Dinh dưỡng hôm nay

Cây dược liệu cây Cam hay Cam chanh - Citrus sinensis (L.) Osheck (C. aurantium L. var. dulcis L.)

Theo Đông Y, Quả Cam có vị ngọt chua, tính mát; có tác dụng giải khát, sinh tâm dịch, mát phổi, tiêu đờm, thanh nhiệt và lợi tiểu. Vỏ quả Cam có vị cay, mùi thơm, tính ẩm, có tác dụng tiêu đờm, thông khí trệ, giúp tiêu hoá. Vỏ cây Cam vị ngọt, hơi the, tính mát; có tác dụng hạ khí đầy, điều hoà tỳ vị.

1.Cây Cam hay Cam chanh - Citrus sinensis (L.) Osheck (C. aurantium L. var. dulcis L.), thuộc họ Cam - Rutaceae.

Hình ảnh quả cam Xanh

Cam có tên khoa học: Citrus sinensis là một loài thực vật có hoa trong họ Cửu lý hương. Loài này được (L.) Osbeck mô tả khoa học đầu tiên năm 1765.

2.Thông tin mô tả chi tiết Dược liệu Cam

Mô tả: Cây gỗ nhỏ có dáng khoẻ, đều; thân không gai hay có ít gai. Lá mọc so le, phiến lá dài, màu xanh đậm, hình trái xoan, dài 5-10cm, rộng 2,5-5cm, mép có răng thưa; cuống hơi có cánh, rộng 4-10mm. Chùm hoa ngắn ở nách lá, đơn độc hay nhóm 2-6 hoa thành chùm; đài hoa hình chén, không lông; cánh hoa trắng dài 1,5-2cm; nhị 20-30 cái dính nhau thành 4-5 bó. Quả gần hình cầu, đường kính 5--8cm, màu vàng da cam tới đỏ da cam; vỏ quả dày 3-5mm, khó bóc; cơm quả quanh hạt vàng, vị ngọt; hạt có màu trắng.

Cây ra hoa quanh năm, thường có hoa vào tháng 1-2, có quả vào tháng 10-12.

Bộ phận dùng: Quả, kể cả dịch quả và vỏ quả; hoa - Fructus et Flos Citri Sinensis.

Lá và vỏ cây cũng được dùng.

Ở Trung Quốc, người ta dùng quả chưa chín của Cam chanh cũng như quả xanh của cây Toan chanh - Citrus aurantium L., làm Thu*c gọi là Chỉ thực - Fructus Aurantii Immaturus.

Nơi sống và thu hái: Cây của Á châu nhiệt đới được trồng rộng rãi khắp nước ta để lấy quả ăn. Người ta đã tạo được những giống lai giữa cam và quýt, cam và bưởi. Các tác giả Bách khoa Nông nghiệp cho biết ở nước ta có những giống cam nổi tiếng.

- Cam Xã Đoài: Cây tương đối cao, ít cành lá (cành quả). Quả ngon, thơm, trồng ở Xã Đoài, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An rồi lan ra cả vùng đất nhẹ huyện Nghi Lộc.

- Cam ở miền Nam: Vỏ nhiều khi vẫn xanh, cây rải vụ (vụ thu hoạch kéo dài).

- Cam Động đình: Cây to, lá xanh nhạt, tai lá to; quả to, màu đỏ tía, nhiều nước, hơi chua, dễ trồng, có sức chống chịu, là giống lai giữa Cam và Bưởi. Hiện trồng ở tỉnh Hải Hưng.

- Cam đường: Gần với Quýt hơn Cam. Cây cao 2-3m, tán rộng, nhiều cành lá, lá không có tai. Quả trung bình 100g, vỏ mỏng, màu vàng đỏ hay đỏ sẫm, dễ bóc, múi dễ chia. Có ba loại hình chính là Cam giấy với các giống Cam Canh (Hà Nội), Cam Đồng dụ (Hải Phòng), Cam Ngọc cục và Cam Hành Thiện (Nam Hà); Cam Bù, Cam Chua, dễ trồng sai quả, vị hơi chua, phổ biến ở Hương Sơn (Hà Tĩnh), Tuyên Hoá (Quảng Bình); Cam voi, quả to 300-350g lai giữa Cam bù và Bưởi, trồng ở Tuyên hoá (Quảng Bình).

- Cam sành: Cây cao 2-3m, phân cành thấp, lá có tai nhỏ, quả sần sùi, vỏ dày, khi chín màu vàng hay đỏ sẫm, vỏ dễ bóc, ruột đỏ, vị ngọt, hơi chua. Giống phổ biến là Cam Bố Hạ, trồng ở vùng bãi phù sa Hà Bắc trên đất thoát nước; quả dẹt, nặng trung bình 200-250g, màu vàng đỏ đẹp, chín vào tháng 11-12-1 năm sau, dịp Tết Nguyên đán, Cam sành có tên là Citrus nobilis Lour. với quả có vỏ sần sùi mịn, khi chín màu vàng đỏ, tuy dày nhưng dễ bóc, hột có màu nâu lục. Quýt trước đây vẫn được xem là một thứ trong Cam sành.

Còn những loại Cam gần với Chanh có vỏ mỏng hơn nhưng khó bóc, khi chín màu vàng. Ở nước ta có Cam gần như quanh năm nên có thể dùng quả tươi. Người ta cũng thường thu hái quả non rụng ở gốc cây làm chỉ thực.

Thành phần hóa học: Trong Cam tươi có nước 87,5%, protid 0,9%, glucid 8,4%, acid hữu cơ 1,3%, cellulose 1,6%, calcium 34mg%, sắt 23mg%, caroten 0,4mg%, vitamin C 40mg%. Quả là nguồn vitamin C, có thể tới 150mg trong 100g dịch, hoặc 200-300 mg trong 100g vỏ khô.

Trong lá và vỏ quả xanh có l-stachydrin, hesperdin, aurantin, acid aurantinic, tinh dầu Cam rụng (petitgrain). Hoa chứa tinh dầu Cam (neroli) có limonen, linalol, geraniol. Vỏ quả chứa tinh dầu mà thành phần chính là d-limonen (90%), decyclicaldehyd tạo nên mùi thơm, các alcol như linalool, dl-terpineol, alcol nonylic, còn có acid butyric, authranilat metyl và este caprylic.

Tính vị, tác dụng: Quả Cam có vị ngọt chua, tính mát; có tác dụng giải khát, sinh tâm dịch, mát phổi, tiêu đờm, thanh nhiệt và lợi tiểu. Vỏ quả Cam có vị cay, mùi thơm, tính ẩm, có tác dụng tiêu đờm, thông khí trệ, giúp tiêu hoá. Vỏ cây Cam vị ngọt, hơi the, tính mát; có tác dụng hạ khí đầy, điều hoà tỳ vị.

Ở Ấn Độ, quả được xem như có tác dụng khử lọc, và vỏ có tác dụng trung tiện và bổ.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả Cam đường dùng để ăn có nhiều tác dụng; lại được dùng làm Thu*c giải nhiệt trị sốt, điều trị chứng xuất tiết và giúp ăn ngon miệng.

Ở Ấn Độ, dịch quả cũng được dùng trong bệnh đau về mật và ỉa chảy ra máu. Vỏ quả Cam có thể dùng thay vỏ quýt nhưng tác dụng kém hơn, làm Thu*c kích thích tiêu hoá, chữa đau bụng, đầy bụng, ợ chua, đi ngoài.

Ta còn dùng vỏ Cam chữa bệnh sau khi đẻ bị phù.

Vỏ tươi dùng xát vào mặt làm Thu*c điều trị mụn trứng cá. Lá Cam dùng chữa tai chảy nước vàng hay máu mủ.

Hoa Cam thường dùng cất tinh dầu và nước cất hoa Cam dùng pha chế Thu*c.

Chỉ ăn toàn Cam trong ba ngày liền có tác dụng như uống một liều Thu*c tẩy độc rất tốt.

Uống nước vỏ Cam nấu chín có tác dụng kích thích nội tiết nước mật, làm tăng nhu động ruột, chống bệnh táo bón.

Đơn Thu*c:

1. Sau khi đẻ bị phù: Dùng 20g vỏ cây Cam sắc uống hoặc phối hợp với vỏ Bưởi và vỏ Chân chim, mỗi vị 12g, cùng sắc.

2. Tai chảy mủ: Dùng 7 lá Cam non giã với ít nước, vắt lấy nước cốt nhỏ vào tai, để một chốc rồi quấn bông chùi sạch, làm mỗi ngày vài lần sẽ khỏi (Lê Trần Đức).

Mạng Y Tế
Nguồn: Y dược học (https://www.ydhvn.com/news/cay-duoc-lieu-cay-cam-hay-cam-chanh-citrus-sinensis-l-osheck-c-aurantium-l-var-dulcis-l)

Tin cùng nội dung

  • Nhờ thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, nước ta rất dồi dào về nguồn nguyên liệu dược phẩm. Tuy nhiên, thực tế là phần lớn nguồn dược liệu phục vụ bào chế, sản xuất Thu*c tân dược, Thu*c Đông y...
  • Theo một nghiên cứu mới đây, các chất thải công nghiệp và vỏ cam có thể tích hợp với nhau để chống lại ô nhiễm thủy ngân.
  • Trong kho tàng dược liệu phong phú của đất nước ta, những cây quả thuộc họ bí vừa là nguồn thực phẩm dồi dào đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày vừa cho những vị Thuốc thông dụng chữa được nhiều bệnh, góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
  • Tử trùng giao, tên dân gian là cánh kiến đỏ, tên Thu*c trong y học cổ truyền là tử giao, xích giao, tử khoáng, tử thảo nhung, tử ngạnh, hoa một dược, là nhựa của tổ con rệp (bọ rùa) cánh kiến đỏ.
  • Rượu Thuốc là dạng rượu để bồi bổ cơ thể hoặc để điều trị bệnh. Nhưng nếu dùng loại rượu này không đúng sẽ gây ra biến chứng khôn lường.
  • Ngày 28/8, trao đổi với phóng viên báo Sức khỏeĐời sống liên quan đến thực phẩm chức năng An cung ngưu hoàng hoàn (Angunguhwanghwan) do Triều Tiên sản xuất,
  • Cây đinh lăng là loại dược liệu, không chỉ được dân gian ví như: nhân sâm của người nghèo, mà ở huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng - Tỉnh Nam Định, loại cây này đang được xem là nhân tố, thúc đẩy nền kinh tế xanh của địa phương, khi trở thành nguồn nguyên liệu cho các công ty Dược phẩm.
  • Để kế thừa, bảo tồn và phát triển nền y dược cổ truyền, chúng ta cần có nguồn dược liệu đảm bảo về chất lượng và đa dạng về chủng loại.
  • Chưa có bằng chứng lâm sàng hay khoa học nào chứng minh sừng tê giác có thể chữa khỏi bệnh nan y như ung thư, đái tháo đường...
  • Hiện nay, nguồn tài nguyên dược liệu của nước ta suy giảm nghiêm trọng, có nhiều loại đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY