Cái điệp khúc làm cầu ao, chẻ củi, lên giồng… lần nào cũng lặp lại mỗi khi hai mẹ con thủ thỉ ngoài hè. Dù đã rành rẽ từng chi tiết, nhưng tôi vẫn muốn nghe, vẫn không thấy chán.
Ảnh minh họa |
Hồi đó, xóm tôi nhà nào cũng nghèo đều như nhau, chẳng nhà nào có tiền để khoan cây nước nên tất cả phải đào đìa lấy nước mà xài. Đìa đào xong, mọi người sẽ bắt một cây cầu để đi ra múc nước, tắm rửa. Mẹ rất yêu cây cầu ao nhà tôi. Còn tôi, ngoài yêu thích, nó còn là cái để tôi tự hào với chúng bạn cùng tuổi.
Không giống như nhiều nhà khác hay ghép các thanh tre lại với nhau, đi rất dễ sướt chân, cha tôi bắt cầu bằng ván gỗ hẳn hôi. Mặt ván rộng khoảng nửa thước được cha gọt bào chăm chút cho láng mượt, nhẵn nhụi và rất chắc chắn. Một mình cha bắc cái cầu hết hai ngày trời. Tỉ mẩn hơn, cha còn làm mấy cái móc bằng dây chì để mẹ treo gào múc nước, treo rổ rá… Và điều đặc biệt nhất là cầu ao nhà tôi có mái che. Tất cả cầu ao nhà chúng bạn tôi đều không có mái che. Hôm trời nắng lớn, lúc trời mưa to sẽ thật khổ cho những bà nội trợ trong nhà khi đi lấy nước.
Hôm thấy cha hậm hụi một mình dựng mái che cho cầu ao, mẹ cứ đi theo lằn nhằn sau lưng ngăn cản. Mẹ nói, mẹ cũng xuất thân từ nhà nông, nên khổ cực nào cũng chịu được xá gì mấy cái nắng nóng mưa to kia mà cha phải cực nhọc, nhưng cha nhất mực không chịu. Cha nói, hồi xưa khác giờ khác.
Hồi xưa mẹ mày ở nhà ngoại sao cũng được, giờ đã là vợ của cha, là mẹ của các con cha thì phải khác. Và cũng nhờ cái khác đó của cha mà mẹ chúng tôi mới sở hữu được cái cầu ao có mái che độc nhất vô nhị trong xóm và chị em chúng tôi mới có được khoảng không gian mát mẻ và yên lành để chơi đồ hàng những buổi trưa hè.
Những ngày hè không phải học hành, chị em tôi thường ra vườn vọc đất và nhìn cha lên giồng để mẹ trồng cải. Tôi để ý, cứ mỗi lần cha đào đất đắp giồng trồng cải là y như rằng mẹ sẽ là người cười nói huyên thuyên nhiều nhất, nhiều hơn cả chị em chúng tôi! Có lần tôi thắc mắc hỏi mẹ vì sao? Mẹ nói, làm việc mà có người nói chuyện sẽ giúp mình quên cái sự mệt mỏi. Bài học này, tôi ghi nhớ mãi về sau này.
Cha lên giồng, mẹ bỏ hạt cải gieo. Bờ tre vi vu bao quanh khu vườn thật là lãng mạn. Tôi vội hát câu gì về một túp lều tranh hai trái tim vàng nhưng lại bịa lại thành “một khu vườn xanh hai trái tim hồng”. Vậy là tôi bị mắng một trận nên thân nhưng rất vui.
Tôi hay thắc mắc: “Sao cha không để mẹ cuốc đất phụ? Cha nghỉ mệt ngồi hút thuốc, uống nước trà cho khoái?”. “Thằng cha mày, mẹ mày mổ nên bị đau lưng, cho mẹ mày làm nặng rồi đau nữa, chịu sao nổi con…”.
Cha nhắc, tôi mới nhớ. Lần mẹ đau bụng quằn quại, chị em tôi chỉ biết khóc, cha thì đôn đáo gọi xe đưa mẹ đi bệnh viện. Ngồi trên xe, cha cứ ôm chặt mẹ, vừa lau mồ hôi cho mẹ vừa nói: “Mẹ mày đau dữ lắm hả? Ráng chịu chút xíu mình tới bệnh viện rồi”.
Ngày mẹ mổ ruột thừa về, cha chăm từng chút. Mẹ đi lại, cử động sẽ bị đau nên lúc nào cũng nghe cha nhắc: “Đợi thiệt khỏi rồi hả đi tới đi lui. Cũng không có chuyện gì nhiều, mẹ mày cứ nằm nghỉ”. Biết thói quen của mẹ cách một ngày là mẹ gội đầu một lần. Nên cách một ngày, cha nấu nước rồi pha cho ấm mang lại giường gội đầu cho mẹ. Cha biểu mẹ nằm quay đầu ra, thả tóc xuống thau nước có pha sẵn tí rượu cho khỏi bị trúng nước mà đau đầu.
Trong những hình dung trước đó, tôi không bao giờ tưởng tượng ra cảnh cha ngồi chồm hổm, tay áo xăn cao gội đầu cho mẹ vừa ngượng nghịu luống cuống vừa cẩn trọng dịu dàng. Bàn tay thô và chai sần quen với những việc đồng án nặng nhọc giờ lại vốc từng vốc nước một cách cẩn thận để không làm cay mắt mẹ.
Tóc mẹ tôi rất dài. Cha rất thích điều đó nên luôn khuyến khích mẹ nuôi tóc dài. Nhưng hôm vào bệnh viện, nghe phong thanh đâu đó chuyện để tóc dài sẽ làm mất chất dinh dưỡng nuôi tóc nên người dễ ốm. Vậy là về nhà, cha dọ ý hỏi mẹ có muốn cắt tóc cho gọn gàng không, cha kêu người xuống cắt, mai mốt khỏe rồi đi uốn lại cho đẹp. Thiệt, thương rồi thì thế nào người ta cũng có thể thay đổi được.
Nhắc lại chuyện cũ tôi thấy mắt mẹ cười mãn nguyện. Nhưng mẹ cũng nhắc tôi: “Ít ai vẹn toàn hết cả mười phân. Cha mày cũng có nhiều cái tật khiến mẹ tức mình lắm”. Nói vậy là tôi hiểu mẹ tức mình gì rồi.
Cha tôi có tật hễ uống tí rượu vào là hay nói lắm. Cha nói về những sự đời đen bạc. Nói về những tính toán làm ăn cho vài năm sau, toàn vẽ ra những điều lí tưởng và không hiện thực. Vì vậy, hễ ngày nào cha nhậu hơi say một chút, về tới nhà là mẹ dọn sẵn cơm rồi dặn với: “Tui đi coi cái vó à! Cha nó ăn, rồi để đó tui vô dọn”. Mẹ làm vậy riết cha cũng biết ý mà bỏ thói quen nói những chuyện không đâu. “Mà lúc cha mày nóng lên, mẹ không thèm nói lại. Để cho ổng nguội bớt rồi có gì nói chứ cãi nhau hoài lát sinh chuyện lối xóm họ cười chê mình”. Cái chiêu “cơm sôi nhỏ lửa” đó mẹ nói hoài, nhắc tôi hoài. Mẹ bảo, “người phụ nữ không biết mềm mỏng thì dù chồng có nhịn, có thương mấy rồi cũng đến lúc hết chịu nổi con à”…
Thoát cái giờ đây tôi đã gần hơn 30 tuổi và sống xa nhà hơn 10 năm. Hôm nay tôi về thăm nhà, trúng ngay mùa hạn. Mùa con nước cạn dần, cá đi. Nên xế nào cha cũng đi chài cá về cho mẹ nấu bữa cơm chiều. Cha khoe, mới đóng chiếc xuồng ba lá mới. Lát nữa tôi bơi xuồng đi chài với cha. Cái cảnh bơi xuồng đi chài thú lắm nhưng không hiểu sao ngày nhỏ tôi thấy ngán ơi là ngán. Chắc tại hồi đó ham chơi.
Còn bây giờ, lên Sài Gòn với bao nỗi bận bịu, lo toan không được chút thảnh thơi, tôi thấy mình muốn tìm về nơi chốn bình yên, được làm điều mình thích, được rong chơi trên sông nước, được bình yên ngắm mặt trời lặn bên tiếng chài quăng xạc trên mặt nước, ngắm bóng cha in xuống dòng sông… Chiều hai cha con thong thả bơi xuồng về cũng là lúc khói bếp của mẹ bay lên trời hối hả.
Nhìn cuộc sống bình yên của ngôi nhà nhỏ, tôi chỉ ước sau này khi bước đi tìm ngôi nhà của riêng mình, tôi sẽ tìm được một người đàn ông biết yêu thương và lo lắng như tình cảm của cha dành cho mẹ. Người ta hay đi tìm tình yêu ở tận đâu đâu mà không biết rằng, những chăm lo giản dị dành cho nhau trong cuộc sống mới chính là thứ tình yêu bền bỉ nhất.
Thùy Dương
Theo chuyên tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: