Hầu hết mối tình đều bắt đầu từ sự quen biết, gần gũi - nhiều công trình nghiên cứu về nguồn gốc của các quan hệ yêu đương đã chỉ ra như vậy. Tình cảm không ở trên trời rơi xuống mà thường nảy nở từ những tiếp xúc, va chạm hằng ngày. Có những mối quan hệ giữa anh rể - em vợ, chị dâu – em trai chồng nếu không biết làm chủ mình sẽ dẫn đến những câu chuyện buồn cho những người trong cuộc. Đơn cử như câu chuyện của chị Luyến (33 tuổi, là giáo viên phổ thông ở quận Thanh Xuân - Hà Nội) trên Phụ nữ Việt Nam.
Chị lấy chồng đã được 5 năm, có đứa con gái 3 tuổi xinh xắn. Anh Trung, chồng chị, hơn vợ 2 tuổi, là trưởng phòng thiết kế của một công ty xây dựng.
Gia đình đang sống ấm êm hạnh phúc thì cô em ruột của chị, năm nay 19 tuổi, từ Thanh Hóa ra Thủ đô ở nhờ nhà anh chị để chuẩn bị thi đại học lần thứ hai. Chị đã bố trí cho em gái ở một phòng riêng học luyện thi cho yên tĩnh.
Chỉ sau 1 tháng, anh rể với em vợ đã trở nên khá thân thiết. Anh Trung vốn là người lầm lì ít nói. Mọi khi ăn xong là anh về phòng làm việc. Buổi tối anh thường làm thêm những công trình thiết kế nhà ở tư nhân.
Do anh có tay nghề cao nên không lúc nào hết việc, thu về khá nhiều tiền. Chị Luyến thấy anh vất vả nên rất thương chồng, luôn khuyên anh làm ít thôi để giữ sức khỏe nhưng anh vẫn mê mải kiếm.
Từ ngày có Mai, em vợ đến ở nhờ, tính tình anh cứ thay đổi từng ngày. Từ một người ít nói trở nên vui tính và hay nói chuyện hơn, cũng hay đùa với con hơn. Nhiều lúc vừa lau nhà vừa làm ngựa cho con cưỡi, khiến chị Luyến thấy hạnh phúc gia đình tăng lên rõ rệt. Nhất là khi ăn cơm, anh còn kể chuyện hài hước làm hai chị em cười chảy cả nước mắt. Lúc đầu Mai cũng rụt rè ít nói, thế mà chỉ một thời gian sau sinh ra đỏng đảnh, chị Luyến nói gì không bằng lòng một tí là giận dỗi, bỏ cơm.
Những lúc như vậy, chỉ có anh rể là dỗ dành được. Mọi khi anh Trung cãi nhau với vợ bao giờ cũng giành phần thắng về mình, có sai cũng không bao giờ nhận. Nhưng với cô em vợ, anh lại đối xử khác hẳn, nói những lời rất độ lượng và trìu mến.
Có tranh luận với em điều gì hơi căng thẳng một tí đã tươi cười: “Thôi anh sai rồi”. Em vợ làm bất cứ việc gì cũng khen. Em lau nhà khen lau sạch. Em làm cơm, anh khen thức ăn ngon. Em đi chợ khen mua khéo. Em vợ nhờ giải bài toán thì anh kiên nhẫn giảng giải tận tình. Có bài toán khó, hai anh em ngồi giải với nhau đến tận khuya.
Một hôm, Mai đi chợ mua con cá chép khá to về bị chị chê mua đắt. Anh rể bênh em cho là bây giờ cái gì chẳng đắt và chê vợ không biết gì. Được thể, Mai giận dỗi không ăn, bỏ vào phòng ngồi học. Chị Luyến đành phải nhờ chồng: “Anh khéo vào dỗ nó đi. Không ăn lấy sức đâu mà thi”.
Anh Trung như chỉ chờ vợ nói câu ấy là cứ quần đùi, may ô vào buồng em vợ dỗ dành cô ấy ra ăn. Thấy được chiều, cô này càng làm bộ khóc tức tưởi như oan ức lắm. Cả tiếng đồng hồ không thấy ai ra, chị Luyến định vào phòng em xin lỗi một câu cho xong chuyện.
Ai ngờ chị vừa đẩy cửa phòng đã tái mặt, đứng sững như trời trồng, không nói được câu nào. Cô em vợ ngồi lọt thỏm trong lòng anh rể, cổ họng vẫn còn đang hức hức. Từ hôm đó, chị Luyến bắt đầu cảnh giác nhưng có lẽ đã quá muộn. Khi chị tìm đến gặp chuyên gia tâm lý thì đã bắt được quả tang hai anh em đang hôn nhau say đắm sau cánh cửa phòng. Tìm một giải pháp cách ly họ ra không hề đơn giản mà chắc chắn phải trả giá nặng nề.
Nhưng câu chuyện gia đình chị Luyến không phải là lạ. Mấy năm gần đây, các trung tâm tư vấn hôn nhân đã phải can thiệp khá nhiều chuyện tương tự. Nơi thì em gái với anh rể. Nơi lại em chồng với chị dâu.
Đặc biệt có vụ cháu trai của chồng đến nhà cậu ruột ở nhờ. Người cậu là kỹ sư cầu đường có vợ trẻ hơn hàng chục tuổi nhưng thỉnh thoảng anh ta lại phải đi công trình có khi cả tuần không về. Ở nhà chỉ có mợ và cháu với đứa con 1 tuổi.
Đến một đêm người chồng về bất ngờ phát hiện “mợ cháu” đang ôm nhau ngủ trên giường say như chết. Anh ta điên lên nhảy vào bóp cổ cháu và đánh cả vợ thì ngay hôm sau, hai kẻ tình nhân đưa nhau trốn đi đâu không biết, bỏ lại đứa con nhỏ, khiến anh ta không biết làm thế nào?
Thiết nghĩ những tình cảnh đau lòng trên đây đã cho chúng ta những bài học đắt giá. Trước hết là cảnh giác với chính mình. Có lẽ trong đa số trường hợp, khi họ đến ở chung một nhà, mối quan hệ thường trong sáng. Trong thâm tâm mỗi người không ai có ý đồ đen tối cả, trừ một số ngoại lệ. Nhưng tình cảm con người có đường đi riêng của nó, từ trái tim đến với trái tim, có thể không đi qua khối óc. Đó là sự mù quáng không lạ gì của tình yêu.
Nhà tâm lý người Mỹ, Willard Harley với lý thuyết “ngân hàng tình yêu” nổi tiếng cho rằng nếu mỗi ngày bạn cứ thêm vào “tài khoản” của mình một đơn vị tình cảm thì nó cứ lớn dần lên và đến cái ngưỡng nào đó sẽ thành tình yêu và ngược lại. Chúng ta không “quyết định” được việc ta yêu ai hay ghét ai mà tất cả do ngân hàng tình yêu tự điều chỉnh.
Nếu cảm thấy có chiều hướng phát triển tình cảm, cần có giải pháp cách ly kịp thời. Nếu không, bạn sẽ là con mồi của ngọn lửa không có mắt của tình yêu. Không ít người quá tự tin vào bản lĩnh của mình không bao giờ sa ngã. Nhưng từ lâu ông bà ta đã có câu “khôn ba năm dại một giờ”. Chỉ cần một thoáng yếu lòng là có thể rơi vào vòng xoáy của đam mê mù quáng.
Cho nên làm chủ cảm xúc bao giờ cũng rất khó. Tình yêu, tình dục đều là những cảm xúc mà không phải ai và lúc nào cũng làm chủ được. Vậy nên có một cách “chắc ăn” hơn đó là quản lý tình huống. Tốt nhất là tránh để xảy ra những tình huống có thể nảy sinh những cảm xúc không kiểm soát được.
Nghĩa là trai gái, đàn ông - đàn bà dù là họ hàng thân thiết, kể cả ô sin, không nên ăn chung ở lộn đến mức không còn biết đâu là ranh giới. Hoặc một người vợ hay chồng thường đi vắng để hai “đối tượng nguy cơ cao” ở nhà với nhau. Phải chăng trong tình yêu cũng nên theo khẩu hiệu “phòng hỏa hơn cứu hỏa”?
Chủ đề liên quan: