Đừng đùa với răng lợi
Bạn có biết? 85% những người trên 35 tuổi bị bệnh nướu răng từ nhẹ đến nặng. Nam giới bị bệnh nướu răng nhiều hơn phụ nữ 4 lần. 90% những người bệnh nướu răng không hề biết rằng mình đang bị bệnh. |
Ngay từ đầu thế kỷ 20, một bác sỹ người Anh đã đưa ra giả thuyết về những bệnh nhiễm trùng trong cơ thể có thể bị tác động bởi những vi trùng có trong khoang miệng. Lý thuyết của ông ngày nay đã được minh chứng.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng 90% người bị bệnh có liên quan đến sức khỏe răng miệng nói chung và bệnh nướu răng nói riêng.
Bệnh về răng miệng còn tạo ra ổ trú trú ẩn cho vi khuẩn tích tụ trong miệng chờ thời cơ phát tán bệnh tật cho cơ thể. Đây chính là nguồn gieo rắc vi khuẩn gây các bệnh như viêm đường hô hấp trên, mũi, xoang, đường hô hấp dưới như họng, khí phế quản…
Đối với người trung tuổi trở lên, sức khỏe răng miệng đặc biệt quan trọng. Vì người có tuổi dễ mắc các bệnh hệ thống có ảnh hưởng đến vùng miệng. Khi ấy, những tổn thương vùng miệng sẽ tác động ngược lại một cách trực tiếp hay gián tiếp lên khả năng đề kháng của cơ thể và đặc biệt là tác động xấu đến tim mạch.
Ổ bệnh hại tim
Vệ sinh răng miệng là việc rất quan trọng nên được thực hiện thường xuyên vì nó không chỉ tốt cho tim mạch mà còn giúp bạn giảm nguy cơ mắc các bệnh khác như suy giảm trí nhớ và viêm nhiễm toàn thân.
Để chứng minh sức khỏe trái tim ít nhiều bị chi phối bởi thói quen vệ sinh răng miệng của mỗi người, các nhà khoa học Đài Loan đã tiến hành cuộc nghiên cứu với quy mô lớn. Cuộc nghiên cứu tiến hành trên 100.000 người không có tiền sử mắc bệnh tim mạch hay đột quỵ đã được các nhà khoa học đưa vào theo dõi trong suốt 7 năm.
Kết quả cho thấy, những người chăm đánh răng và lấy cao răng ít nhất 2 lần/1 năm và đi khám răng miệng định kỳ trong năm sẽ có nguy cơ đau tim giảm 24%, nguy cơ đột quỵ giảm 13% so với những người không bao giờ tới nha sĩ hay chỉ tới một lần trong cùng thời kỳ.
Theo nghiên cứu, những nhiễm trùng liên quan đến bệnh nướu răng sẽ là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn có thể đi “du lịch” đến các bộ phận khác của cơ thể và gây ra các vấn đề sức khỏe trong đó có tim mạch.
Điều cần lưu ý Bạn nên đánh răng sau mỗi bữa ăn 15 phút, không nên ăn xong ngồi chơi khá lâu rồi mới đánh răng, thời gian đánh răng khoảng 3-5 phút. Nên sử dụng kem đánh răng có chứa fluor để giúp tăng cường kết cấu men răng và chọn bàn chải đánh răng mềm. |
TS. Emily Chen, một nhà nghiên cứu khác về tim mạch tại Bệnh viện Cựu chiến binh, Đài Loan cho biết: “Việc làm sạch răng một cách chuyên nghiệp do các nha sĩ đảm nhận sẽ làm giảm sự phát triển của vi khuẩn gây viêm nhiễm nướu răng”.
Một nghiên cứu khác tại Thụy Điển cũng cho thấy, từ các loại bệnh nướu răng khác nhau, các chuyên gia tim mạch có thể dự đoán mức độ nguy cơ đau tim, đột quỵ hay suy tim của bạn trong tương lai.
Các nhà nghiên cứu Thụy Điển cũng phát hiện thấy những người có số lượng răng càng ít và số lượng vết viêm quanh chân răng càng nhiều thì nguy cơ đau tim và suy tim càng cao. Tương tự thế, những người có số lần chảy máu nướu răng càng nhiều thì nguy cơ đột quỵ càng lớn.
Lawrence Phillips-Giám đốc Tim mạch Hạt nhân của Trung tâm Y khoa Langone, Đại học New York, Mỹ cho biết: “Những phát hiện trên không đáng ngạc nhiên, bởi trước đây trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu từng chỉ ra mối quan hệ giữa viêm nhiễm răng miệng và bệnh tim. Với việc vệ sinh răng miệng, mức độ viêm nhiễm sẽ giảm”.
Thực tế mối liên hệ giữa bệnh lý tim mạch và vi trùng răng miệng lần đầu tiên được phát hiện bởi những nghiên cứu của BS. Mark Herzberb thuộc Đại học Minnesota, Mỹ. Trong thí nghiệm trên thỏ, BS. Herzberb đã tìm thấy sự hiện diện của những vi trùng trong khoang miệng tồn tại trong những cục máu đông gây tử vong cho thỏ. Bằng những luận chứng và thực nghiệm khác ông đã đi đến kết luận rằng, những gì đã xảy ra trên thỏ cũng có nhiều khả năng xảy ra đối với con người.
Trong Chương trình Nghiên cứu Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia được thực hiện cho 20.000 người Mỹ cũng đã chỉ ra rằng, những người bị bệnh nướu răng hay không còn răng (do bệnh nướu răng) có khả năng bi bệnh tim mạch cao hơn 72% nhóm những người không bị bệnh nướu răng.
Trong một nghiên cứu khác cho thấy, những người bị tiêu hao xương hàm do mất răng và bệnh nướu răng cũng có nguy cơ bị tai biến tim mạch cao hơn 2,8 lần so với những người không bị bệnh nướu răng.
Chăm răng đúng cách Mảng bám răng, nguyên nhân gây nên các bệnh răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu, sâu răng... hình thành trong vòng vài giờ sau khi thức ăn tồn tại trong miệng. Do vậy, chải răng sau mỗi bữa ăn là việc làm cần thiết để ngăn các bệnh răng miệng. Khi chải, cần chú ý dùng bàn chải lông mềm, chải dọc theo chiều răng mọc hoặc xoay tròn, chải kỹ các mặt của răng. Nếu ta chỉ đánh răng mà không cạo lưỡi thì vi khuẩn vẫn tồn tại trong khoang miệng. Mục đích của việc cạo lưỡi là nhằm loại bỏ mảng bám và vi khuẩn tồn tại trên bề mặt lưỡi, hạn chế chứng hôi miệng do vi khuẩn gây ra. Để làm sạch các kẽ răng, tốt nhất bạn nên dùng chỉ nha khoa sau khi chải răng. Dùng tăm không những không lấy hết được thức ăn bị giắt lại mà còn có thể gây ra chảy máu lợi, làm cho kẽ răng rộng ra tạo điều kiện cho thức ăn giắt nhiều hơn, dễ gây các bệnh viêm lợi và sâu răng. Sau khi đánh răng, bạn hãy súc miệng bằng nước có chứa fluor và clo sẽ giúp loại bỏ mảng bám răng, hốc miệng sạch vi khuẩn và hởi thở thơm tho. |
Diệp Hương
Chủ đề liên quan: