Tình yêu và giới tính hôm nay

Chân dung một cô vợ... đoảng

Đoảng không hẳn là một cái tội nhưng lại gây lắm nỗi phiền hà, mà đâu chỉ thiệt thòi cho khổ chủ, những người xung quanh cũng khốn khổ vì nó.

Ảnh minh họa

Quên một li, đi nhiều thứ

Mình ghét cái biệt danh “vợ thằng Đậu” mà mọi người vẫn gán ghép cho mình. Dẫu mình thỉnh thoảng cũng có hơi quên cái này, nhầm cái kia một tí nhưng chung quy lại mình cũng đã cố gắng lắm rồi. Với cả mình có phải ba đầu sáu tay đâu và đầu óc mình không phải chỉ để lo nghĩ mấy việc vặt vãnh hàng ngày. Tóm lại là thỉnh thoảng cũng có đổ vỡ, hư hỏng một ít thứ nhưng rồi đâu cũng vào đó đấy thôi, có gì mà phải ầm ĩ cả lên.

Tỷ như tuần trước ấy, cũng chỉ vì muốn “nâng khăn sửa túi” cho chàng một tí nên mình mới kỳ cụi cả chiều là lượt quần áo cho chồng, hết quần ngắn, quần dài lại đến sơ mi, cà vạt, bụng bảo dạ “chồng sẽ cảm kích lắm đây”. Đang say sưa thì có chị hàng xóm qua chơi, sợ khách chờ mình mới lật đật ra mở cửa, có lâu la gì đâu, chuyện trò mấy câu là mình chạy vào ngay, thế mà cái áo mới của chồng đã thủng luôn một lỗ tướng. Cũng may là chỉ ở phần ống tay thôi, khéo tay vá lại tí xíu là được. Chợt nhớ, chồng còn có một cái áo màu giống hệt, lâu không mặc đến, mình hí hửng mang ra cắt một miếng, vá vào chỗ thủng. Đánh vật với cái áo gần tiếng đồng hồ thì mình cũng hoàn tất nhiệm vụ.

Ngoài mấy vết kim đâm ở tay với cả mấy chỗ hơi không phẳng một tí ở miếng vá thì nhìn chung là ổn hết, với lại nếu xắn tay áo lên thì chả ai biết đấy là đâu. Ấy vậy mà khi phát hiện ra cái áo cũ bị cắt mỗi một miếng và chiếc áo mới với lỗ thủng đã được vá rất cẩn thận, chồng đã hét lên như cháy nhà. Sau một hồi nghe mình trình bày thì chồng trả ơn mình bằng bộ mặt như cái bánh đa nhúng nước nhìn mình ngán ngẩm. Thế đấy, suy cho cùng mình cũng chỉ muốn tốt cho chồng thôi, mình thề từ nay không thèm hứng chí là lượt gì cho mệt người.

Mà cũng chả thấy ai như chồng mình, đi đâu cũng bô bô kể xấu vợ. Nào là “T. nhà anh nấu một bữa cơm thì bằng tập thể dục 2 tiếng đồng hồ vì cứ đang xào thịt thì chợt nhớ quên mua hành, chạy ra chợ mua hành, chạy về đến nhà mới nhớ quên mấy quả sấu dầm canh ngoài chợ”; rồi thì “vợ nhà tôi đi vào nhà lấy cái máy xay cua, chợt thấy cái phích nước, tiện thể cầm ra luôn để tý nấu luôn bằng nước nóng cho nhanh, vào đến bếp mới phát hiện tay cầm mỗi cái phích nước còn máy xay vẫn để trên nhà”.

Có mỗi cái sự tích đi nghỉ mát từ năm nảo năm nào mà cứ hễ có dịp là lại lôi ra bêu rếu. Chả là lần ấy, hai vợ chồng đi du lịch Sa Pa, biết tính hay quên nên mình đã liệt kê hết danh sách những thứ cần mang theo ra giấy, lọ mọ sắp xếp từ tối hôm trước. Trước khi ra khỏi nhà, hai vợ chồng còn cẩn thận điểm danh đồ đạc, quần áo, điện thoại, xạc pin, máy ảnh… đầy đủ rồi mới xuất hành. Ấy vậy mà khi đến nhà ga, mình mới ớ ra là mình đã mang tất cả mọi thứ cần thiết, ngoại trừ một thứ là… vé tàu. Cũng tại lão ấy cơ, cứ giục cuống cả kê lên, làm gì chẳng quên.

Tính nàng ruột để ngoài da

Thời còn đi học, nàng hay được khen là vui vẻ, thật thà, ngay thẳng. Nhưng từ khi nàng đi làm vợ người ta thì đức tính thật thà, ngay thẳng của nàng có chiều hướng bị biến tướng thành “phổi bò”, “thẳng ruột ngựa”, “ruột để ngoài da” hay tóm gọn lại là ĐOẢNG.

Cái sự đoảng của nàng nhiều chuyện đã trở thành điển tích. Chuyện nhà nàng từ bé đến lớn cứ trong nhà chưa rõ ngoài ngõ đã tường, còn nàng chưa thấy người đã nghe thấy tiếng. Hôm nào nàng nổi hứng nấu đồ ăn sáng hay lên sân thượng tập thể dục thì y như rằng hôm đấy cả nhà cũng phải theo nàng dậy từ tinh mơ vì không ai ngủ được với hàng tá âm thanh hỗn tạp mà nàng gây ra. Tháng trước, bố chồng ra chơi được 3 hôm thì nằng nặc đòi về dù hai vợ chồng đã cơm nước rất tận tình chu đáo. Chồng nàng gặng hỏi mãi mới biết, cụ già rồi ít ngủ, mà buổi trưa nàng cứ oang oang nói chuyện điện thoại, vừa thiu thiu, chợp mắt một tí, lại “xoảng” không vỡ cái ấm, cũng rơi cái chén. Bố nhắc thì nàng thật thà: “Bố thông cảm, tính con thế rồi, không nhẹ nhàng được”.

Xét về độ tinh tế thì chồng nàng dù rất thương nàng cũng không dám chấm nàng chạm ngưỡng trung bình. Ai đời hai vợ chồng đến thăm nhà sếp của chồng, tính nàng xởi lởi nên vừa gặp vợ sếp đã làm luôn một tràng: “Lâu không gặp, chị càng ngày càng xinh đẹp, trẻ trung ra”, rồi quay sang sếp ông “anh nhà mà cứ giữ cái bụng bia với trán hói này mãi thì mất vợ có khi”. Nói đoạn, lại quay sang vợ sếp xuýt xoa ngưỡng mộ, không thèm để ý mặt sếp ông đang biến sắc còn sếp bà cũng đến ngượng vì lời khen… thẳng quá. Từ đận ấy, chồng nàng có đi gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp cũng chả dám mang nàng theo.

Giờ con cái cũng đến tuổi đi học còn đỡ, nghĩ lại thời gian nàng chăm con mà chồng nàng vẫn còn hãi hùng. Thì ai chả biết, chăm con mọn vất vả, khó mà chỉn chu như ngày son rỗi nhưng tùy tiện đến như nàng thì ai cũng phải sợ. Mùa hè nóng bức, con suốt ngày đòi ti nên cứ ở nhà là nàng thả rông cho nó tiện. Chỉ người nhà mình thì không sao, nhưng lắm hôm có khách đến nàng diện mỗi cái áo rộng cổ, bên trong… không có gì mà vẫn vô tư rót nước mời khách. Lắm hôm còn hồn nhiên vừa xem ti vi vừa “cho em bé ăn”, khách ngại quá phải quay đi chỗ khác cho đỡ ngượng. Chồng lườm mãi nàng mới “ý tứ” vào buồng, trước khi đi vào còn không quên trình bày: “Ôi giời, nuôi con mọn ai mà để ý”.

Mẹ đoảng, con thiệt thòi

Đọc nhật ký của đứa con gái mới 13 tuổi đầu mà cứ như bà cụ non, chị đã khóc. Dù vẫn biết mình không được chu đáo như các bà mẹ khác nhưng cũng không ngờ sự vô tâm, đoảng vị của mình lại mang lại cho con nhiều thiệt thòi đến thế.

“Ngày… tháng… năm… Mình cũng có mẹ mà sao giống mồ côi quá, cái gì cũng phải tự làm, có chuyện tế nhị cũng không biết hỏi ai, giá như mẹ tâm lý được một phần của mẹ bạn Hương thôi cũng được. Sáng nào mình và cu Bin cũng bị mẹ mắng vì tội ăn chậm, để mẹ phải trễ giờ làm. Mà có phải thế đâu, sáng nào mình cũng chuẩn bị xong xuôi thì mẹ vẫn đang trang điểm, gần đến giờ đến trường thì mẹ mới giục bố cho hai đứa ăn sáng để mẹ chuẩn bị đồ cho Bin đi nhà trẻ. Cu Bin ăn chậm, bị mẹ mắng thì khóc ầm lên, náo loạn cả nhà. Hôm trước mình tập xe đạp bị ngã, trầy xước hết cả chân tay, mẹ không xức thuốc cho mình, còn cằn nhằn: ‘Ai bảo tự ý tập xe, đi mà khóc với bố mày ấy’. Bao giờ biết đi xe, mình sẽ tự đến trường, không cần mẹ chở nữa”.

“Ngày… tháng… năm… Hôm nay, bố mẹ cãi nhau to vì chuyện tắm cho em Bin. Em Bin mới 2 tuổi nên mẹ vẫn phải tắm cho em. Lúc tắm, em cứ vùng vẫy, khóc ầm ĩ cả lên. Trời cũng nhá nhem tối rồi mà cơm nước vẫn chưa xong nên mẹ bực lắm, tét mông em mấy phát, nó càng được thể làm tợn, khóc to hơn. Bố trong nhà sốt ruột chạy ra xem, thì ra là do mẹ tắm cho em trong thau nước nhưng lại quên rửa thau, kiến bâu đầy trong thau, đốt cu Bin đau nên em mới khóc. Thế mà mẹ còn đánh em”.

“Ngày… tháng… năm… Hôm trước đi học về, mình quên mũ trong lớp học, quay lại thì chả thấy đâu nữa. Mấy hôm nay trời nắng ơi là nắng, mình cứ đội đầu trần đạp xe đến lớp, mẹ thấy nhưng cũng không nói gì, chắc mẹ cũng chả để ý. Mình cũng không dám đòi mẹ mua cái mới sợ lại bị ăn mắng vì làm mất đồ”.

“Ngày… tháng… năm… Bây giờ mình đang ở nhà một mình, cũng hơi sợ, nhưng bố mẹ bảo chỉ đưa em Bin đi khám một tí rồi sẽ về ngay, mong là em không sao. Hôm nay bố mắng mẹ và đã làm mẹ khóc. Bố bảo chỉ vì mẹ chở em ra ngoài mà lại quên mang khăn quàng cho em, trời thì đang chuyển mùa có gió lạnh nên em mới bị ho. Bố bảo mẹ làm mẹ mà không biết chăm con, mình không hiểu chuyện người lớn lắm nhưng mẹ khóc làm mình cũng muốn khóc theo”.

“Ngày… tháng… năm… Từ ngày lên lớp 7, mấy đứa con gái lớp mình cứ thì thà thì thầm, bảo đứa này “bị” rồi, đứa kia chưa “bị”, mình cũng lờ mờ hiểu chúng nó nói gì vì ở trường bọn mình cũng có được học chút ít về giới tính, nhưng mình ngượng nên cứ giả vờ như không biết mà cũng không tham gia vào chủ đề ấy luôn. Nhưng đến hôm qua thì “bị” thật, mình hơi hoảng chả biết làm thế nào, cứ lót tạm ít giấy vệ sinh nhưng chả ăn thua, cũng không dám nói với mẹ. May mà còn có bạn Hương chỉ cho mình, bạn ý còn khoe, ở nhà mẹ bạn dạy cho bạn từ lâu rồi và điều đó chứng tỏ mình đã lớn và không có gì phải xấu hổ. Mẹ mình thì chả bao giờ nói với mình những điều đó; mà mình thà đi hỏi bạn bè chứ không bao giờ hỏi mẹ, xấu hổ lắm. Không khéo mẹ lại mắng cho là bé mà đã tò mò hoặc đưa ra kể với mọi người trong nhà thì mình chỉ có nước chui xuống đất”.

“Ngày… tháng… năm…

Tạm kết

Trên đây chỉ là ba mảnh gép trong bức chân dung của một bà vợ đoảng, còn nhiều mảnh gép nữa mà bạn có thể nhìn thấy ở bất kỳ đâu, trong bất kỳ ngôi nhà nào. Bởi suy cho cùng không phải người phụ nữ nào sinh ra cũng đã được đào tạo để trở thành một người vợ, một người mẹ hoàn hảo.

Và cũng bởi ở đời chẳng có ai mười phân vẹn mười, hơn nữa ông trời cũng không mấy công bằng khi ban phát “bản năng” làm mẹ cho những người phụ nữ, có thể nhiều ở người này và ít đi ở người kia. Chỉ cần người vợ, người mẹ ấy biết vì chồng, vì con để nhìn lại mình, tiếp thu và cố gắng điều chỉnh thì cùng với tình yêu thương, từ ĐOẢNG thành ĐẢM không phải là điều không thể.

Như Hạ

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/chan-dung-mot-co-vo-doang-15443/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY