12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Cảnh giác với những cơn đau thắt ngực

(SKGĐ) Đau thắt ngực là cơn đau thắt từng cơn ở vùng tim do thiếu máu cơ tim, là một dạng bệnh nhẹ nhất trong số các chứng bệnh do thiếu máu cục bộ cơ tim. Tình trạng này có thể hồi phục được. Tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời bệnh sẽ diễn biến ngày càng xấu hơn và có nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Bác Nguyễn Thị Hiền (56 tuổi, Nguyễn Chí Thanh, Q.5, Tp.HCM) thời gian gần đây hay có cảm giác mệt mỏi, đau tức ngực như có vật nặng chèn ép vào ngực rất khó chịu, đau ở dưới hai bên bú, kèm theo là cảm giác rất khó thở, mệt mỏi, đau nhức bên hai vai, có lúc cơn đâu quặn xuống sườn... Mỗi cơn đau thường diễn ra vài phút là hết. Trước thì thỉnh thoảng mới thấy một cơn, nhưng gần đây thì ngày nào cũng xuất hiện và hôm vừa rồi cơn đau làm cho bác Hiền mệt muốn xỉu đi.

Anh con trai thấy vậy đã mau chóng đưa mẹ đến bệnh viện, sau đó bác được làm điện tim, não đồ… Với triệu chứng được mô tả, thăm khám và làm các xét nghiệm. Bác sỹ đã kết luận, bác Hiền đang gặp vấn đề liên quan tới cơn đau thắt ngực là cơn đau hoặc khó chịu ở ngực xảy ra khi tim không nhận đủ lượng máu và ôxy cần thiết.

Chứng đau thắt ngực và đau tim có cùng nguyên nhân cốt lõi: Xơ vữa động mạch. Mặc dù, cơn đau thắt ngực có thể đến rồi đi, nhưng đó là dấu hiệu của bệnh tim không nên xem nhẹ. Thay đổi lối sống, dùng thuốc, các thủ thuật y khoa và phẫu thuật có thể giúp giảm nhẹ chứng đau thắt ngực.

Đau thắt ngực là gì?

PGS.TS Đoàn Văn Đệ (Chủ nhiệm Bộ môn Tim- thận- khớp- nội tiết, Học viện Quân y, Viện 103) cho biết: Những người ngoài 40 tuổi (nhất là phụ nữ) nếu thường xuyên thấy mỏi mệt, khó thở, hồi hộp, trống ngực đánh liên hồi và đau thắt ngực thì nên đi kiểm tra sức khỏe nhất là các bệnh về tim mạch.

Trường hợp của bác Hiền trên là do cơn đau thắt ngực. Đây là tình trạng khó chịu ở ngực xảy ra khi sự cung cấp máu có chứa oxy đến một vùng nào đó của cơ tim giảm đi. Nguyên nhân gây bệnh là một nhánh nhỏ của động mạch vành bị hẹp, làm cho một vùng cơ tim không được cấp máu đầy đủ nên không đảm bảo nuôi dưỡng cơ tim.

Cơn đau thắt ngực thường xảy ra ở những người có lòng mạch bị ngăn hẹp khoảng 60, 70% lại gặp phải những căng thẳng về tâm lý, khi làm việc mệt nhọc hoặc sau một cố gắng về thể lực.

Đau thắt ngực xuất hiện sau một hoạt động gắng sức như, làm việc nặng, chạy, leo dốc, leo cầu thang, quan hệ tình dục... Nếu cơn đau xuất hiện khi nghỉ ngơi, thư giãn, ngủ... thường không phải là đau thắt ngực. Hay yếu tố tâm lý như, xúc động mạnh, bực tức, cáu giận, lo sợ... cũng có thể là nguyên nhân xuất hiện cơn đau.

Cơn đau thắt ngực thường tái diễn nhiều lần, mỗi cơn đau thường kéo dài từ 2-10 phút. Cơn đau quá ngắn dưới 1 phút hoặc quá dài trên 15 phút, thường không phải là đau thắt ngực.

Những cơn đau xuất hiện?

Cơn đau thắt ngực thường cho những cảm giác như: Bị đè ép, nặng, bóp nghẹn, co xiết, hoặc, đau dọc theo ngực, đặc biệt là phía sau xương ức, cơn đau thường lan đến cổ, quai hàm, cánh tay, lưng, hoặc thậm chí là răng.

Đa số đau xuất phát từ giữa ngực ngay sau xương ức, hoặc bên ngực trái vùng trước tim. Sau đó đau lan từ ngực lên vai trái. Nếu lan xa hơn sẽ xuống cánh tay trái, cẳng tay trái, ngón tay trái và thường là ngón út. Số ít trường hợp lan lên cổ, tay phải, thượng vị nhưng không bao giờ lan xuống đến rốn.

Bệnh nhân cũng có thể cảm thấy: Ăn không tiêu, bỏng rát ngực, yếu ớt, vã mồ hôi, buồn nôn, chuột rút, và, khó thở…

Cắt cơn đau và điều trị

Tự cắt cơn đau khi đang hoạt động gắng sức mà xuất hiện cơn đau, phải tự dừng ngay hoạt động lại và nghỉ ngơi, cơn đau sẽ hết sau vài phút. Nên chuẩn bị sẵn thuốc Nitroglycerin trong túi, khi xuất hiện cơn đau liền ngậm ngay một viên, cơn đau sẽ hết sau vài phút.

Người bệnh cần đến ngay các trung tâm y tế để được các bác sĩ khám và chẩn đoán xác định cơn đau thắt ngực. Hiện nay có rất nhiều thuốc tốt để điều trị và dự phòng cơn đau thắt ngực, nhưng cần phải có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc chuyên khoa.

Những trường hợp động mạch vành hẹp nặng, nguy cơ nhồi máu cơ tim, các thầy thuốc có thể tiến hành nong động mạch vành, đặt giá đỡ động mạch vành, phẫu thuật làm cầu nối để tăng cường lưu thông máu. Các phương pháp này cần phải có trình độ chuyên môn rất cao, nhưng đều đã triển khai được ở các trung tâm tim mạch lớn trong nước.

Chế độ ăn uông ít chất béo, nhiều rau quả và ngủ cốc thô, tập thể dục và thực hành thiền không những có thể chữa được những triệu chứng của bệnh tim mạch mà còn có thể tiêu diệt các mảng xơ vữa. Điều này cho thấy việc thay đổi lối sống có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc điều trị tận gốc các chứng đau thắt ngực.

Những người có nguy cơ đau thắt ngực

- Theo các chuyên gia về tim mạch, trên 90% trường hợp đau thắt ngực là do hậu quả của xơ vửa động mạch.

- Nam giới chiếm 80%, xuất hiện ở tuổi trên 40. Nữ giới xuất hiện ở tuổi trên 45.

- Người mắc các bệnh béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường.

- Chế độ ăn quá nhiều chất béo.

- Có thói quen hút thuốc lá, ít vận động, hay phải lo nghĩ nhiều.

- Gia đình có người bị đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.

- Cơn đau thắt ngực thường xảy ra ở những người có lòng mạch bị ngăn hẹp khoảng 60, 70% lại gặp phải những căng thẳng về tâm lý, khi làm việc mệt nhọc hoặc sau một cố gắng về thể lực.

Theo chuyên đề

Sức khỏe gia đình (NXB Y học)

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/canh-giac-voi-nhung-con-dau-that-nguc-15569/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY