Ảnh minh họa |
Chị dâu: Chị giống như người thừa
Giá như em là một cô gái vụng về một chút, ít yêu thương anh trai một chút thì chị cảm ơn em đấy!
Lần đầu tiên dậy sớm vào bếp ở nhà chồng, thấy em dậy sớm chị rất mừng. Nào ngờ vừa vào bếp em đã “Ấy chị đừng cho nhiều hành vào canh, anh của em không thích hành đâu”, em vội vàng giữ lấy tay đang thái hành của chị. Chị thì ngẩng lên nhìn em còn em không biểu hiện cảm xúc gì mà tiếp tục: “Anh của em thích ăn sáng bằng cơm trắng, anh ấy không thích ăn phở khô đâu”. Cứ một câu em lại dùng cụm từ “anh của em” như khẳng định chắc chắn rằng em và anh ấy mới là người thân, còn chị là người lạ!
Lúc vào bữa; em lại nhanh nhẩu gắp vào bát anh: “Anh ăn cái này này, ngon lắm. Anh phải ăn hơn một chút nữa đi”. Không lẽ chị lại “tranh giành” thi gắp vào bát của anh. Người ngoài nhìn vào thì có khi họ nghĩ em là vợ anh ấy chứ nhỉ?! Nào đâu chị không biết chăm chút cho anh.
Rồi khi anh chị đi mua sắm về; em nằng nặc “cho em xem mua được gì nào?”. Thế rồi em không ngần ngại phê bình: “Cái áo này xịn thật nhưng màu này không hợp với anh”. Mặc dù anh cười nói : “Cũng phải đổi màu đi chứ em gái” thì em vẫn không thôi: “Ôi sao lại mua tất nữa, anh không nhớ tháng nào em cũng thay cho anh à?”.
Em biết không vì anh chị thích nên mua thôi, đôi khi không nhất thiết phải giữ một nguyên tắc nào. Anh làm việc ở công ty lớn, ngày nào cũng giao lưu với nhiều người mà cứ mấy cái áo quen thuộc thì không hay. Chị đã ngắm cho anh rất kỹ và anh cũng rất ưa nên chị mới chọn. Em nói cứ như cố gắng phủ định hoàn toàn về chị!
Đôi khi cả nhà mình đi mua sắm, em thật nhanh nhẹn. Chị mải mê chọn cho bố mẹ thì em vội vàng kéo anh ra: “Anh thử cái này đi, đẹp lắm đúng không? Em gái mà chọn cho anh cái gì có phải hối hận bao giờ đâu, hơn 20 năm em sống với anh rồi đấy”. Chị phải công nhận em rất “thuộc” gu của anh, cũng rất tinh mắt thẩm mỹ đấy. Nhưng nghe em nói không lẽ 3 năm anh chị yêu nhau chẳng là gì. Không lẽ em cho rằng chị vụng về đến thế, mọi thứ chị mua cho anh đều không tốt?!
Có buổi sáng, anh vừa ra cửa phòng, chị đã nghe em la: “Ôi, sao anh của em lại ăn mặc thế này chứ”, cứ như có chuyện động trời vậy. Rồi em không ngần ngại kéo anh vào phòng và tìm lại cái cà vạt khác: “Bộ này em mua cho anh cùng với cà vạt mà, đi hội thảo mà mặc không chỉn chu họ cười chết”. Lúc đó chị như người thừa.
Anh thì hay nói với chị rằng: “Em còn ngây thơ nên hồn nhiên; vô tâm thôi”. Ừ chị cho rằng đó là vì em quan tâm anh quá. Bố mẹ có lần cũng nhắc em là: “Để kệ anh chị” vậy mà em vẫn không “tha”. Nhiều khi anh chị muốn giành thời gian tối cho nhau, muốn có không gian riêng nhưng ngày nào em cũng nhõng nhẽo gọi máy lẻ sang phòng chị: “Anh ơi sang xem em cái máy tính, ứ ừ anh phải sang cơ”. Chị sang cùng thì em lại nhõng nhẽo rủ anh cùng chơi trò chơi: “Lâu rồi anh chẳng chơi với em nữa!”.
Chị cũng đã từng nghe anh kể về ngày ấu thơ của hai anh em. Chị biết em và anh gắn bó với nhau hơn cả với bố mẹ vì ngày đó hai anh em ở với ông bà, bố mẹ đi lao động xuất khẩu. Chị cũng biết khi lớn, em vẫn quen ngủ cùng phòng với anh. Nhưng em à, anh có vợ rồi thì cũng phải có thời gian cho chị.
Chị cũng ghi nhận em nấu ăn ngon hơn chị, lại thuộc khẩu vị của anh. Em cũng rất khéo chọn đồ cho anh. Nhưng những lời em nói khiến chị rất buồn. Chị cảm giác chị như tình địch của em hay người giúp việc tập sự. Phàn nàn với anh thì chị sợ anh buồn, cũng không muốn anh nói gì rồi em lại nghĩ chị này kia. Chị cũng rất muốn “nhờ” em để hiểu hơn khẩu vị của anh, để gia đình hòa thuận hơn nhưng thái độ trong câu nói của em khiến chị không thoải mái. Anh là của chúng ta em nhé!
Em chồng: Không lẽ em vô tâm thế
Em cũng chỉ muốn chị “quen”, “thuộc” những lối sinh hoạt nhà mình, nhất là của anh để chăm sóc anh tốt hơn.
Thật sự em cũng hụt hẫng khi anh cưới vợ. Trước ngày chị về, em hay đùa anh là: “Phải lấy vợ sau khi em lấy chồng đấy. Vì có thể em sẽ bị cho là bà cô khó tính”. Ai bảo anh ngoắc tay rồi mà lại đi lấy vợ thế chứ! Tự dưng em thấy mình bị bỏ rơi kinh khủng.
Nhất là chưa tối, chị đã khép cửa phòng lại, rồi thỉnh thoảng ngồi xem phim ở phòng khách lại gác chân lên anh. Anh có vợ nhưng vẫn có gia đình chứ. Chị đừng vội vàng “bứt” anh ra như thế! Lúc đầu em chếnh choáng cũng vì những ý nghĩ đó. Mặt khác em gọi anh sang phòng sửa máy vì nghĩ rằng lúc đó còn sớm mà.
Còn khi thấy chị nấu ăn, em cũng chỉ phản xạ như thói quen thôi. Ngày chị chưa về, có gì không hợp khẩu vị là anh không chịu ăn đâu. Thế nên em mới nhắc chị đừng cho hành vào canh, đừng cho anh ăn phở khô. Nói xong rồi em nghĩ đó cũng chỉ là câu bình thường nên không nghĩ chị “để ý”. Lúc đó nếu chị nói với em rằng “Chị mới về chưa rõ khẩu vị mọi người, có gì em giúp chị nhé”; biết đâu chị em mình đã bớt “mỗi người theo một ý nghĩ riêng” nhỉ.
Em nghĩ vì anh ngại nói, còn em em thích thẳng thắn. Sau này cũng tốt cho chị mà, để chị quen hơn thôi. Em cũng không thích trong khi ăn, cái gì khó ăn là chị bỏ qua bát anh. Bao năm nay, em vẫn quen gắp vào bát của anh những miếng ngon nên bây giờ vẫn thế, quên mất là nên “nhường” lại chị việc đó. Thứ gì em không thích ăn thì đành bỏ đi chứ anh chưa bao giờ ăn lại của em đâu nên khi thấy chị bỏ vào bát anh thì em thấy tủi thân.
Còn những bộ quần áo của anh, thực lòng em vẫn “chê” hồn nhiên như nhiều khi anh đi mua đấy. Thực ra em “phê” cả hai người đấy, không phải nhắm nhe đến chị, khích chị đâu. Vì em thấy anh chị giống nhau mà nên “đánh hội đồng” một cách thẳng thắn chân thành chứ không có ý để kéo anh về phe em.
Còn chuyện về đôi tất ư, nhà mình có “nếp” là mỗi đôi tất chỉ dùng trong một tháng nên em nói thế là nhắc anh thôi. Từ khi chị về nên gia đình đã có những thay đổi nho nhỏ đấy! Em vẫn chưa kịp chuẩn bị tâm lý cho những thay đổi này. Chuyện em quen nói “anh của em” là vì từ nhỏ rồi, với ai em cũng tự hào “khẳng định chủ quyền” như thế; từ nay em sẽ thay bằng “anh ấy”.
Từ giờ mình sẽ “đối thoại” chị nhé. Giờ thì em cũng hiểu yêu thương cần tế nhị, cũng phải đúng kiểu, em cũng cần biết “buông” anh về phía chị, cũng vì hạnh phúc của ông anh mà em yêu quý nhất thôi.
Hồng Nhung
Chủ đề liên quan: