Độc chiêu “ba không”
Đó là phương pháp của chị Thùy Linh (Ngọc Khánh, Ba Đình): không nghe, không thấy, không biết. Chị bảo đàn ông gia trưởng thường thích chỉ đạo, thích người khác phục tùng mình, thích thể hiện quyền lực với vợ, ghét tranh cãi. Khi phụ nữ gân cổ lên cãi thì càng kích thích tính gia trưởng trỗi dậy, thế nên tốt nhất là lờ đi.
Trên VietnamNet, chị chia sẻ kinh nghiệm: “Lão nói gì mình cũng không tranh luận, nói chán rồi thôi. Lão sai vặt thì cứ nói đang bận việc nọ việc kia để lão tự làm, nếu lão không chịu thì bảo đợi em tí rồi cứ kệ cho lão đợi dài cổ, đừng dại gì mà làm ngay, lâu dần lão sẽ không sai vặt nữa. Lão về muộn thì đừng đợi cơm, cứ ăn trước, đi đâu làm gì cũng đừng hỏi han”.
Chị Linh áp dụng chiêu “ba không” được một thời gian thì “lão” chồng trách chị không quan tâm đến lão. Lúc này chị mới nói chuyện thẳng thắn với chồng về quan điểm, suy nghĩ của chị về tính gia trưởng của chồng. Nếu chồng không thay đổi thì chị sẽ tiếp tục như thế.
“Mình cương quyết thì chồng cũng phải nhún nhường chút ít. Trước lão chưa bao giờ có khái niệm động tay vào việc nhà. Giờ thì cũng biết thay mình tắm cho con, cất quần áo vào tủ, đổ rác khi có kẻng. Bớt được cái tính sai vặt vợ và cái tật hất hàm khi nói chuyện với trước kia nữa. Cũng chỉ mong lão thay đổi được thế này thôi là hạnh phúc lắm rồi”, chị Linh chia sẻ. Cho rằng thói gia trưởng đã ngấm vào máu của chồng, không mong gì sự thay đổi, nhiều phụ nữ chọn cách mềm mỏng đối phó.
“Biết tính khí các lão rồi thì khi các lão lên mặt dạy vợ thì mình cứ im, cứ lờ đi, đừng dại gì mà mở mồm để đổ thêm dầu vào lửa. Sau đó lựa những lúc vui vẻ mà nói chuyện, nói nhẹ nhàng mà thấm. Đôi khi mình cũng phải tỏ thái độ cương quyết, thể hiện rõ chính kiến nếu như chồng áp đặt, độc đoán trong cuộc sống gia đình, lão nói mà mình nhu nhược thì sẽ được đằng chân lân đằng đầu. Ngay từ khi mới cưới về, mọi người nên thể hiện vai trò làm vợ của mình tốt ở mức vừa vừa thôi, không phải phục dịch từ A-Z mọi nhu cầu thì chồng sẽ không có thói quen hưởng thụ”, chị T. Hải (Định Công, HN) chia sẻ.
Trông chờ ở đời con cháu
Nhiều ý kiến cho rằng, thói gia trưởng “di truyền” từ thế hệ đi trước, bởi các bà các mẹ ta vẫn thường o bế, dạy dỗ con trai thiên lệch so với con gái. Con trai thì được nuông chiều không phải động tay vào việc nhà từ nhỏ, con gái thì được dạy dỗ là phụ nữ phải hi sinh cho chồng con, nhường nhịn chồng con. Thế nên muốn sửa thói gia trưởng của đàn ông Việt chỉ có cách là dạy các con khỏi thói gia trưởng.
“Muốn thay đổi thói gia trưởng của những người đàn ông Việt chắc chắn cần có thời gian và cũng tùy vùng miền, nhưng với việc thực thi luật bình đẳng giới, truyền thông, giáo dục… với các chương trình lồng ghép giới, thực hiện các chính sách tăng quyền cho phụ nữ…có thể đến đời con cháu của chúng ta sẽ giảm được tính gia trưởng của người đàn ông”, chuyên gia tâm lý Hoàng Thị Kim Thanh (Khoa Văn hóa, ĐH Văn hóa Hà Nội) nhận định.
Còn theo chuyên gia tư vấn Trần Thị Hồng Hà - Trung tâm tư vấn tâm lý - Tìnhyêu - Hôn nhân thuộc Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, nhân vật chính ở đây là đàn ông chứ không phải phụ nữ. Lâu này truyền thông chỉ đi theo hướng một chiều, tức khuyên người phụ nữ phải làm thế này thế kia mà quên rằng đàn ông mới là đối tượng cần tác động.
Bà Hà cho rằng, cần có những cách truyền thông mới để người đàn ông nhận ra thói xấu của mình và thay đổi. “Đàn ông mới là nhân vật chính cần nhìn nhận lại bản thân để thay đổi. Lâu nay chúng ta cứ tư vấn cho người phụ nữ phải thế này, thế kia để thay đổi chồng, nhưng người gây lỗi lầm là đàn ông thì nằm ngoài cuộc. Cần làm việc với đàn ông, để họ tự nhận ra lỗi của mình và sửa chữa”, bà Hà nói.
Chủ đề liên quan: