Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Cha mẹ nên đưa con đi khám ngay nếu tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ ≤ 4cm/năm

Chiều cao của bé tăng chậm hơn 4-6 cm/năm, phụ huynh nên cho trẻ thăm khám sớm để tìm nguyên nhân. Nếu do thiếu hormone tăng trưởng, cần được điều trị kịp thời

Thông tin trên được BSCKI. Trần Thị Ngọc Anh - Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.Hồ Chí Minh) nhấn mạnh tại chương trình “Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em chưa dậy thì” lần thứ 4.

Đây là chương trình hỗ trợ cộng đồng thường niên của Khoa Nội tiết nhằm giúp các bậc phụ huynh phát hiện sớm chứng rối loạn tăng trưởng chiều cao ở trẻ, đặc biệt là do thiếu hormone tăng trưởng (GH) để có hướng điều trị kịp thời.

BS Ngọc Anh cho hay, tăng trưởng chiều cao của trẻ được chia thành nhiều giai đoạn, trong đó có hai giai đoạn sự tăng trưởng chiều cao diễn ra vượt trội là từ 0-3 tuổi và từ 10 tuổi đến tuổi dậy thì. Dù nhanh hay chậm thì giai đoạn tăng trưởng nào cũng quan trọng và phụ huynh luôn cần quan tâm đền chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, thể dục thể thao của bé.

Điều trị chậm tăng trưởng bằng GH cần được thực hiện cho trẻ trước tuổi dậy thì

Có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ, bao gồm: di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt thể dục thể thao, hormone tăng trưởng (GH)… Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi được. Riêng tỷ lệ thiếu GH, ước tính, trong khoảng 4.000 – 10.000 trẻ thì chỉ có 1 trẻ mắc nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em.

Trẻ thiếu GH sẽ có chiều cao thấp hơn so với tuổi (dưới 2-3 độ lệch chuẩn dựa trên biểu đồ tăng trưởng), tốc độ tăng trưởng chậm (dưới 1,5 SD trong 1 năm hoặc dưới 5 cm/năm). Trẻ thiếu GH ở thể nhẹ, dù không ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng chiều cao hạn chế (thấp hơn nhiều so với trung bình) có thể khiến trẻ mặc cảm, tự ti cũng như không thể tham gia các hoạt động/công việc có kèm theo yêu cầu về chiều cao.

Tuy nhiên, thông thường, từ 4 tuổi trở đi, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. Hầu hết trẻ chậm tăng trưởng chiều cao đơn thuần thì biểu hiện bên ngoài không có gì đặc biệt ngoài việc bé không tăng hoặc có tốc độ tăng chiều cao chậm.

“Đối với trẻ thiếu GH nặng có thể có những biểu hiện như giảm sản vùng mặt giữa (tạo nên bộ mặt giống búp bê), tay chân nhỏ, bộ phận Sinh d*c nhỏ ở nam... Thể nhẹ hơn ở thiếu GH thường chỉ thể hiện qua chiều cao thấp so với tuổi. Do vậy, khuyến cáo chung là cha mẹ nên theo dõi sát chiều cao của bé, nếu thấy tốc độ tăng trưởng dưới từ 4-6cm/năm thì nên đưa trẻ đi khám ngay để tìm nguyên nhân”- BS Ngọc Anh nhấn mạnh.

Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao cho trẻ em trước tuổi dậy thì là chương trình hỗ trợ cộng đồng thường niên của bệnh viện Nguyễn Tri Phương nhằm giúp phát hiện sớm và theo dõi các bất thường về tăng trưởng chiều cao ở trẻ em trước dậy thì, đặc biệt do thiếu hormone tăng trưởng.

Từ đó giúp các bậc phụ huynh có hướng điều trị sớm cho con em mình để có thể cải thiện chiều cao cho trẻ, đồng thời giúp trẻ tự tin hơn trong cuộc sống sau này. Sau 3 năm triển khai, chương trình đã tầm soát cho hơn 1.300 trẻ và có hơn 100 trẻ được chỉ định điều trị.

Bác sĩ xem lại phim chụp X quang xương bàn tay của trẻ để tư vấn cho phụ huynh

BS Ngoc Anh thông tin, qua các năm triển khai chương trình, chúng tôi nhận thấy rằng các bậc phụ huynh ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc theo dõi và nhận diện các rối loạn về phát triển chiều cao của trẻ. Ngày càng có nhiều trẻ được ông bà/bố mẹ đưa đến khám về vấn đề phát triển chiều cao từ rất sớm, khi tuổi đời còn nhỏ. Điều này giúp các can thiệp trở nên kịp thời và hiệu quả hơn. Trong năm nay, chương trình dự kiến sẽ khám và tầm soát cho thêm khoảng 300 trẻ.

Chương trình hiện đang tiếp tục nhận đăng ký đến hết ngày 09/08/2020 qua hotline 0936 842 665 (từ 8h -17h tất cả các ngày trong tuần). Những bậc phụ huynh có nhu cầu tầm soát cho trẻ nhưng chưa đăng ký có thể gọi điện sớm để đăng ký. Những trường hợp đã đăng ký trước đó, có thể cho trẻ đến tầm soát vào các buổi sáng thứ Bảy (từ 8h – 11h) trong khoảng thời gian từ 11/07 đến ngày 15/08/2020 theo lịch hẹn.

Thời gian qua, đã có gần hai trăm trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH được tiếp nhận và điều trị hiệu quả tại Khoa Nội tiết- Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Có thể nói, chậm tăng trưởng chiều cao không phải là bệnh lý gây nguy hiểm tính mạng cho trẻ nhưng nó sẽ khiến trẻ mặc cảm tự ti cũng như khiến các bậc cha mẹ trăn trở, day dứt rất nhiều. Do đó, nhiều bậc phụ huynh rất hạnh phúc khi con có thể cải thiện chiều cao do được chẩn đoán đúng nguyên nhân và được điều trị sớm.

Như trường hợp bé gái 12 tuổi, điều trị GH năm bé 10 tuổi. Trước khi bắt đầu điều trị, bé cao 126,5 cm, nặng 30 kg. Sau 2 năm điều trị, bé cao 148 cm, nặng 41 kg (cao 21,5 cm/24 tháng). Hiện tại, chiều cao của bé nằm trong mức trung bình so với các bạn cùng lứa tuổi, trong khi trước khi điều trị bé luôn có chiều cao ở vị trí thấp nhất.

Hay trường hợp bé trai 15 tuổi, điều trị GH năm bé 7 tuổi. Thời điểm bắt đầu điều trị bé cao 113 cm, nặng 26 kg. Từ năm 4 tuổi, chiều cao bé tăng rất chậm (3-4 cm/ năm), luôn thấp nhất lớp. Bé có chỉ định điều trị GH và điều trị liên tục trong 6 năm. Khi bé 13 tuổi, bé xuất hiện dấu hiệu dậy thì và gia đình quyết định ngưng điều trị. Thời điểm ngưng điều trị chiều cao của bé là 155cm, nằm trong mức trung bình so với tuổi (trung bình bé tăng 7-8 cm/ năm). Hiện tại, sau dậy thì 1 năm, chiều cao bé đạt được là 165 cm.

Nguyễn Hoàng

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/cha-me-nen-dua-con-di-kham-ngay-neu-toc-do-tang-truong-chieu-cao-cua-tre-4cm-nam-n176986.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY