Tình yêu và giới tính hôm nay

Chọn giới tính trong bụng mẹ

Hiện nay, mất cân bằng giới tính khi sinh đang trở thành một trong những vấn đề “nóng” và nan giải không chỉ đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) mà còn tương lai của đất nước. Nếu không có biện pháp hữu hiệu, dự báo đến năm 2050 sẽ có khoảng 2,3 đến 4,3 triệu nam giới Việt Nam không thể tìm được vợ. Mấu chốt của thực trạng này nằm ở khâu chọn thai nhi ngay trong bụng mẹ để thỏa nguyện có con trai của rất nhiều cặp vợ chồng.

Đến 2050 Việt Nam sẽ thiếu 2, 3 - 4 triệu phụ nữ?

Theo quy luật tự nhiên, trung bình cứ 100 bé gái tương ứng có khoảng từ 104 đến 106 bé trai được sinh ra. Trước đây, hằng năm, trẻ em được sinh ra ở nước ta đều tuân theo quy luật này. Tuy nhiên, năm 2006, trung bình cứ 100 bé gái thì tương ứng có tới 110 bé trai được sinh ra. Đây là thời điểm chính thức được xác định là có hiện tượng mất cân bằng cơ cấu của trẻ em khi sinh (MCBGTKS) và từ đó con số này cứ tăng dần, đến năm 2016 đã là 112,2 bé trai, thậm chí ở đồng bằng sông Hồng, con số này lên đến 118 bé trai thì chỉ có 100 bé gái.

Theo dự báo của Tổng cục DS-KHHGĐ, với tình hình mất cân bằng tỷ số khi sinh như hiện nay, đến năm 2050 Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ, tình trạng dư thừa nam giới trong độ tuổi kết hôn có thể dẫn tới tan vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn, nhiều người trong số họ không có khả năng kết hôn vì thiếu phụ nữ.

Theo PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Viện trưởng Viện dân số các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân: Trước tiên, tình trạng MCBGTKS là sự kết hợp của nhiều nguyên nhân ở các cấp độ khác nhau. Trong đó, có sự kết hợp nguyên nhân về các mặt văn hóa xã hội, điều kiện kinh tế mức sống và trình độ y học hiện đại. Đặc biệt là có cả nguyên nhân do quá trình triển khai chính sách dân số - KHHGĐ ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Về nguyên nhân văn hóa xã hội, thì phong tục tập quán, văn hóa của người Việt chính là một trong số những yếu tố ảnh hưởng đến MCBGTKS.Việt Nam có nền văn hóa truyền thống, trong đó tư tưởng Nho giáo đóng vai trò chủ đạo.

Và một trong những giá trị của Nho giáo là mô hình gia đình truyền thống, việc nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ là những giá trị nền tảng. “Tâm lý thích con trai trở nên mãnh liệt cho mỗi cá nhân, mỗi cặp vợ chồng, mỗi gia đình và mỗi dòng họ. Đã có những nghiên cứu phát hiện ra rằng, tại những vùng có tỷ lệ đỗ tiến sĩ trong thời kỳ phong kiến càng cao, có nghĩa là ảnh hưởng Nho giáo càng mạnh, nơi đó tình trạng mất cân bằng tỷ số khi sinh nở trẻ em càng trở nên trầm trọng”- PGS. Lưu Bích Ngọc nói.

Lạm dụng tiến bộ y học để…lựa chọn giới tính

Nhiều người thắc mắc, nếu văn hóa của Việt Nam đã diễn ra hàng nghìn năm nay với việc ưa chuộng con trai, thì tại sao MCBGTKS lại trở thành vấn đề nan giải trong thời điểm này. Lý giải nguyên nhân này, PGS. Lưu Bích Ngọc cho rằng: Ngày nay, chính nhóm nguyên nhân cộng hưởng của những tiến bộ khoa học kỹ thuật về mặt y tế, giúp các cặp vợ chồng có thể lựa chọn được thai nhi. Khi y học càng phát triển, thì bằng nhiều cách người ta có thể tính toán được ngày để thụ thai, để tạo ra được con trai. Nhiều người lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn trước sinh.

Thậm chí không ít trung tâm quảng cáo công khai việc phát hiện thai nhi. Bên cạnh việc áp dụng thiết bị kỹ thuật cao, trình độ hiểu biết càng cao, việc can thiệp lựa chọn thai nhi càng cao. “Minh chứng bằng số liệu Tổng điều tra cho thấy, ở những nhóm dân số có mức thu nhập bình quân đầu người cao, mức sống trung bình khá trở lên, tình trạng mất cân bằng tỷ số khi sinh càng trầm trọng. Nhiều người có điều kiện tài chính, có kiến thức nên họ có thể áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ lựa chọn thai nhi chuẩn hơn”, PGS.Lưu Bích Ngọc cho biết.

Đặc biệt, MCBGTKS còn liên quan đến chính sách Dân số - KHHGĐ của Việt Nam. Trước đây, Việt Nam không có mất cân bằng tỷ số khi sinh, khi mà chưa thực hiện chính sách kiểm soát sinh mạnh mẽ và khi mức sinh chưa giảm thấp.Theo quy luật tự nhiên, số con sinh trung bình càng cao, thì mức độ cân bằng ở tổng dân số chung sẽ gần như tạo ra được sự cân bằng tự nhiên. Tuy nhiên, khi mức sinh ở Việt Nam được kiểm soát, việc thực hiện chính sách và chương trình kế hoạch hóa gia đình, mỗi gia đình có 1 – 2 con.Tính trung bình từ năm 2005, thực tế thường mỗi gia đình có 2 con, và khi số con ít thì động cơ lựa chọn thai nhi để có con trai càng cao. Như vậy, chính sách Dân số - KHHGĐ ở nước ta những năm qua, mặc dù giảm được quy mô dân số và mức sinh xuống thấp, nhưng lại có một hệ quả tiêu cực khi kết hợp với văn hóa ưa thích con trai, và các yếu tố khác, đó là tỷ số khi sinh tăng lên.

Cũng theo PGS. Lưu Bích Ngọc phân tích: Một điểm phức tạp trong vấn đề này của Việt Nam so với các quốc gia có tình trạng mất cân bằng tỷ số tương tự như: Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc... đó là, ở các quốc gia khác, việc lựa chọn thai nhi sẽ bắt đầu ở lần sinh thứ 2, thứ 3, đặc biệt là thứ 4 mới là mạnh, song ở Việt Nam, việc lựa chọn thai nhi được thực hiện ngay từ lần đầu và lần sinh thứ hai. Nhiều cặp vợ chồng khi sinh được con trai ngay từ lần sinh đầu, thỏa mãn nhu cầu và họ không sinh tiếp. Chính vì vậy, với tính chất phức tạp này, những can thiệp của Nhà nước trong việc giảm tình trạng mất cân bằng tỷ số khi sinh đã rất tích cực, nhưng tỷ lệ này vẫn chưa quay lại được mức độ cân bằng theo lẽ tự nhiên ngay lập tức.

Minh Khuê

Kỳ 2: Hậu quả khôn lường

Mạng Y Tế
Nguồn: Lao động thủ đô (http://laodongthudo.vn/chon-gioi-tinh-trong-bung-me-74451.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY