Sức khỏe hôm nay

Chăm sóc trẻ sinh non đúng cách

Trẻ sinh non thường có sức đề kháng rất yếu và thường dễ mắc bệnh hơn những trẻ khác. Vì thế, sự phát triển của trẻ sinh non phụ thuộc vào sự chăm sóc và nuôi dưỡng rất nhiều. Vậy như thế nào là cách chăm sóc trẻ sinh non đúng cách nhất

Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam mỗi năm có tới 150 nghìn trẻ sinh non, nhẹ cân chào đời. Tỷ lệ tử vong do trẻ sinh non, nhẹ cân cũng chiếm tới 25% số tử vong sơ sinh. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới trẻ sinh non như: Do tử cung người mẹ bé, u xơ tử cung, viêm nhiễm trong quá trình mang thai, vấn đề tâm lý...

Những điều cần biết về cách chăm sóc trẻ sinh non

Chăm sóc trẻ sinh non nhẹ cân cần rất nhiều kĩ thuật đan xen xâu chuỗi không tách rời. Khi sinh, trẻ cần được hồi sức tốt ngay từ những giây đầu tiên. Nếu bỏ qua, giai đoạn sau sẽ rất khó khăn. Tiếp đó là đảm bảo ổn định thân nhiệt cho trẻ, vì ở trẻ sơ sinh, hệ thống điều hòa thân nhiệt chưa hoàn thiện cần luôn theo dõi hạ nhiệt. Khi trẻ sơ sinh hạ nhiệt dễ dẫn đến tình trạng xuất huyết não, xuất huyết phổi, ảnh hưởng não…

Môi trường nuôi trẻ sinh non cũng cần vô trùng. Mỗi khi y bác sĩ chăm sóc phải rửa tay xà phòng, dùng dung dịch sát khuẩn tay, không mặc quần áo bình thường, phải có máy lọc khí để đảm bảo không khí trong phòng nuôi trẻ được thông thoáng và sạch nhất. Quan trọng hơn với trẻ sinh non là chế độ nuôi dưỡng. Trẻ sinh non chưa thể sống được bằng sữa vì hệ tiêu hóa chưa phát triển, buộc phải ăn đường tĩnh mạch khi mới sinh…

Việc nuôi sống được đứa trẻ đẻ non cần một đội ngũ từ bác sĩ đến điều dưỡng, hộ lý phải có trình độ khoa học mới có thể nuôi sống bé qua giai đoạn tuần đầu và tiếp tục lớn lên không có di chứng thần kinh.

Giữ ấm trẻ vô cùng quan trọng

Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, sự phát triển của trẻ sinh thiếu tháng phụ thuộc rất nhiều vào sự chăm sóc, nuôi dưỡng và điều kiện môi trường xung quanh ngay từ phút đầu sau đẻ. Bởi, trẻ sinh thiếu tháng thường có sức đề kháng yếu dẫn đến sức khỏe gặp nhiều rủi ro hơn so với trẻ bình thường.

Để hiệu quả hơn trong việc chăm sóc ăn uống cho trẻ sinh thiếu tháng, tốt nhất các bà mẹ nên tìm sự tư vấn từ các bác sĩ dinh dưỡng và tuân thủ đúng theo sự hướng dẫn của họ. Bởi trẻ sinh thiếu tháng cần được duy trì dinh dưỡng cao cho đến khi được ít nhất 9 tháng tuổi và có thể kéo dài đến 12 tháng. Ngoài ra, cần thăm khám định kỳ để theo dõi, xử lý kịp thời những biến chứng bất thường.

Các chuyên gia khuyến cáo, việc giữ ấm cho trẻ sinh non vô cùng quan trọng, vì trẻ sinh non yếu toàn diện nên rất dễ viêm phổi. Khi trẻ đã được cha mẹ đón về nhà cũng cần đảm bảo nhiệt độ môi trường luôn ấm áp. Nhiệt độ trong phòng hợp lý là 27-29 độ, kín gió. Thân nhiệt của trẻ tốt nhất là 37 độ. Trẻ phải luôn được đội mũ và đi tất tay, tất chân; cổ và bụng phải được giữ ấm. Người mẹ nên dùng phương pháp Kangaroo để giữ thân nhiệt cho trẻ. Đây là phương pháp nuôi trẻ non tháng rất hiệu quả, ít tốn kém, được áp dụng trên phạm vi toàn thế giới. Theo đó, mẹ hoặc người thân ôm trẻ sát vào ngực mình, nhờ đó nhịp tim, nhịp thở của mẹ sẽ kích thích giúp trẻ tránh được các cơn ngưng thở bất thường xảy ra ở trẻ sinh non.

Ngoài ra, trẻ sinh non tháng thường có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn so với trẻ bình thường. Cha mẹ cần giữ môi trường sống thông thoáng, rửa sạch tay trước khi bế trẻ. Nên hạn chế số người thăm bé cũng như số người tiếp xúc khi không cần thiết, đặc biệt khi họ đang có các bệnh lây nhiễm… Để đảm bảo trẻ bú đủ, cha mẹ cần đánh thức trẻ theo giờ vì trẻ sinh non thường ngủ nhiều. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo giúp trẻ tăng khả năng miễn dịch. Trường hợp không có sữa mẹ, việc sử dụng sữa cho trẻ non tháng nên theo tư vấn của bác sĩ. Trẻ sinh non cũng vẫn cần phải tiêm chủng theo đúng lịch tiêm chủng sẽ giúp trẻ chống lại virus, vi khuẩn gây bệnh.

Cha mẹ cần lưu ý là trẻ sinh non có cơ tâm vị yếu nên trẻ dễ bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Sau khi xuất viện, gia đình cần cho trẻ ăn nhiều bữa, sử dụng thuốc chống trào ngược theo chỉ định của bác sĩ, cho trẻ nằm đầu cao sau khi bú. Khi ăn, trẻ cũng hay bị lâu tiêu do nhu động ruột yếu, có khi bị táo bón phải thụt tháo, bị viêm ruột hoại tử. Vì vậy cần cho trẻ ăn chậm, tốt nhất là dùng sữa mẹ.

Thanh Quế

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/cham-soc-tre-sinh-non-dung-cach-23580/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY