Sức khỏe hôm nay

Cha mẹ bao bọc quá mức ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của con cái?

Cha mẹ bao bọc quá mức không thể chịu đựng được việc để con cái mình trải qua bất kỳ thất bại nào. Đây là những bậc cha mẹ luôn sẵn sàng cứu con mỗi khi chúng phải đối mặt với thử thách dù là nhỏ nhất.

Bao bọc quá mức là gì?

Cha mẹ bao bọc quá mức thể hiện hành vi canh giữ thái quá ở mọi độ tuổi phát triển của trẻ và luôn lo sợ rủi ro. Trọng tâm duy nhất của những bậc cha mẹ này là giữ cho con được an toàn, không chỉ về mặt thể chất mà còn cả về tình cảm. Họ bị ám ảnh bởi sự an toàn của con mặc dù chúng vẫn trong môi trường tương đối an toàn.

Bảo vệ khác bao bọc quá mức

Cha mẹ bảo vệ con theo bản năng. Họ yêu thương và quan tâm đến con cái, muốn nuôi dạy chúng khỏe mạnh, hạnh phúc và thành đạt.

Nhưng khi cha mẹ giúp đỡ quá nhiều, làm thay mỗi khi trẻ gặp khó khăn, hoặc che chắn con cái khỏi mọi sự tiêu cực của thế giới bên ngoài, họ trở thành những bậc cha mẹ bao bọc quá mức. Và sự bao bọc đó nhiều khi dẫn đến cực đoan.

Nhiều bậc cha mẹ bao bọc con quá mức vì luôn lo lắng rủi ro dù các con đang ở trong môi trường an toàn.

Dấu hiệu cha mẹ đang bao bọc quá mức

Làm mọi thứ cho con

Cha mẹ bao bọc quá mức không thể chịu đựng được việc để con cái mình trải qua bất kỳ thất bại nào. Đây là những bậc cha mẹ luôn sẵn sàng cứu con mỗi khi chúng phải đối mặt với thử thách dù là nhỏ nhất.

Kiểm soát từng chi tiết nhỏ nhất

Các bậc cha mẹ bao bọc quá mức sẽ lo lắng về mỗi bước di chuyển của con. Họ theo dõi và kiểm soát các hành động cũng như môi trường sống, hay nói cách khác là quản lý mọi khía cạnh trong cuộc sống của con.

Luôn phản ứng thái quá

Cha mẹ bao bọc quá nhạy cảm và thường phản ứng thái quá với bất cứ điều gì liên quan đến con cái. Họ quá thận trọng đối với các hoạt động mà con tham gia hay liên tục nhắc nhở về sự an toàn và nguy hiểm. Cha mẹ cũng sẽ can thiệp nếu con mình không được đối xử đặc biệt mà họ mong muốn con được hưởng.

Ảnh hưởng của cha mẹ bao bọc quá mức

Thiếu kỹ năng sống

Sự bảo bọc quá mức của cha mẹ làm suy yếu sự phát triển của trẻ về các kỹ năng đối phó độc lập. Để học các chiến lược đối phó hiệu quả, trẻ phải học cách thích nghi với các tình huống khó khăn. Trải nghiệm thử thách sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng sống. Trẻ em cũng cần tiếp xúc với rủi ro để cho phép cơ chế đối phó của chúng trưởng thành .

Tuy nhiên, những đứa trẻ được bao bọc quá mức không có cơ hội đó. Chúng được đặt trong một bong bóng cách xa thế giới thực và được che chắn khỏi những thực tế đau thương. Những đứa trẻ đã quen với việc cha mẹ lên kế hoạch và dọn dẹp đống bừa bộn của chúng nên không chuẩn bị trước để đối phó với những gì cuộc sống có thể ập đến.

Luôn cảm thấy bất an

Các bậc cha mẹ bao bọc quá mức thường là những bậc cha mẹ hay lo lắng trước những nguy hiểm. Họ có xu hướng bảo vệ con mình quá mức do thành kiến ​ đối với các mối đe dọa, liên tục nhắc nhở con về sự nguy hiểm khiến chúng luôn cảm thấy lo lắng, bất an.

Những đứa trẻ được bao bọc quá mức thường nhút nhát và thiếu tự tin.

Không dám đối diện thách thức

Các bậc cha mẹ bao bọc quá mức luôn cố đảm bảo con không bị thất bại. Họ giải cứu con cái một cách nhanh chóng và giúp đỡ con cả khi không cần thiết.

Một đứa trẻ từ một gia đình được bao bọc quá mức rất sợ mắc lỗi. Lo sợ thất bại, bị tổn thương hoặc bị từ chối, họ miễn cưỡng thử điều gì đó mới và né tránh các cơ hội.

Thay vì tự mình điều hướng những khó khăn và giải quyết vấn đề, những đứa trẻ này trở nên phụ thuộc vào cha mẹ. Việc không muốn dang rộng đôi cánh và đối diện với thách thức khiến chúng khó trở thành người trưởng thành có năng lực.

Thiếu kỹ năng xã hội

Bao bọc quá mức khiến trẻ không tham gia vào các tình huống xã hội, hạn chế cơ hội học hỏi các kỹ năng. Ngoài ra, những đứa trẻ này có nhiều khả năng mắc chứng lo âu. Rối loạn lo âu xã hội (hay còn gọi là ám ảnh sợ xã hội) được đặc trưng bởi sự sợ hãi và né tránh các tình huống xã hội, kèm theo sự bận tâm quá mức với nỗi sợ bị từ chối, chỉ trích hoặc bối rối.

Dễ bị trầm cảm hơn

Các nghiên cứu cho thấy rằng những đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng cách bao bọc quá mức nhiều khả năng bị trầm cảm hơn ở tuổi vị thành niên. Sự bảo vệ quá mức của cha mẹ có liên quan đến việc sử dụng thuốc theo toa cho bệnh trầm cảm và việc tiêu thụ thuốc giảm đau để giải trí ở sinh viên đại học.

Thiếu tự tin

Trẻ em được bảo vệ quá mức có lòng tự trọng và tự tin thấp vào khả năng giải quyết các vấn đề hàng ngày. Ý thức về bản thân hoặc lòng tự trọng của một người chủ yếu dựa vào cách người khác đối xử với họ trong giao tiếp.

Trẻ em thường xuyên được giám sát và bảo vệ được đưa ra thông điệp rằng chúng không đủ khả năng hoặc đủ tốt để tự quản lý cuộc sống.

Dễ bị bắt nạt

Việc nuôi dạy con quá mức khiến cho những đứa trẻ dễ bị bắt nạt hơn. Chúng không được phép tham gia vào các hoạt động chơi thô bạo, đối kháng hoặc chấp nhận rủi ro cần thiết để phát triển các kỹ năng quản lý xung đột và tự vệ.

Thiếu tính quyết đoán

Trẻ em từ các hộ gia đình được bảo vệ quá mức thường thiếu quyết đoán hơn. Những sinh viên đại học có cha mẹ được coi là bao bọc quá mức sẽ do dự nhiều hơn trong sự nghiệp so với những sinh viên được khuyến khích tự lập khi còn nhỏ.

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/cha-me-bao-boc-qua-muc-anh-huong-nhu-the-nao-den-su-phat-trien-cua-con-cai-29781/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY