Liên tục từ ngày 1.4 đến nay, cứ vào khoảng 9 giờ 45 hằng ngày, nhiều người dân lại đến trước khách sạn Nguyên Phan tại số 76 đường Nguyễn Trung Trực (TT.Dương Đông, H.Phú Quốc, Kiên Giang) để nhận cơm được phát miễn phí.
Trưa 10.4, trước cửa khách sạn này, những người dân đứng thành hàng bên lề đường, có vạch ngăn cách để đảm bảo khoảng cách an toàn. Sau đó từng người nhận cơm và sữa mang về.
Mỗi phần cơm gồm có đậu hũ, trứng kho, món xào... Ngoài ra, còn chu đáo để thêm một gói sữa đậu nành vào túi để bà con thêm chất dinh dưỡng.
Những người đến nhận cơm đều đảm bảo giữ khoảng cách an toànẢNH: HOÀNG TRUNG |
Bà Nguyễn Thị Phượng (43 tuổi, quê An Giang) cho biết bà cùng chồng ra Phú Quốc làm phụ hồ khoảng 5 tháng nay. Trước khi có lệnh cách ly xã hội vài ngày, chồng bà về thăm con rồi kẹt luôn ở quê, để bà ở lại một mình trên đảo. Do phòng chống dịch Covid-19 nên công trình phải tạm dừng, bà không có việc làm nào khác để kiếm tiền nên mọi chi tiêu đều rất khó khăn, phải dựa vào một người chị, nhưng hoàn cảnh người chị này cũng khổ. Biết được khách sạn có phát cơm từ thiện, mấy ngày nay hai chị em bà đều đến nhận cơm về ăn.
Còn bà Trần Thị Thuý Liễu (56 tuổi, quê Cần Thơ) chia sẻ bà cùng chồng ra đảo làm ăn từ lâu. Chồng bà chạy xe lôi còn bà ở nhà lo cơm nước. Gần đây, không có khách nào kêu chở hàng hoá nên cuộc sống rất khó khăn. Bà cũng ra đây nhận cơm về để hai vợ chồng cùng ăn.
Hoàn cảnh khó khăn hơn là bà Cao Thị Hồng (52 tuổi, quê Nghệ An). Bà Hồng cho biết lúc còn ở quê, chồng bà bị T*i n*n nên không thể làm gì được. Nhưng do cuộc sống ở quê quá khó khăn nên bà phải đưa chồng ra Phú Quốc tìm kế sinh nhai.
Tại Phú Quốc, bà Hồng làm công việc rửa chén bát cho một quán cơm, lương khoảng 6 triệu đồng/tháng. Do dịch Covid-19, quán cơm đóng cửa nên bà mất việc làm, cuộc sống của hai vợ chồng rất khó khăn. Hằng ngày, bà đến chỗ phát cơm từ thiện sớm để lấy cơm cho mình và chồng.
Trao đổi với Thanh Niên, bà La Thị Ngọc Mai (60 tuổi, chủ khách sạn Nguyên Phan) cho biết đã nấu cơm từ thiện từ ngày 1.4 nhưng mỗi ngày chỉ phát vào buổi trưa, với số lượng trên 250 phần. Để làm được việc này, bà Mai huy động tất cả người thân trong gia đình tham gia.
Sau khi lên thực đơn (thay đổi hằng ngày), khoảng 15 giờ, bà Mai phân công người đi mua rau cải về chuẩn bị để sáng mai nấu; riêng thịt, cá thì 4 giờ 30 sáng ra chợ mua (nhà bà Mai cách chợ chừng 500 m). Khoảng 9 giờ 45 thì nơi đây tiến hành phát cơm cho bà con.
“Trước mắt, gia đình chúng tôi sẽ thực hiện đến hết ngày 15.4 theo lệnh cách ly xã hội của Chính phủ. Nếu thời gian cách ly có kéo dài hơn thì chúng tôi cũng sẽ tiếp tục”, bà Mai nói và cho biết thêm sẽ nhận sự tiếp sức của các nhà hảo tâm khác.
Ông Đặng Ngọc Hoà, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TT.Dương Đông, cho biết ngoài điểm phát cơm miễn phí của bà Mai, hiện nay trên địa bàn TT.Dương Đông còn có 1 điểm khác phát cơm từ thiện vào buổi chiều.
“Chúng tôi sẽ đề nghị UBND TT.Dương Đông cử lực lượng đến hỗ trợ 2 gia đình tổ chức phát cơm từ thiện này trong công tác sắp xếp, bảo đảm khoảng cách an toàn cho mọi người”, ông Hòa nói.
Chủ đề liên quan:
cách ly xã hội chủ khách sạn cơm miễn phí Dịch Covid 19 khách sạn lao động lao động nghèo miễn phí người lao động người lao động nghèo phát cơm miễn phí phú quốc