12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Cảnh giác với biến chứng nguy hiểm của tiểu đường

Là bệnh mãn tính nên việc điều trị đái tháo đường có thể kéo dài suốt cuộc đời người bệnh. Với thời gian kéo dài đó, rủi ro nguy hiểm nhất đối với các bệnh nhân đái tháo đường thường là các biến chứng.

Để thuận tiện cho việc theo dõi và điều trị, hiện tại y học đang chia các biến chứng của bệnh đái tháo đường làm hai dạng. Một là biến chứng cấp, hai là biến chứng mạn tính.

Biến chứng cấp

Một số biến chứng cấp tính có thể xảy ra khi đường huyết quá cao hay quá thấp. Nếu không được điều trị sớm có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân. Bao gồm:

Hạ đường huyết: Do lượng insulin cần thiết cho cơ thể quá cao, do tập luyện thể thao quá nhiều hoặc thiếu ăn.

Tăng ketoacid máu do tiểu đường: Đây là biến chứng rất nghiêm trọng do thiếu hormone insulin và chủ yếu xuất hiện ở bệnh nhân bị đái tháo đường tuýp 1.

Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu: Bệnh thường gặp trên bệnh nhân tiểu tuýp 2. Có thể gây tử vong nếu không được điều trị thích hợp

Tăng axit lactic trong máu: Là do sự tích tụ axit lactic trong cơ thể. Bệnh này rất hiếm gặp và chủ yếu xuất hiện ở bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 2.

Nhiễm nấm/vi khuẩn: Bệnh nhân đái tháo đường dễ bị nhiễm nấm và vi khuẩn. Phụ nữ dễ bị nhiễm trùng tiểu, viêm hay nhiễm nấm âm đạo.

Biến chứng mạn tính

Tăng đường huyết lâu dài sẽ đưa đến những biến chứng sau:

Bệnh võng mạc: Khoảng 2% bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường trong 15 năm thì bị mù, nhưng đến khoảng 10% tiến triển thành chứng rối loạn thị giác nghiêm trọng.

Bệnh thận: Đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh thận. Khoảng một phần ba bệnh nhân tiểu đường tiến triển thành bệnh thận và khoảng 20% bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 bị suy thận.

Bệnh thần kinh: Bệnh thần kinh liên quan đến đái tháo đường xuất hiện tối thiểu ở phân nửa số bệnh nhân tiểu đường. Có nhiều dạng bệnh thần kinh mà thường dẫn tới liệt bàn chân, một số ít ở bàn tay, đau chân hay các vấn đề liên quan đến chức năng các cơ quan trong cơ thể gồm tim, mắt, dạ dày, bàng quang và dương vật.

Bệnh tim mạch: Nguy cơ mắc bệnh tim của của những bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 cao hơn gấp 2-4 lần người thường.

Phẫu thuật đoạn chi: Bệnh tiểu đường là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới đoạn chi mà không do tai nạn. Bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ phải phẫu thuật cắt bỏ chi dưới gấp 15-40 lần so với đại đa số dân chúng.

Xử lí và phòng tránh biến chứng tiểu đường

Phòng tránh hạ đường huyết: Không được bỏ bữa ăn, uống thuốc đúng liều và đúng giờ, tập luyện vừa sức, không tập lâu quá, nặng quá. Uống ngay một cốc sữa hoặc ăn uống thức ăn có chất ngọt. Sau 15 phút nếu không đỡ cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Phòng tránh tăng đường huyết: Đều đặn tiêm hoặc uống thuốc, không được bỏ thuốc. Không ăn uống quá thoải mái, cần có chế độ kiêng khem nghiêm ngặt để đạt được nồng độ đường huyết tốt theo yêu cầu của các bác sĩ chuyên khoa. Nên tập thể dục đều đặn, vừa sức hoặc lao động nhẹ. Phát hiện và điều trị sớm các bệnh nhiễm khuẩn. Cần tái khám thường xuyên theo đúng kỳ.

Có lối sống lành mạnh và suy nghĩ tích cực, kế hoạch ăn uống phù hợp, tập thể dục đều đặn và vừa sức. Đặc biệt sống vui vẻ và làm việc vừa sức là một giải pháp tối ưu cho những người bệnh tiểu đường trong độ tuổi lao động.

Khám bệnh theo định kỳ để phát hiện sớm các biến chứng nếu có. Cần thực hiện tốt lời khuyên của thày thuốc.

Những biến chứng của bệnh tiểu đường hoàn toàn có thể phòng chống được ở mức cộng đồng, song nhận thức của đa phần người dân về bệnh này còn hạn chế, thường nhập viện muộn sau 7-10 năm, khi bệnh đã bắt đầu xuất hiện biến chứng, dẫn đến chi phí điều trị vô cùng tốn kém.

Quỳnh Anh

Bài viết có sự tư vấn của BS. Ngô Thế Phi

Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Thủ Đức, Tp.HCM

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/canh-giac-voi-bien-chung-nguy-hiem-cua-tieu-duong-17886/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY