Tuần báo Y học New England (NEJM) ngày 30/1 đưa tin 4 người Đức nhiễm nCoV sau khi họp với một doanh nhân Trung Quốc từ Thượng Hải sang. Bà này tiếp xúc với họ ngày 20-21/1, sau đó họ bị ốm. Nữ doanh nhân phát bệnh trên chuyến bay trở về Trung Quốc.
NEJM khi đó viết: "Người không có triệu chứng có thể là nguồn lây nhiễm tiềm tàng của nCoV. Các chuyên gia phải đánh giá lại cơ chế lây truyền của đợt bùng phát dịch viêm phổi cấp hiện nay". Các tác giả bài báo ngầm khẳng định virus corona có thể lây từ người bệnh chưa biểu hiện triệu chứng sang người khác và khiến việc kiểm soát dịch khó khăn hơn.
Nhân viên y tế và người đến khám tại một bệnh viện ở thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 26/1. Ảnh: AFP. |
Một số chuyên gia Trung Quốc khi đó cũng nhận định "người bệnh không có triệu chứng có thể phát tán nCoV", song không có bằng chứng rõ ràng.
Giám đốc Viện Dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ Anthony Fauci nói "nhiều người tin rằng virus có thể truyền từ người sang người dù không có triệu chứng. Và thế là họ tin chắc như vậy sau khi đọc bài báo trên NEJM".
Tuy nhiên, Viện Rober Koch (RKI) của chính phủ Đức, phụ trách y tế công cộng, gửi thư cho NEJM để làm rõ thông tin. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng được RKI thông báo.
"Các tác giả bài báo trên NEJM chưa nói chuyện với người phụ nữ Trung Quốc, họ chỉ lấy thông tin từ các bệnh nhân người Đức kể lại", thư của RKI viết.
Một trong các tác giả của bài báo là Michael Hoelscher cho biết bốn người Đức kể lại rằng người phụ nữ Trung Quốc "không có triệu chứng bệnh".
Các chuyên gia thuộc RKI và Cơ quan An toàn Thực phẩm bang Bavaria của Đức đã gọi điện cho nữ doanh nhân Trung Quốc và biết người này có bị ốm khi ở Đức. "Bà ấy có các triệu chứng mệt mỏi cùng đau nhức cơ thể nên uống paracetamol để hạ sốt và tiếp tục làm việc", theo phát ngôn viên RKI.
Chuyên gia virus Christian Drosten thuộc Bệnh viện Đại học Charité ở Berlin, một trong các tác giả, nói cảm thấy "tồi tệ" khi vội vã đưa tin trên NEJM nhưng "không nghĩ rằng nhóm tác giả có lỗi", bởi họ phải nhanh chóng cung cấp thông tin trong khi chưa thể liên lạc với nữ doanh nhân Trung Quốc.
Chuyên gia dịch tễ học March Lipsitch của Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan nói các tác giả của bài báo đã hành động không đúng, song thừa nhận không thể nói chuyện với mọi người trong trường hợp khẩn cấp. "Tôi cho rằng nhóm tác giả cố gắng tìm hiểu bản chất của sự cố nhanh nhất và họ không cố tình bất cẩn".
Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển (PHAS) phản ứng gay gắt sau bài viết, cho rằng nó chứa những lỗi sai nghiêm trọng. "Nói rằng nCoV có thể lây nhiễm trong thời gian ủ bệnh là thiếu cơ sở khoa học, vậy mà bài báo sử dụng thông tin đó", PHAS viết trên website.
"Cho dù biểu hiện của bệnh nhân là không rõ ràng, đó không phải là trường hợp không biểu hiện", Isaac Bogoch, chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Đại học Toronto nói. "Không biểu hiện có nghĩa là không triệu chứng, hoàn toàn không. Có nghĩa là hoàn toàn ổn. Chúng ta cần thận trọng với từ ngữ".
Nhân viên y tế đưa bệnh nhân nghi mắc viêm phổi cấp khỏi một chung cư tại Vũ Hán, Trung Quốc ngày 30/1. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, chuyên gia Fauci nói thông tin trong bài viết của NEJM chưa đúng không đồng nghĩa với việc những người nhiễm nCoV chưa có triệu chứng không phát tán mầm bệnh.
"Tôi vẫn tin nCoV có thể lây lan trong thời gian bệnh nhân chưa có triệu chứng. Tôi gọi cho một đồng nghiệp là chuyên gia uy tín về bệnh truyền nhiễm và y tế ở Trung Quốc. Anh ấy cũng tin có khả năng lây nhiễm không triệu chứng và một số người chưa có triệu chứng đang phát tán mầm bệnh", Fauci nói.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết lây bệnh khi không có triệu chứng "chiếm một phần rất nhỏ" trong một đại dịch bệnh truyền nhiễm. "Những người bị ho hoặc hắt hơi mới là nhóm có khả năng lây lan virus", theo báo cáo công bố ngày 1/2 của WHO.
Chuyên gia Drosten cho biết nhóm bệnh nhân người Đức nhiễm nCoV cho thấy góc độ thú vị khác về loại virus này. "Cho tới nay người ta dồn toàn bộ sự chú ý vào những ca bệnh nặng còn 4 ca tại Đức bị ở cấp độ rất nhẹ. Những bệnh nhân như thế có thể khiến virus phát tán khi họ cảm thấy như bị cảm và không nghĩ mình nhiễm virus corona nên không ở nhà", Drosten cho biết.
Chủ đề liên quan:
bệnh viêm phổi trung quốc khẳng định lây lan nCoV gây dịch bệnh viêm phổi ủ bệnh viêm phổi do virus corona