Việc phòng chống đại dịch Corona đã thực sự làm tê liệt cuộc sống thường ngày của người dân Đức. Các cửa hàng đóng cửa, các khu phố không một bóng người, trường học và nhà trẻ không hoạt động, người lao động thì buộc phải nghỉ phép để ở nhà phòng dịch, các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thị trường đóng băng còn các bệnh viện thì luôn trong tình trạng quá tải. Tất cả đang đè nặng lên nền kinh tế và doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia kinh tế và Chính phủ liên bang Đức đã dự tính tới một cuộc suy thoái nghiêm trọng của nền kinh tế Đức, trong khi Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức DIHK cảnh báo sẽ có một “làn sóng phá sản với quy mô không thể tưởng tượng được”. Trong bối cảnh đó, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Đức đã đưa gói cứu trợ 165 tỷ EUR dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh gia đình, người thuê nhà, người kinh doanh tự do... Gói cứu trợ được thực hiện một cách hiệu quả, kịp thời và đúng đối tượng, giúp họ vượt qua khủng hoảng với thủ tục hành chính xét và cấp đơn giản.
Theo đó, các doanh nghiệp siêu nhỏ, người kinh doanh tự do, nghệ sỹ, nhiếp ảnh gia, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, các điều dưỡng viên… - những người không nằm trong diện được vay vốn – sẽ được nhận trực tiếp từ 9.000 – 15.000 EUR trong vòng 3 tháng. Chính phủ Đức cũng dành cho nhóm đối tượng này một khoản cứu trợ lên tới 50 tỷ EUR. Các thủ tục hành chính phải được tiến hành một cách nhanh chóng và đơn giản hóa: Nhóm đối tượng này chỉ cần chứng minh rằng cuộc khủng hoảng corona đã khiến họ mất khả năng thanh toán.
Đối với doanh nghiệp vừa và lớn, Chính phủ Đức dự định sẽ thiết lập một quỹ bình ổn kinh tế với quy mô hơn 100 tỷ EUR. Quỹ bình ổn này sẽ bao gồm một gói bảo lãnh chính phủ cho khoản vay ngân hàng lên tới 400 tỷ EUR. Ngoài ra, sẽ có các chương trình cho vay không giới hạn thông qua Ngân hàng tái thiết Đức KfW. Các công ty lớn như Lufthansa nếu cần có thể được cứu bằng cách bán cổ phần cho Chính phủ Đức. Chính phủ liên bang sẵn sàng cung cấp cho họ các gói bảo lãnh giá trị hàng tỷ EUR và tiếp quản các khoản nợ hiện tại. Khi cuộc khủng hoảng này qua đi, các doanh nghiệp này sẽ lại được tư nhân hóa. Các công ty tại Đức cũng được phép nộp chậm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Người thuê nhà sẽ được hỗ trợ để thanh toán tiền thuê nhà trong khoảng thời gian từ 1/4 tới 30/9/2020. Điều kiện bắt buộc là người thuê nhà không được hủy hợp đồng thuê nhà và thực hiện nghĩa vụ trả tiền thuê đầy đủ. Việc chứng minh việc mất khả năng thanh toán tiền nhà của người thuê nhà cũng được đơn giản hóa rất nhiều.
Khi các doanh nghiệp không còn công việc để giao cho nhân viên nữa, họ có thể chuyển sang chế độ “Kurzarbeit - rút ngắn thời gian làm việc” dành cho nhân viên. Bộ Lao động Đức sẽ chi trả 60% tiền lương đối với người lao động không có con và 67% đối với người lao động có con. Doanh nghiệp sẽ được hoàn trả các khoản tiền trợ cấp xã hội. Doanh nghiệp sẽ được nhận khoản tiền trợ cấp này, nếu hơn 10% tổng số nhân viên bị buộc phải nghỉ việc. Điều này cũng được áp dụng với các doanh nghiệp hoạt động theo mùa vụ. Chính phủ nước này dự tính sẽ có khoảng 2,15 triệu người sẽ được cấp khoản cứu trợ này, tương đương với 10,05 tỷ EUR, đặc biệt trong các ngành như công nghiệp cơ khí, điện tử và ngành dịch vụ khách sạn, nhà hàng.
Trong vòng 6 tháng tới, quy trình xét hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp sẽ tạm thời bỏ qua phần kiểm tra tài sản và kiểm tra mức thanh toán tiền nhà hàng tháng. Chính phủ Đức ước tính sẽ có thêm khoảng 1,2 triệu người nhận trợ cấp thất nghiệp, tương đương với 10 tỷ EUR. Việc xem xét cấp các khoản tiền trợ cấp dành cho trẻ em cũng sẽ được đơn giản hóa. Nếu các bố mẹ buộc phải nghỉ ở nhà để trông con thì cũng sẽ nhận được trợ cấp của chính phủ.
Ngoài ra, Chính phủ Đức sẽ cung cấp hơn 3 tỷ EUR cho các bệnh viện, tạo mọi điều kiện để giúp việc phòng chống dịch bênh của Chính phủ liên bang được hiệu quả và nhanh chóng, nới lỏng luật phá sản, tổ chức các cuộc họp chính phủ trực tuyến và nới lỏng luật lao động quy định về thời gian làm việc, đặc biệt cho các ngành công nghiệp quan trọng.
Chính phủ Đức buộc phải tiếp quản các khoản nợ nhiều nhất từ trước tới nay. Bộ Tài chính Đức dự tính sẽ phải chi một khoản cứu trợ khoảng 122,8 tỷ EUR riêng trong năm 2020. Ngoài ra, khoản thu ngân sách của chính phủ cũng sẽ giảm đi 33,5 tỷ EUR tiền thuế doanh nghiệp.
Chính phủ Đức đã đẩy nhanh việc hiện thực hóa gói cứu trợ này với một tốc độ chưa từng thấy. Thứ 4 tuần này, Hạ viện Đức sẽ công bố và chính thức thông qua gói cứu trợ này. 2 ngày sau đó, vào thứ 6 tuần này Thượng viện Đức sẽ phê chuẩn các điều luật này. |
Chủ đề liên quan:
chính phủ Chính phủ Đức cứu trợ Dịch Covid 19 doanh nghiệp Gói cứu trợ i hỗ trợ doanh nghiệp nghiệp nh phủ Đức Thương mại Đức DIHK