Là một tổn thương phổi nặng do nhiều nguyên nhân, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển
Là một tổn thương phổi nặng do nhiều nguyên nhân, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển – ARDS (acute respiratory distress syndrome) là một trong những nguyên nhân Tu vong hàng đầu ở những bệnh nhân suy hô hấp và là một thách thức đối với thầy Thuốc hồi sức cấp cứu.
Về mặt sinh bệnh học, tổn thương cơ bản trong ARDS là do thương tổn nặng nề của màng ngăn cách giữa phế nang và mao mạch phổi (màng phế nang - mao mạch). Các thương tổn có thể bắt đầu từ phế nang, từ mao mạch hay đồng thời cả hai nhưng cho dù chúng bắt đầu từ đâu thì cũng đều gây một phản ứng viêm tại chỗ rất mạnh dẫn đến những thương tổn nặng nề của phổi như phù nề, xuất huyết, viêm xẹp các phế nang, tắc nghẽn các vi mạch máu, tăng sản, dị sản các tế bào hạt tăng nhanh số lượng các tế bào xơ tại vách phế nang và hậu quả cuối cùng có thể là xơ phổi, cứng phổi… rất nặng trên lâm sàng.
Cho đến nay, mặc dù đã có các phương tiện chẩn đoán và điều trị hiện đại, tỷ lệ Tu vong của ARDS vẫn còn có thể lên tới 90% và thậm chí cao hơn nếu có bội nhiễm phổi kèm theo.
Hội chứng suy hô hấp tiến triển, do đâu?
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến ARDS. Vấn đề là ở chỗ: với cùng một nguyên nhân thì ở người này lại bị ARDS mà người khác thì không. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng thống kê một số yếu tố nguy cơ cao có thể gây tổn thương phổi cấp như sặc dịch dạ dày vào phổi (hay gặp ở những bệnh nhân hôn mê sâu không tự bảo vệ được đường thở; bệnh nhân có rối loạn nuốt hoặc mất phản xạ ho sặc…); bệnh nhân bị các viêm nhiễm nặng ở phổi hoặc toàn thân như nhiễm khuẩn huyết gram âm, viêm phổi nặng do vi khuẩn, do virut cúm các loại, do virut sởi; bệnh nhân bị ngạt nước (do nước tràn vào các phế nang đã “rửa” sạch lớp surfactant và làm tổn thương trực tiếp lớp màng phế nang - mao mạch); bệnh nhân hít phải khí độc như nitrogen dioxide, ammonia chlorma…; bệnh nhân hít phải xăng dầu, bệnh nhân bị chấn thương đụng dập phổi hoặc gãy nhiều xương dài và một số nguyên nhân khác nữa như viêm tụy cấp, truyền máu cấp cứu nhiều, hội chứng đông máu nội mạch rải rác…
Bệnh tiến triển từ nhẹ đến nặng
Khởi đầu, bệnh nhân có các biểu hiện của suy hô hấp nhẹ và kín đáo như thở nhanh, cảm giác tức ngực, chẹn ngực, mạch nhanh, huyết áp có thể hơi tăng. Làm xét nghiệm các chất khí trong máu thấy phân áp CO2 giảm và chụp XQ cho hình ảnh của tổn thương phổi kẽ không rõ rệt. Tới giai đoạn sau, bệnh nhân khó thở nhiều, tím môi, đầu chi, mạch nhanh, nghe phổi có nhiều ran ẩm hai bên. Phân áp CO2 và oxy máu đều giảm nặng, chụp XQ phổi có hình ảnh thâm nhiễm hình cánh bướm hai bên. Suy hô hấp sẽ tiến triển nặng lên và bệnh nhân sẽ Tu vong rất nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Chẩn đoán ARDS dựa vào các biểu hiện lâm sàng, khí máu động mạch, hình ảnh chụp XQ phổi, áp lực mao mạch phổi bít bằng hoặc dưới 18mmHg cùng với các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ được phát hiện kèm theo.
Điều trị thế nào?
Điều trị ARDS hàng đầu là nâng cao lượng oxy bão hòa trong máu bằng mọi phương pháp. Nếu nhẹ, bệnh nhân sẽ được cho thở oxy mũi hoặc qua mặt nạ. Nặng hơn có thể phải thở máy qua mặt nạ và sau đó, nếu không đáp ứng sẽ phải đặt ống nội khí quản, thông khí nhân tạo theo đúng qui trình. Hiện nay, phương pháp đưa oxy vào máu qua màng ngoài cơ thể - ECMO (extracorporeal membrane oxygenation), hiểu một cách đơn giản là phổi nhân tạo, cũng bắt đầu được áp dụng để điều trị những trường hợp bệnh nhân ARDS nặng. Bên cạnh đó, các phương pháp hồi sức tích cực như cân bằng nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan, nuôi dưỡng, chăm sóc hô hấp, cho kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn… cũng như điều trị loại bỏ các yếu tố nguy cơ cũng hết sức quan trọng trong việc điều trị bệnh nhân ARDS.
Tiên lượng của bệnh nhân ARDS thường hết sức tồi với đại đa số các ca Tu vong trong vòng 1-2 tuần đầu của bệnh. Có khoảng 20 - 50% trường hợp qua khỏi nhưng hầu hết phải nằm viện kéo dài và chi phí điều trị tốn kém. Ở trẻ em, phần lớn các trường hợp ARDS có nguyên nhân do nhiễm virut như sởi, cúm, viêm phổi và do sức đề kháng yếu nên nguy cơ Tu vong rất cao.
TS.BS. Vũ Đức Định
Hội chứng ARDS được Ashbaugh và cộng sự mô tả lần đầu tiên vào năm 1967. Giai đoạn này do chưa có một định nghĩa thống nhất nên còn dẫn đến nhiều tranh cãi về tỷ lệ mắc cũng như phần trăm số bệnh nhân Tu vong. Năm 1988, một khái niệm về hội chứng này được mở rộng hơn, trong đó xác định các dấu hiệu chủ yếu là suy hô hấp. Cho tới năm 1994, định nghĩa thống nhất về hội chứng ARDS đã được Ủy ban hội nghị liên hợp Âu – Mỹ đưa ra với hai điểm thuận lợi: trong ARDS, tổn thương nặng nề của phế nang là chủ yếu và định nghĩa này đơn giản, dễ áp dụng.
Tần suất bệnh nhân ARDS thì chưa được thống kê chính xác nhưng theo nghiên cứu tại Mỹ, con số này vào khoảng 75 ca trên 100.000 dân/năm. Tuy nhiên, một số báo cáo tại các khu vực khác lại cho con số thấp hơn.