Sản xuất, kinh doanh, thương mại… bị đình trệ, đẩy số lao động thất nghiệp gia tăng và nảy sinh phạm pháp là một hệ luỵ cần phải nhìn nhận thấu đáo.
Thời gian tới tình hình sẽ còn diễn biến phức tạp, do đó mỗi người dân cần nắm được những "kỹ năng bỏ túi" để không trở thành nạn nhân của tội phạm.
Xâu chuỗi lại các vụ án đã xảy ra tại các địa phương trong cả nước, thấy nổi lên đặc điểm như mang tính liên tục, gần nhau về mặt thời gian, trong lúc cả nước đang phải căng mình đối phó với dịch bệnh COVID-19. Hành vi phạm tội đều thuộc nhóm xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt.
Khoảng 18 giờ 15 phút ngày 31/3, hai mẹ con bà Tạ Thị T. (trú tại tổ 4, phường Cầu Thia, TX Nghĩa Lộ, Yên Bái) đi lấy hàng từ TX Nghĩa Lộ về km 17, huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Khi đến đoạn đường thuộc khu vực bản Điệp Quang, xã Phúc Sơn thì bị một thanh niên đeo khẩu trang bịt mặt chặn đường.
Tên cướp dùng dao chém nhiều nhát vào người nạn nhân rồi giật lấy đi một chiếc túi bên trong có 1,2 triệu đồng tiền mặt cùng một số giấy tờ khác. Nhận được tin báo, Công an TX Nghĩa Lộ và Công an huyện Trạm Tấu đã khẩn trương tổ chức truy xét.
Đến 22 giờ 50 cùng ngày, lực lượng phá án đã bắt giữ được tên cướp là Lò Văn Tân (sinh năm 1997, trú tại xã Phúc Sơn, TX Nghĩa Lộ) khi gã đang lẩn trốn.
Trước đó 1 ngày, vào đêm ngày 30/3, các tên Hữu Hoàng Giang (sinh năm 2002), và Lê Tấn Thành (đều tạm trú tại Quận 9, TP Hồ Chí Minh) đi xe máy rảo qua nhiều tuyến phố để cướp giật tài sản của những người về khuya.
Tới số nhà 42 - Đặng Thùy Trâm (quận Bình Thạnh), chúng phát hiện một phụ nữ đi xe máy một mình, liền nhanh chóng áp sát, đạp ngã nạn nhân rồi uy hiếp cướp xe máy và điện thoại.
Táo tợn hơn, hai đối tượng đã định thực hiện hành vi hiếp dâm, nhưng do nạn nhân chống trả quyết liệt nên không thực hiện được. Sau đó, chúng tẩu thoát và đem bán xe máy lấy 6 triệu đồng để tiêu xài. Ngày 1/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ được thủ phạm gây án.
Cũng tại TP Hồ Chí Minh, vào tối 27/3, hai đối tượng cầm súng và dao xông vào cửa hàng Bách hóa Xanh (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú), uy hiếp nhân viên cửa hàng và cướp đi số tiền hơn 70 triệu đồng cùng một CPU máy tính.
Ngày 30/3, Phòng CSHS - Công an TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ngãi bắt giữ hai đối tượng là Lê Quốc Bảo (sinh năm 1996, quê Quảng Ngãi) cùng vợ là Tạ Ngọc Cao Phương My.
Bảo khai nhận mình là kẻ điều khiển xe máy đi gây án và cầm dao uy hiếp nhân viên cửa hàng để cướp tài sản.
Từ lời khai của Bảo, ngày 31/3, Công an bắt giữ Lê Quang Phú (sinh năm 1997, quê Quảng Ngãi), xác định tên này là kẻ giúp sức, cùng Bảo đi phi tang CPU máy tính và dùng biển số xe giả gắn vào xe gây án.
Ngày 1/4, lực lượng phá án tiếp tục bắt giữ tên Nguyễn Hữu Việt (sinh năm 1995, quê Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) là đối tượng mang súng uy hiếp nhân viên cửa hàng Bách hóa Xanh để cướp tài sản.
Tang vật thu giữ gồm một khẩu súng rulo màu trắng và sáu viên đạn, hai con dao, hai xe máy và 3 triệu đồng.
Tại Hà Nội, vào khoảng 2h sáng ngày 23/3, Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Bắc Từ Liêm đã khám phá ổ nhóm trộm cắp tài sản tại các khu nhà trọ trên địa bàn, bắt giữ các đối tượng đang thuê trọ tại phường Phúc Diễn, gồm Lê Tiến S., (sinh năm 1997, quê Thạch Thành, Thanh Hóa), Lê Việt Dũng (sinh năm 1992, quê Yên Phong, Bắc Ninh) và Trần Quang Võ (SN 1993; quê Kiến Xương, Thái Bình).
Kết quả điều tra xác định từ tháng 12/2019 đến tháng 3/2020, ổ nhóm này đã thực hiện 8 vụ trộm cắp xe trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm để lấy tiền chơi game.
Lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều khu nhà trọ vắng người, công tác bảo vệ lỏng lẻo, hàng ngày chúng nguỵ trang bằng cách mặc trang phục của các hãng xe ôm công nghệ, đi lang thang qua các khu trọ để tìm kiếm cơ hội trộm cắp.
Khi phát hiện xe máy không có người trông coi, S. ở ngoài cảnh giới để Võ và Dũng tiếp cận dùng vam bẻ khoá dắt xe đi. Sau đó, các đối tượng rao bán xe trên mạng xã hội hoặc bán trực tiếp cho khách.
Vụ trọng án kinh hoàng xảy ra lúc rạng sáng ngày 23/3 tại chùa Quảng Ân (thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), có tính chất "đầu trộm - đuôi cướp". Ban đầu tên Nguyễn Thanh Tâm (sinh năm 1989, quê huyện Hàm Tân) đột nhập vào chùa để trộm cắp tài sản.
Quá trình đột nhập gây ra tiếng động làm Thượng tọa Thích Nguyên Lộc (59 tuổi) thức giấc. Tâm đã dùng gậy gỗ đánh nhà sư ch*t tại chỗ.
Sau đó, 2 mẹ con bà Nguyễn Thị Phượng (43 tuổi) người đi làm công quả tại chùa cũng bị Tâm tấn công, hậu quả làm chị Nguyễn Thị Bảo Yến (19 tuổi) Tu vong, bà Phượng bị trọng thương. Tâm đã cướp đi số tiền 750 triệu đồng cùng 3 điện thoại di động.
Bên cạnh những vụ phạm tội truyền thống như cướp, cướp giật, trộm cắp, thì hành vi L*a đ*o chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cũng đang diễn biến rất phức tạp.
Thủ đoạn phổ biến là lợi dụng tình hình dịch bệnh, tâm lý lo lắng dịch bệnh của người dân, nhu cầu đối với mặt hàng khẩu trang y tế và sản phẩm phòng dịch tăng cao, các đối tượng thông qua mạng xã hội tìm kiếm "con mồi", chào bán các sản phẩm vô giá trị như thẻ đeo chống virus, diệt khuẩn, hoặc tổ chức L*a đ*o bán hàng online. Lần đầu, để tạo lòng tin với người mua, chúng sẽ giao đúng hàng và đúng hẹn.
Nhưng đến lần thứ hai, khi người mua đã tin tưởng, chúng yêu cầu đặt cọc tiền trước, đến thời điểm giao hàng thì đối tượng… biến mất.
Một số trường hợp khác đặt cọc và giao kèo trước hàng đúng chất lượng, mẫu mã, nhưng khi nhận thì là hàng giả, hàng không đạt chất lượng.
Giới nghiên cứu tội phạm học từ lâu đã chỉ ra logic tỷ lệ thuận giữa tình hình tội phạm với các yếu tố tiêu cực trong môi trường kinh tế - xã hội.
Khi đời sống khó khăn, người lao động mất việc làm, thất nghiệp, sẽ dễ thúc đẩy con người ta tìm mọi cách, kể cả vi phạm pháp luật để thoả mãn vị kỷ của cá nhân…
Đại dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn ra hết sức phức tạp ở cấp độ toàn cầu, những vấn đề nghiêm trọng về an sinh xã hội, trong đó vấn đề an ninh trật tự sẽ đối diện với nhiều thách thức mới.
Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Từ khi dịch xâm nhập và bùng phát tại nhiều địa phương, cùng với những xáo trộn trong đời sống xã hội, hiện tượng tội phạm mùa dịch với những nét đặc thù đang "nóng" lên tại nhiều địa phương.
Trong đó, đặc điểm "đói ăn vụng, túng làm liều" thể hiện rất rõ nét qua các vụ án. Thủ phạm có thể không phải là những kẻ tội phạm chuyên nghiệp.
Theo Thượng tá Nguyễn Đăng Nam - (Trưởng phòng CSHS, Công an TP Hồ Chí Minh), thủ phạm trong vụ cướp táo tợn vừa xảy ra tại cửa hàng Bách hoá Xanh đều đang mất việc làm, không có thu nhập do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên nảy sinh ý định cướp để lấy tiền tiêu xài. Thủ đoạn của chúng là lợi dụng đặc điểm đường sá vắng người do dịch bệnh, nhiều hàng quán đóng cửa.
Những cửa hàng bán thực phẩm vẫn hoạt động nhưng số khách mua hạn chế, rất thuận tiện cho việc tiếp cận, dùng vũ lực khống chế nhân viên bán hàng để cướp tài sản và nhanh chóng tẩu thoát.
Còn trong vụ cướp tại quận Bình Thạnh, các đối tượng cũng lợi dụng tình huống ít người trên đường để ra tay với những phụ nữ đi xe máy một mình ở thời điểm tối muộn.
Trong thời điểm hiện tại và những tháng tiếp theo, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo theo sự đình trệ trong sản xuất, kinh doanh, thương mại, đời sống xã hội sẽ có những diễn biến phức tạp, trong đó xu thế gia tăng của tình hình tội phạm là điều có thể tiên liệu.
Nhóm tội phạm chiếm đoạt tài sản như cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, trộm cắp, L*a đ*o… sẽ có thể xảy ra với tần suất cao, tính chất mức độ ngày càng manh động, nguy hiểm.
Đặc biệt đáng lo ngại là các vụ giết cướp xe ôm, taxi, tội phạm cướp giật đường phố có thể gia tăng sau khi hết thời gian cách ly xã hội.
Theo Thượng tá, PGS.TS Nguyễn Minh Hiển - (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tội phạm học và điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân), để chủ động phòng ngừa nguy cơ trở thành nạn nhân, người dân cần phải nâng cao hơn nữa tinh thần cảnh giác, có ý thức bảo quản tài sản của bản thân và gia đình.
Trước mắt, người dân cần đặc biệt cảnh giác, chấp hành nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID -19 của Thủ tướng Chính phủ, hạn chế tối đa việc ra đường nhất là thời điểm buổi tối, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết và nếu phải ra ngoài thì tránh thời điểm đêm tối, không nên đi một mình.
Với những người chạy xe ôm, taxi, cần hết sức cảnh giác trong khi chở khách, đặc biệt là không nên đem theo nhiều tiền hoặc tài sản có giá trị trong người.
Tại các công sở cần tăng cường công tác bảo vệ, gia cố hệ thống khoá, cửa, tường rào, lắp đặt hệ thống đèn bảo vệ, camera an ninh quanh trụ sở cơ quan. Những khu trọ, nhà dân không có người ở do sơ tán trong dịch bệnh, chủ nhà không nên để lại tài sản có giá trị.
Tài sản cá nhân có giá trị như xe máy trở lên cần được bảo quản, khoá nhiều lớp và trông coi cẩn thận. Không nên để tài sản hoặc đồ vật trong xe ôtô qua đêm ngoài đường, đề phòng kẻ gian phá kính xe để trộm cắp tài sản.
Để phòng ngừa bị L*a đ*o trên không gian mạng, người sử dụng internet cần chú ý đọc các thông báo phòng ngừa của cơ quan chức năng về các thủ đoạn L*a đ*o đang diễn ra.
Tuyệt đối không nên truy cập, không cung cấp thông tin ngân hàng điện tử (tên đăng nhập, mật khẩu, OTP) hoặc click vào đường link lạ được đính kèm trong email.
Không nên mua bán các sản phẩm y tế thiết yếu như khẩu trang, nước sát khuẩn… trên mạng, mà nên mua tại các cơ sở y tế, nhà Thu*c để đảm bảo chất lượng hàng, vừa tránh được nguy cơ bị L*a đ*o.
Cùng trong thời gian này, bên cạnh nhiệm vụ phòng dịch, Công an các cấp cần triển khai kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm.
Lực lượng tại cơ sở cần tích cực triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, rà soát các đối tượng hình sự, gọi răn đe, tăng cường biện pháp tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự, ngăn chặn không để các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để phạm tội.
Chủ đề liên quan:
chiếm đoạt tài sản đại dịch đạo tặc Đào Trung Hiếu diễn biến phức tạp giới chuyên môn hành vi phạm tội lao động thất nghiệp Nhóm nam th