Dưới đây là 6 sai lầm rất nhiều bố mẹ mắc phải:
1. Tự ý xông mũi họng tại nhà cho trẻ
Hiện tượng xông mũi họng tại nhà cho trẻ em đã không còn hiếm. Tuy nhiên, các phụ huynh lại không biết đến nguy cơ tiềm ẩn do hành động này gây ra. Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai), việc xông mũi họng cho con tại nhà có thể dẫn tới co thắt phế quản đột ngột ngay lúc xông làm cho bé có thể bị tắt thở luôn.
Ngoài ra, việc xông mũi họng tại nhà rất tốt kém, mỗi lần xông phải vứt luôn và thay bằng bộ mới còn nếu dùng đi dùng lại thì sẽ bị nhiễm khuẩn.
Được biết, các máy xông hiện chỉ dùng để chữa hen hoặc viêm phế quản nặng ở trẻ.
2. Ép con ăn nhiều để tăng cân
Không nên ép con ăn khi chúng không muốn ăn vì như thế không những không giúp ích cho con mà còn tác dụng ngược trở lại. Nhiều trẻ chỉ nuốt cơm mà không nhai.
Hơn nữa, nên dùng một số mẹo như để con ăn cùng trẻ khác để kích thích trẻ “tranh” ăn, chúng sẽ ăn được nhiều hơn.
Nếu trẻ không ăn thịt, cá thì không nên ép, hãy thay bằng món khác như trứng thử xem, nhằm thay đổi khẩu vị của trẻ và bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho bé.
3. Cho trẻ uống thuốc người lớn
Tình trạng uống thuốc quá liều có thể dẫn đến trẻ bị co giật, cứng cơ toàn thân rất nguy hiểm. Phụ huynh thường có tâm lý, khi con bị ốm cho uống thuốc, nếu con nôn thì cho uống tiếp vì nghĩ con nôn thi nôn hết thuốc, điều này dẫn đến tình trạng quá liều.
Trường hợp khác, trẻ bị động kinh, bác sĩ kê thuốc riêng cho trẻ nhưng trong nhà sẵn có thuốc người lớn lại cho trẻ… uống luôn cho tiện.
Do đó, khi cho trẻ uống thuốc, nhất thiết cha mẹ cần xem kỹ đơn hướng dẫn sử dụng của bác sĩ, dọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc và tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định, tránh những sai lầm đáng tiếc có thể nguy hại đến sức khỏe trẻ.
4. Lạm dụng Paracetamol
Tình trạng lạm dụng thuốc Paracetamol ngày càng phổ biến. Các ông bố, bà mẹ cứ hở một chút là lại cho con dùng thuốc Paracetamol mà không cần biết liều lượng.
Nhiều trường hợp còn lừa con nói Paracetamol là siro, kẹo… khiến trẻ nhỏ chưa nhận thức được nhìn thấy trong tầm tay là uống. Mới đây, một bệnh nhân là bé gái 7 tuổi được đưa vào khoa Nhi cấp cứu do uống cùng lúc 4 viên Tensin – flu (Paracetamol) với hàm lượng 500mg.
Hay nhiều người cho con uống thuốc hạ sốt Efferalgan, lại uống thêm Decolgen để chữa sổ mũi trong khi loại thuốc này cũng chứa Paracetamol.
5. Chia nhỏ gói Oresol
Oresol là thuốc cần có tỷ lệ pha nhất định. Việc chia nhỏ để cho con uống nhiều lần rất nguy hiểm. “Khi uống Oresol với nồng độ quá đặc như thế sẽ khiến hàm lượng muối trong máu tăng lên, gây tình trạng ưu trương (quá nhiều muối trong máu) khiến áp lực thẩm thấu trong máu cao hơn bình thường, “hút” nước từ tế bào, khiến tế bào bị hút hết nước nên bị teo tóp lại.
Lúc này, trẻ có biểu hiện da nhăn, khô, mắt trũng… Điều nguy hiểm nhất lúc này, đó là vì bị hút nước nên tế bào não bị teo tóp lại, gây tổn thương tế bào não, khiến trẻ bị co giật, sốt cao, vật vã, kích thích, hôn mê. Nếu không biết để cấp cứu kịp thời có thể đe dọa tính mạng trẻ”, Tiến sĩ Dũng nói.
6. Nấu một bữa, ăn cả ngày
Một sai lầm mà phụ huynh hay mắc phải đó là "nấu một bữa, ăn cả ngày", để lưu trữ thức ăn từ sáng đến chiều hoặc để qua đêm; trữ thức ăn chín trong tủ lạnh rồi mang ra hâm lại… Điều này dễ khiến trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn, giảm sức đề kháng của trẻ.
Theo Afamily.vn
Chủ đề liên quan: