Khó thở hay thở hụt hơi là hiện tượng người bệnh gặp khó khăn khi hít thở, thở ngắn, tốn nhiều sức lực để hít thật sâu rồi lại phì phò thở ra một cách nặng nề, cảm giác như bị nghẹt thở, ngực bó chặt.
Khó thở, hụt hơi khiến người mắc luôn trong tình trạng mệt mỏi |
Khó thở gây nên mệt mỏi vì nó không cung cấp đủ oxy cho cơ thể hoạt động, đặc biệt là não bộ khiến người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, không tập trung, đau đầu, chóng mặt.
Thở hụt hơi hay khó thở có thể do một nguyên nhân vô hại như tập thể dục gây ra. Tuy nhiên, nó cũng có khả năng xuất phát từ các vấn đề nghiêm trọng hơn như viêm phổi, hen suyễn, thậm chí là ung thư phổi...
Các bệnh nguy hiểm gây khó thở, hụt hơi
1. Thở hụt hơi do hen suyễn
Khó thở hụt hơi do hen suyễn có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. |
Người mắc bệnh hen suyễn thường gặp tình trạng khó thở, thở hụt hơi đi kèm với thở khò khè, ho và tức ngực. Cơn hen cấp thường khởi phát khi cơ thể tiếp xúc với các chất gây dị ứng như phấn hoa, khói thuốc, bụi, thời tiết. Ngoài ra, hen suyễn có thể không liên quan đến các yếu tố gây dị ứng mà liên quan đến các phụ nữ lớn tuổi, thừa cân, thậm chí là béo phì.
Khó thở hụt hơi do hen suyễn có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Trong hầu hết trường hợp, bệnh có xu hướng tiến triển mạn tính.
2. Hụt hơi, khó thở do phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
Giống như hen suyễn, COPD khiến đường thở bị hẹp, co thắt. Không chỉ gây thở hụt hơi, bệnh còn gây ra triệu chứng thở khò khè, tức ngực và ho có đàm.
Nếu bị COPD, bạn có thể bị thở hụt hơi mọi lúc, thậm chí cả khi ngồi nghỉ ngơi. Đặc biệt, triệu chứng này thường xảy ra mỗi khi bạn tập thể dục. COPD phổ biến hơn ở những người lớn tuổi và có xu hướng nặng dần theo thời gian. Ngoài ra, hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ số một cho bệnh COPD.
3. Ung thư phổi gây hụt hơi
Không có gì ngạc nhiên khi bạn cảm thấy khó thở, thở hụt hơi khi mắc các bệnh về phổi. Đặc biệt, ung thư phổi là một trường hợp nguy hiểm mà bạn cần nâng cao cảnh giác. Nguyên nhân là do ung thư phổi ở giai đoạn đầu thường không gây ra triệu chứng. Chỉ khi khối u phát triển lớn chặn đường hô hấp, lúc này các biểu hiện như khó thở mới xuất hiện. Khi các triệu chứng rõ ràng, bệnh sẽ khó điều trị hơn.
4. Khó thở do mắc suy thận mãn tính
Người bị suy thận đôi lúc cảm thấy khó thở, đôi khi lại bị hụt hơi cực kỳ khổ sở và khó chịu |
Suy thận diễn ra từ từ, trong vài tuần, vài tháng hoặc vài năm. Khi đó người bệnh thường có các dấu hiệu như phù nề tay chân, huyết áp cao,người mệt mỏi, khó thở, ăn không ngon, sụt cân, da sạm màu, chuột rút…
Tình trạng khó thở, hụt hơi có thể liên quan đến thận theo 2 cách. Đầu tiên là do chất lỏng dư thừa trong cơ thể tích tụ ở phổi. Và thứ hai, thiếu máu khiến cơ thể bị thiếu oxy, gây khó thở. Người bị suy thận đôi lúc cảm thấy khó thở, đôi khi lại bị hụt hơi cực kỳ khổ sở và khó chịu. Ở một số người, tình trạng này thường xảy ra vào ban đêm. Một số người bị suy thận miêu tả rằng, cảm giác này giống như bị “ngộp nước, chết chìm” vô cùng sợ hãi. Do đó, cần hết sức lưu ý trước triệu chứng này nhằm có biện pháp chữa trị thích hợp.
5. Khó thở xảy ra khi mắc ung thư vú
Khó thở là biểu hiện xảy ra khi ung thư vú đã vào giai đoạn muộn. Người bệnh bị tức ngực, có cảm giác hít sâu không được, khó khăn trong từng nhịp thở. Đôi khi, tình trạng này có khả năng là do ung thư đã di căn đến phổi. Ngoài ra, xạ trị và hóa trị cũng có thể là nguyên nhân gây ra những triệu chứng về hô hấp, bao gồm cả ho kéo dài hoặc ho khan.
Khó thở không chỉ gây khó chịu mà còn cản trở các hoạt động thường ngày của bạn, khiến bạn mất ăn mất ngủ. Điều quan trọng là phải tìm cách quản lý chứng khó thở để cải thiện nhịp thở và chất lượng cuộc sống.
Nên làm gì khi cảm thấy khó thở?
- Sử dụng kỹ thuật thở có kiểm soát: Hít thở chậm, đều bằng cách hít vào sâu bằng mũi đếm 2 và thở ra đếm 4. Khi thở ra, hãy khép môi lại như thể bạn đang từ từ thổi tắt một ngọn nến.
- Điều chỉnh hoạt động của bạn: Lập kế hoạch hàng ngày để sử dụng năng lượng vào các hoạt động quan trọng nhất trước tiên và hạn chế các việc không cần thiết. Nếu bạn bị hụt hơi, hãy dừng lại và nghỉ ngơi. Tránh lên xuống cầu thang nhiều lần, nên nghỉ ngơi giữa và trong các hoạt động.
- Cố gắng thư giãn: Khi bạn cảm thấy khó thở, điều quan trọng là phải bình tĩnh vì lo lắng có thể làm cho vấn đề hô hấp trở nên tồi tệ hơn. Thư giãn giúp cơ thể giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi, cân bằng tâm trạng. Giảm căng thẳng bằng cách học cách suy nghĩ, nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực, ăn uống điều độ, làm việc khoa học, có thời gian biểu hợp lý, tránh làm việc quá sức, tập các bài tập thiền định thư giãn cơ thể.
Tập thiền định để thư giãn cơ thể |
- Hít thở không khí trong lành, mát mẻ: Thông gió tốt với độ ẩm thấp giúp giảm bớt một số triệu chứng khó thở. Hạ nhiệt độ trong phòng, mở cửa sổ và loại bỏ khói và lông thú cưng. Tránh phòng đông người, nhiệt độ ấm áp và mùi khó chịu.
- Vận động nhẹ: Tập thể dục giúp cơ thể khỏe mạnh, ngăn chặn các bệnh về tim mạch – một trong những bệnh gây mệt mỏi, khó thở. Tùy vào thể trạng của từng người mà sẽ có các bài tập phù hợp khác nhau. Tuy nhiên, bạn nên thử các bài tập nhẹ nhàng, kéo giãn nhẹ.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý: Chế độ ăn uống cân bằng cung cấp năng lượng mà cơ thể bạn cần để chữa bệnh và hoạt động. Hãy thử ăn 6 bữa nhỏ mỗi ngày, thay vì 3 bữa chính. Tránh thức ăn khó nhai. Uống nhiều nước để ngăn ngừa mất nước. Tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng giúp lập kế hoạch ăn uống.
- Theo dõi các triệu chứng của bạn: Đối với một số người, khó thở có thể đoán trước được. Ví dụ, bạn cảm thấy khó thở khi leo cầu thang hoặc hoạt động thể chất. Nếu bạn nhận thấy tình trạng lặp lại, hãy tránh hoặc hạn chế những hoạt động đó. Cố gắng đề phòng những tình huống khiến bạn căng thẳng hoặc lo lắng để có thể học cách thư giãn trước khi bị hụt hơi.
- Tuân theo chỉ định của bác sĩ: Thông báo cho bác sĩ các vấn đề về hô hấp đang ảnh hưởng đến bạn như thế nào. Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc để giúp giảm khó thở.
Nhìn chung, khó thở, hụt hơi có thể là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý nguy hiểm. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi và khó thở thường xuyên, kèm theo các triệu chứng được nêu trên, bạn cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán đúng bệnh lý, tìm ra nguyên nhân, nhận điều trị phù hợp và sớm nhất
Ánh Dương
Theo Người đưa tin
Chủ đề liên quan: