Đối tượng dễ bị mỡ máu
Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy, người có lượng cholesterol trong máu cao thường dễ mắc bệnh mạch vành cao gấp 2-3 lần so với người có lượng cholesterol bình thường.
Theo đó, nếu cholesterol toàn phần tăng hoặc cholesterol xấu tăng hoặc cả hai loại này cùng tăng thì hiện tượng xơ vữa động mạch sẽ xuất hiện làm tăng huyết áp kèm theo các hệ lụy nguy hiểm khác cho sức khỏe, đặc biệt là các bệnh về tim mạch.
Người béo phì là một trong những đối tượng dễ bị mỡ máu. Vì vậy, những người này nên có chế độ giảm béo thích hợp để đề phòng rủi ro. Nhưng để giảm cân, nên giảm một cách từ từ, không nóng vội. Tốt nhất là nên tăng cường vận động và có khẩu phần ăn giảm calo hợp lý.
Tuyệt đối không nên nóng vội giảm cần mà dùng các loại dược phẩm, hay các loại thuốc Nam, thuốc Bắc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép...
Nếu không bị tăng huyết áp, sức khỏe tốt thì có thể tập một số động tác nặng như đi bộ với tốc độ nhanh, chạy với tốc độ vừa phải với độ dài vài ba trăm mét hoặc đạp xe đạp.
Ngoài ra, người nghiện thuốc lá, bia, rượu cũng rất dễ bị mỡ máu vì vậy nên cần giảm dần hoặc tốt nhất là bỏ hẳn.
Làm gì để không bị mỡ máu?
Hiện tượng tăng mỡ máu thường có mối liên quan mật thiết với chế độ ăn uống hằng ngày của người bệnh và một số yếu tố liên quan khác. Những người ăn nhiều mỡ động vật, phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng, sữa toàn phần, bơ… sẽ có nguy cơ tăng mỡ máu rất cao.
Để không bị mỡ máu, mọi người nên hạn chế ăn các loại thức ăn chứa nhiều chất béo và cholesterol như bơ, sữa toàn phần, thịt xông khói, dầu dừa, dầu quả cây cọ, các phủ tạng động vật, da gà, da vịt, da ngỗng… và hạn chế dùng các loại thực phẩm có chứa trans-fat như các loại chiên rán, nhất là chiên rán với loại dầu, mỡ đã sử dụng nhiều lần như quẩy, thịt rán, mì ăn liền.
Để tránh bị mỡ máu, mọi người nên đi khám sức khỏe theo định kỳ tại một cơ sở y tế xuyên suốt. Trong trường hợp đã áp dụng chế độ ăn hợp lý, chế độ tập luyện đều đặn mà mỡ máu không được cải thiện hoặc cải thiện không đáng kể, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc làm giảm mỡ máu.
Tuyệt đối không tự động mua thuốc dùng khi không có đơn của bác sĩ. Bởi vì dùng thuốc giảm mỡ máu cần phải theo dõi chặt chẽ men gan và một số chỉ số sinh hóa khác.
Thu Hòa
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: