Sức khỏe hôm nay

Cha mẹ độc ác nếu không đội mũ bảo hiểm cho con

(SKGĐ) Nhiều bậc cha mẹ hiện nay bất cẩn khi ra đường không đội mũ bảo hiểm (MBH) cho con em mình, nhiều tai nạn đáng tiếc đã xảy ra do chính sự bất cẩn này.

Yêu thương là luôn mang lại sự an toàn cho con. Cho con đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là một cách để cha mẹ thể hiện tình yêu thương của mình.

Dưới đây là những tiêu chí để phụ huynh chọn cho con “món quà yêu thương”.

Kiểu dáng

Hiện nay, kiểu MBH che nửa đầu đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Đặng Xuân Vinh, Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2: “Tốt nhất nên chọn loại mũ che sâu xuống phần đầu bên dưới. Do ở trẻ em, dây thần kinh số 7 nằm hơi lộ ra bên ngoài nên khi xảy ra tai nạn, trẻ rất dễ bị tổn thương”.

Đối với trẻ em, nên chọn mũ bảo hiểm phù hợp với sở thích của bé. Bé thường thích những loại MBH có kiểu dáng phong phú, màu sắc sắc sỡ và hình ảnh ngộ nghĩnh. Khi cảm thấy thích thú, con bạn sẽ rất “chăm” đội MBH.

Kích cỡ

Theo quy định, MBH cho trẻ em được chế tạo theo 3 cỡ với vòng đầu 46cm, 48 cm và 50cm. Kích cỡ của MBH thường được đính kèm bên trong mũ.

Để nhận biết một chiếc mũ vừa với vòng đầu, ngoài việc xem số đo, hãy đội MBH lên đầu bé rồi dùng hai tay đẩy nhẹ theo hướng từ trước ra sau, từ trái qua phải và ngược lại. Nếu thấy mũ có độ xê dịch khoảng 5-10cm thì nên chọn loại có số đo nhỏ hơn.

Khối lượng

PGS Douglas J.Brown, Giám đốc Viện Nghiên cứu Cột sống - Sở Y tế Austin, bang Victoria, Australia từng cho biết: “Khối lượng mũ thay đổi theo kích cỡ. Mũ cho trẻ nhỏ khoảng 250g, mũ cho người lớn khoảng 400-500g. Trẻ trên 14 tuổi có thể dùng MBH dành cho người lớn:.

Vì vậy, bạn nên chọn cho con loại MBH càng nhẹ càng tốt, nhưng phải đảm bảo chất lượng.

Tiêu chuẩn chất lượng

Chất liệu: Nên lựa chọn MBH bằng chất liệu ABS chuyên dụng. Không nên chọn mũ làm bằng nhựa tái chế.

Một chiếc mũ đạt tiêu chuẩn cũng phải được ghi rõ các thông tin: tên và địa chỉ cơ sở sản xuất, cỡ mũ; ngày, tháng, năm sản xuất và có tem đảm bảo chất lượng CR. Cũng như với tất cả những mặt hàng khác, người tiêu dùng nên chọn mua MBH ở những cửa  hàng chính hãng. Không nên mua những mặt hàng trôi nổi trên thị trường.

Bề mặt phía ngoài của thân mũ và các bộ phận kèm theo phải nhẵn, không có vết nứt. Đầu đinh tán không nhô lên quá 2mm so với bề mặt phía ngoài của vỏ mũ, không được có các gờ cạnh nhọn, sắc.

Nhãn hiệu

Theo Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Protect, Honda Việt Nam là những nhãn hiệu MBH được tin dùng ở Việt Nam.

Một số lưu ý:

- Quai đeo: Độ giãn của quai không được quá rộng để quai đeo không bị trật khỏi cằm.

- Lớp đệm bảo vệ: Nên chọn loại mút xốp. Khi va đập, lớp đệm bảo vệ sẽ giảm chấn động. Mút xốp càng mềm chịu va đập càng tốt. Bạn có thể kiểm tra bằng cách để ngược mũ và đẩy nhẹ miếng mút xốp bên trong. Nếu ấn mạnh ngón tay, miếng mút xốp sẽ xẹp.

-Đối với mũ có kính: nếu chọn loại có kính chắn thì phải kiểm tra xem khi nhìn qua kính, mọi vật có bị méo hay không. Nếu kính có chất lượng thấp có thể gây rối loạn thị giác ở trẻ.

-Nên thay mũ khác sau khi bị tai nạn.

- Chú ý tăng dần kích thước mũ cho phù hợp với sự phát triển của trẻ.

Con số ấn tượng

Mũ bảo hiểm giúp giảm 69% chấn thương sọ não và giảm 42% tử vong.

Khánh Chi

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/cha-me-doc-ac-neu-khong-doi-mu-bao-hiem-cho-con-6817/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY