gánh vác trách nhiệm nuôi gia đình nên sẽ ít rượu bia, sẽ làm việc nhiều hơn… Cũng từ đó, khi phát hiện những nguy cơ bệnh tật thì những người sống một mình cũng ít quan tâm đến điều đó để cải thiện sức khỏe hơn những người có gia đình, vì vậy sức khỏe càng đi xuống.

Chính vì những lý do trên, theo bác sĩ Hà, những người sống một mình nên mở rộng các mối quan hệ xã hội, giao lưu với mọi người nhiều hơn giúp tâm trạng được giải tỏa, từ đó cũng sẽ giảm căng thẳng, stress.

Người sống một mình cũng nên biết chăm sóc bản thân nhiều hơn bằng chế độ ăn uống cân bằng, hạn chế rượu bia, thuốc lá… Có thể tình yêu và những mối quan hệ mật thiết tương tự sẽ giúp họ cải thiện vấn đề này. Vì chỉ khi biết mình quan trọng với một ai đó thì người ta mới quan tâm nhiều đến bản thân hơn.

Ngoài ra, người sống một mình cũng nên vận động nhiều hơn. Ví dụ như dọn dẹp nhà cửa thường xuyên hơn, năng tập thể dục hơn… Tăng cường chế độ ăn nhiều rau quả để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Theo chuyên đề

Sức khỏe gia đình (NXB Y học)

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/cang-co-don-trai-tim-cang-om-yeu-15674/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY