12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Chăm sóc bệnh nhân phẫu thuật tim

(SKGĐ) Khi thời điểm nguy hiểm nhất đã đi qua, khả năng phục hồi nhanh hay chậm phụ thuộc một phần không nhỏ vào những điều bạn làm sau ca phẫu thuật.

Chăm sóc vết mổ

Giữ cho vết mổ sạch và khô ráo. Để làm sạch bạn chỉ được dùng khăn ướt, thấm xà phòng khử trùng lau xung quanh vết mổ, chú ý không để nước dính vào miệng vết mổ. Khi phát hiện vết mổ rỉ máu, miệng vết mổ rộng ra, vùng da xung quanh bị sưng tấy, nhiệt độ cơ thể tăng cần gọi bác sỹ thăm khám sớm.

Cân bằng hoạt động

Từ 6-8 tuần đầu tiên sau phẫu thuật bệnh nhân chỉ nên đi lại nhẹ nhàng, tăng hoạt động dần dần. Nên đi bộ hằng ngày, đặc biệt là vào buổi sáng sớm và chiều tối. Có thể làm công việc nhà, nhưng không nên đứng một chỗ lâu hơn 15 phút. Không mang vác vật nặng hơn 5kg, không đẩy hay kéo các vật nặng. Hạn chế, việc lên xuống cầu thang.

Chế độ dinh dưỡng

Sau khi phẫu thuật tim, bệnh nhân cần có chế độ ăn uống đặc biệt. Nên chia nhỏ bữa ăn ra thành nhiều bữa (4-5 bữa/ngày) với một lượng nhỏ. Chọn thức ăn dễ trôi như, cháo, sữa. Hạn chế đồ ăn nhiều chất béo bão hòa như mỡ, bơ, dầu dừa, dầu cọ, đồ ăn nhanh… để giảm nồng độ cholesterol máu và phòng xơ vữa động mạch. Cố gắng kiểm soát được trọng lượng cơ thể và kiểm tra huyết áp thường xuyên.

Ngủ đủ giấc

Giấc ngủ ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của nhịp tim. Thời gian đầu sau khi phẫu thuật bệnh nhân thường khó ngủ vì những cơn đau nhức. Lúc này, bệnh nhân có thể dùng thuốc giảm đau (theo đơn của bác sĨ). Tuy nhiên không nên kéo dài quá 1 tháng.

Để ngủ ngon bạn cũng nên tránh xa đồ uống chứa caffein như trà, coca; nghe những bản nhạc nhẹ nhàng, tập thói quen đi ngủ đúng giờ.

Tái khám đúng hẹn

Sau phẫu thuật một vài tháng bệnh nhân nên đi kiểm tra lại sức khỏe, kiểm tra mức độ hoạt động của quả tim và khả năng đáp ứng của cơ thể nếu sử dụng van tim nhân tạo. Thường thì bệnh nhân sẽ được hẹn ngày đến khám lại khi ra viện. Nhưng nếu có những dấu hiệu bị nhiễm khuẩn, sốt, rét run hay vã mồ hôi, khó thở hay đau ngực, gầy sút cân, có sự thay đổi về tần số và nhịp tim... thì cần phải đến ngay các trung tâm tim mạch để được xử trí kịp thời.

T3H

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/cham-soc-benh-nhan-phau-thuat-tim-10836/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY