Tâm sự hôm nay

Câu hỏi Đau khổ là gì? của ông lão ăn mày và câu trả lời của một nhà sư

Đau khổ không phải là thứ để chúng ta cảm thấy bất bình mà nó là công cụ để chúng ta tu luyện, đạt đến giác ngộ và cuối cùng được viên mãn.
  • (Lichngaytot.com) Đau khổ không phải là thứ để chúng ta cảm thấy bất bình mà nó là công cụ để chúng ta tu luyện, đạt đến giác ngộ và cuối cùng được viên mãn.
     

    Xưa có một người ăn xin rách rưới và già yếu. Mặc dù mang dáng vẻ thương tâm nhưng đi đến đâu ông cũng bị người đời xua đuổi, xa lánh.

    Trong một lần xin ăn ông lão đã bị người ta đánh đập. May mắn có nhà sư khất thực qua đó đã dang tay cứu giúp. Nhìn thấy thần thái siêu phàm thoát tục của nhà sư, ông lão vô cùng cảm động vội quỳ xuống, hai tay ôm lấy chân nhà sư mà khóc rằng: “Xin hãy cho lão già đây được đi theo ngài. Lão không cầu ngài phải cung dưỡng, chỉ hy vọng trước khi ch*t được một lần nghe Phật Pháp mà thôi”. Nhà sư liền đỡ ông dậy và nói: “Tôi chỉ là người xuất gia, không có tiền cũng không có vật, chỉ lấy từ bi làm gốc, mong rằng ông sẽ không ngại cùng tôi mà chịu khổ”.


    Ảnh minh họa

    Cả một đời ông lão đã trải qua nhiều khổ cực, qua mùa đông giá rét rồi ngày hè nóng bức, sống cảnh màn trời chiếu đất, trong đói khát mãi không biết được cảm giác no đủ, trăm ngàn cái khổ giày vò qua năm này năm khác. Có những lúc cảm thấy cuộc đời sao trớ trêu, vận mệnh sao lại bất công như vậy, ông lão chỉ phẫn uất than trời: “Ông Trời ơi, ngài có mắt hay chăng, sao lại đối xử với tôi tàn nhẫn như vậy?” Đáp lại lời ông chỉ là tiếng sấm chớp đùng đùng, mưa to như trút, có lẽ ông Trời cũng động lòng trước nỗi khổ của ông mà rơi lệ. Mặc dù mỗi thời mỗi khắc ông đều đang chịu khổ như vậy, nhưng rốt cuộc ‘khổ là gì?’ ông không hề hay biết, không thể sờ thấy, cũng không thể nhìn thấy được.

    Từ khi theo nhà sư về chùa, ông lão được nghe Phật Pháp mỗi ngày. Một ngày kia, ông lão hỏi: “Đau khổ là cái gì vậy?” Nhà sư mở tay ra, trong nháy mắt bỗng xuất hiện bó hoa với đủ mọi sắc màu. Những bông hoa nhẹ nhàng phiêu động trên tay, huyền diệu vô cùng. Ông lão mở to mắt kinh ngạc, thật không ngờ “khổ” lại có hình dáng như thế này, lại còn đẹp đến vậy. Nhà sư ngắt một cánh hoa đưa cho ông lão: “Ông hãy nếm thử, xem xem khổ có mùi vị gì”.

    Ngay khi vừa nuốt cánh hoa, ông lão giật mình bừng tỉnh. Cánh hoa lung linh như vậy mà lại đắng (khổ) đến thế. Cái khổ vô cùng vô tận, khổ bằng trời bằng biển, đến nỗi ông lão quặn thắt lòng như xé thấu tâm can. Mùi vị của cái khổ xuyên qua mỗi đường kinh lạc, thấm vào xương tủy, sau đó mới dần dần tiêu mất. Cả một đời ông lão đã chịu khổ nhiều như vậy, thì ra đều không sánh được với cái khổ của một cánh hoa nhỏ xíu này. Nhưng đến lúc này, khi đã hồi tỉnh rồi, cái khổ cũng qua đi rồi, ông lão mới nhận ra rằng tấm lưng còng nay đã thẳng trở lại, hai chân khập khiễng giờ cũng khỏi hẳn, cơ thể tàn tạ vì sương gió bỗng trở nên khỏe mạnh đầy sức sống, hàng trăm bệnh tật cũng biến mất từ lúc nào không hay. Lần đầu tiên trong đời ông lão tận hưởng được cái khoan khoái và hạnh phúc vô bờ. Ông lại nước mắt lưng tròng, quỳ lạy và dập đầu lia lịa trước nhà sư.

    Nhà sư liền đỡ ông dậy, vẫy nhẹ tay giữa không trung, lập tức toàn bộ sàn, tường, vách, và ngay cả trên trần nhà cũng hiển hiện những bông hoa rực rỡ sắc màu, lộng lẫy đủ mọi dáng vẻ, tất cả đều lấp lánh ánh quang và tỏa hương thơm ngát. Nhà sư nói:

    “Những bông hoa này tên là Thánh Khổ Linh Hoa, là do ta đã đời đời kiếp kiếp, đi khắp chân trời góc bể, chịu đủ hết thảy mọi cái khổ trên đời, nhờ khổ tu mà xuất lai. Người đời dẫu chịu khổ bao nhiêu cũng không thể hình thành được Thánh Khổ Linh Hoa này, chỉ có những bậc chân tu được Phật Pháp gia trì mới có thể làm được. Nhưng sự hình thành của mỗi cánh hoa đều cần phải chịu rất rất nhiều khổ mới tạo nên được”.

    Ông lão nói: “Đại sư, ngài chịu đủ thứ khổ như vậy, dùng cạn tâm huyết mà vun trồng Thánh Khổ Linh Hoa, rốt cuộc là vì sao vậy?”. “Vì chúng sinh đó!” Nhà sư ngữ khí nghiêm trang nói: “Sau này nếu ông có thể chịu khổ tu luyện, cũng sẽ hình thành Thánh Khổ Linh Hoa, tế thế độ nhân vậy.”

    Ông lão nói: “Ngay từ khi mới sinh ra lão đã bị cha mẹ bỏ rơi, trong khi xin ăn lại thường bị người đời chửi mắng đánh đập tàn nhẫn, phải chịu khổ bao nhiêu, vậy sao cái gì cũng không minh bạch được? Trái lại lại trở nên vừa già nua vừa bệnh tật, căm phẫn đố kỵ với cuộc đời.” Nhà sư nói: “Đó là bởi ông không gặp được Phật Pháp. Nhưng nếu có thể chịu khổ mà tu luyện Phật Pháp thì sẽ hình thành Thánh Khổ Linh Hoa, không chỉ bản thân ông mà hết thảy chúng sinh cũng sẽ nhờ ông chịu khổ mà có được cơ duyên hữu sinh, mới có duyên lành tiến nhập vào thế giới Thiên quốc.”

    Thì ra là như vậy! Đúng như lời Đức Phật giảng: “Đời người là bể khổ”, nhưng nếu như cái khổ khiến người bình thường trở nên căm phẫn, bất bình, thì cái khổ lại giúp người tu luyện thăng hoa, đạt đến giác ngộ, cuối cùng viên mãn, đắc Đạo. Như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Giê-su, hay Lão Tử, chẳng phải họ cũng từng nếm trải hết thảy mọi cái khổ trên đời đó sao?


    ► Mời bạn đọc: Những câu nói hay về tình yêu và suy ngẫm

    ST.

Mạng Y Tế
Nguồn: Lịch ngày tốt (https://lichngaytot.com/blog-cuoc-song/cau-hoi-dau-kho-la-gi-cua-ong-lao-an-may-va-cau-tra-loi-cua-mot-nha-su-700-187016.html)
Từ khóa: đau khổ

Chủ đề liên quan:

của một đau khổ nhà sư ông lão

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY