Sức khỏe hôm nay

Chuẩn bị mang thai: Chuyện của cả hai người

(SKGĐ) Mọi người thường nói “con cái là tài sản lớn nhất”, vậy tại sao không chuẩn bị tốt để chào đón chúng.

Sẵn sàng với sự thay đổi tâm lý

Khi một mầm sống xuất hiện, cuộc sống của bạn sẽ thay đổi rất nhiều, bạn sẽ phải đi nhẹ nói khẽ, sẽ không được tung tăng chơi bời nhiều, sẽ không thể gánh vác quá nhiều việc ở công sở, đó là thời điểm sự nghiệp nên được xem nhẹ.

Nếu chấp nhận được những điều trê bạn hãy quyết định mang thai để đừng hối hận theo kiểu “vì con mà mẹ đã mất nhiều thứ”, “mẹ chưa muốn con đến vào lúc này”... Trong khi mang thai, bạn sẽ lại có thêm nhiều thay đổi tâm lý nữa mà bạn và chồng cần phải lường trước. Cụ thể là:

- Tuần đầu mang thai: Khi mới biết mình có thai, người mẹ thường có tâm lý hồi hộp, lo sợ về em bé của mình có bình thường khôn nên vui buồn lẫn lộn.

- 3 tháng đầu tiên: Thai phụ sẽ mệt mỏi, hay quên, cáu gắt, khó chịu, thấp thỏm vì lo sức khỏe của em bé, khó kiểm soát được cảm xúc bản thân.

- Từ tháng thứ 4-6: Những hình ảnh đầu tiên hoặc những cử động của thai nhi, người mẹ bắt đầu hành thành tình cảm đặc biệt với em bé trong bụng mình.Tất cả sự quan tâm của họ gần như đều dành cho bé. Những chia sẻ của người thân với sự quan tâm này sẽ đem lại niềm vui cho họ

- 3 tháng cuối: Người mẹ thường có tâm lý lo lắng, bồn chồn, dễ buồn chán, cô đơn, nhạy cảm và dễ tủi thân hơn. Thời kỳ này, người mẹ sẽ khó ăn, khó ngủ, cần được nghỉ ngơi nhiều.

Trong khi đó, chồng bạn sẽ thấy vợ quan tâm tới con nhiều hơn tới mình, hoặc có thể sẽ thấy gánh nặng tài chính lớn hơn… nên hay mệt mỏi, buồn chán vu vơ, bất thường.

Bạn cũng nên biết điều này để chia sẻ với người thân, nhất là chồng để họ thông cảm, giúp bạn tháo gỡ. Có những người chồng sẽ tự giác tìm hiểu để chuẩn bị tâm lý cho mình nhưng cũng có những người “vô tâm”. Vì thế bạn nên chia sẻ những kiến thức này với chồng để “đe gió” rằng anh hiểu điều đó thì đừng cáu gắt mà hãy chia sẻ cùng vợ nhé.

Việc mang thai và sinh con là việc của cả hai vợ chồng. Nhưng nhiều ông chồng vẫn coi việc này là của phụ nữ. (Ảnh minh họa)

Để không bị nỗi lo tài chính “hủy diệt”

Nuôi một đứa trẻ có thể tốn hơn tổng số chi tiêu cho hai vợ chồng hiện tại. Bởi thế nếu mang bầu, sinh con khi chưa có chuẩn bị về tài chính sẽ có thể khiến bạn mệt mỏi, vợ chồng lục đục, con không được chăm sóc tốt.

Bạn cần ước lượng được số tiền phải bỏ ra cho việc chăm sóc thai, cho sinh nở (sinh ở đâu, phí bao tiền cho sinh thường, sinh dịch vụ…), chăm sóc trẻ cũng như việc nghỉ không lương khi sinh. Bạn nên ước lượng số tiền theo mức thu nhập của mình (ví dụ lương bạn 50 triệu trở lên bạn có thể dự sinh ở bệnh viện quốc tế, lương chỉ khoảng 10 triệu thì sinh dịch vụ ở viện công, sữa nội…). Từ đó bạn và chồng cùng bàn bạc về cách chi tiêu để có được số tiền ấy.

Nếu không dư giả, cách tốt nhất là bạn lập tài khoản riêng cho con, gặp việc gì cũng không động vào tiền riêng đó mà phải xoay cách khác. Đây là một cách để chắc chắn đến lúc sinh, bạn có đủ tiền như dự định.

Cho con “hạt giống” tốt

1. Kiểm tra sức khỏe tổng thể cả hai vợ chồng

Hãy đi gặp bác sĩ sản phụ khoa để biết rằng vợ chồng có hay không những vấn đề về sức khỏe tổng thể cũng như sức khỏe sinh sản.

Khi khám bạn có thể phát hiện và điều trị kịp thời một số bệnh như: bệnh mãn tính, bệnh di truyền và bệnh lây nhiễm qua đường tình dục… Hoặc nếu bạn đang phải dùng thuốc để điều trị thì hãy tư vấn xem các loại thuốc này có ảnh hưởng đến việc việc thụ thai và sức khoẻ thai nhi sau này không.

Ngoài ra, bạn cũng cần kiểm tra bệnh có tính di truyền như: máu khó đông; thiếu máu; hồng cầu hình lưỡi liềm; bị rối loạn nhiễm sắc thể (bệnh Down); chậm phát triển trí tuệ; mắc các dị tật bẩm sinh hay khuyết tật ống thần kinh… để có được lời khuyên tốt nhất từ chuyên gia.

2. Chế độ, ăn uống, sinh hoạt lành mạnh hơn

Cả hai vợ chồng đều phải cắt giảm rượu, đồ uống có cồn, thuốc lá, chất kích thích khác. Người vợ phải đảm bảo đủ dinh dưỡng để có thể nuôi thai nhi. Vì thế họ cần được bác sĩ tư vấn bổ sung sắt, axit folic, chất xơ, protein… Việc bổ sung tốt nhất nên trước khi thụ thai ít nhất 3 tháng, đừng có bầu rồi mới bổ sung.

Dinh dưỡng cũng rất quan trọng để tinh trùng tốt, nên người chồng cần bổ sung một số loại thực phẩm tốt như những thực phẩm giàu axit folic (ngũ cốc, rau có lá màu xanh đậm, rau cải, xúp lơ xanh, rau muống và các loại quả như dưa hấu, bơ,…), hay các đồ ăn có nhiều kali (quả chuối, thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, bưởi…), các loại thực phẩm có hàm lưỡng kẽm phong phú (hàu, hải sản, trứng…).

3. Tiêm phòng cho mẹ

Bạn nên xét nghiệm và tiêm phòng viên gan B, Rubella, cúm, HPV trước khi có thai. Tiêm Rubella tốt nhất trước khi có thai 3-4 tháng. Với mũi tiêm cúm là 2 tháng trước khi có thai và không được tiêm các mũi liền nhau. Trước 2 tháng mang thai, bạn cũng nên tẩy giun cho mình và gia đình nếu bạn đã làm việc này cách đó một năm.

Để “hạt giống nẩy mầm”

Quan hệ càng gần thời điểm rụng trứng thì cơ hội thụ thai càng cao. Thông thường, trứng chỉ có thể tồn tại trong vòng 12-24 tiếng, nhưng tinh trùng có khả năng tồn tại được trong cơ thể phụ nữ từ vài giờ đến 7 ngày (tinh trùng khỏe trong 3 ngày đầu).

Vì vậy, để khả năng thụ thai đạt cao nhất, vợ chồng bạn hãy lên kế hoạch quan hệ sao cho đúng thời điểm rụng trứng và vào lúc có nhiều tinh trùng khỏe mạnh. Điều quan trọng nhất là phụ nữ cần biết là phải nắm rõ chu kỳ kinh nguyệt của mình và thời điểm có khả năng rụng trứng cao nhất. Nếu bạn có chu kỳ không đều có thể dùng các phương pháp theo dõi rụng trứng như soi trứng ở cơ sở y tế, dùng máy đo ngày rụng trứng…

Thanh Hà

(Bài có tư vấn của BS. Nguyễn Thanh Dung

Phòng khám ĐK Toàn Khánh, Tây Hồ, Hà Nội)

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/chuan-bi-mang-thai-chuyen-cua-ca-hai-nguoi-18822/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY