12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Chứng hay quên ở người trẻ có cần điều trị?

Nếu thỉnh thoảng quên thì “sự lãng quên tạm thời” chỉ là “gia vị” cho cuộc sống của bạn thêm hài hước. Nhưng sẽ phải cảnh giác khi vấp phải quá nhiều lần khôi hài như thế.

90% trong số những người trẻ Việt Nam phát hiện mình đãng trí nhưng không quan tâm tới việc tìm bác sĩ. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng bệnh lý thần kinh ở người trẻ gia tăng.

Những sự quên lãng xẹt

Đôi khi bạn rơi vào tình trạng gặp một người rất thân quen nhưng không thể gọi tên họ lên ngay lúc đó. Nhưng bạn vẫn đủ trấn tĩnh, nói chuyện vui vẻ để từ từ nhắc lại tên họ. Sự khéo léo đã giúp bạn che giấu việc lãng quên tạm thời này nên không khiến người kia nhận ra.

Còn tôi, tôi đã từng quên hẹn ăn tối với người yêu lúc 7h. Công việc quá bận rộn, tôi kết thúc ngày làm lúc 6h tối và chỉ muốn về nhà ngủ một giấc. Đang ngủ thì mới tỉnh giấc, nhoáng nhoàng nhớ ra cuộc hẹn… Không phải vì tôi bớt yêu anh (là chồng tôi bây giờ), không phải vì chán cuộc hẹn đó, tôi cứ tự day dứt “sao mình lại quên được nhỉ?”.

Ở công sở, bạn luôn được mọi người khen là giỏi giang trong công việc. Nhưng những người cùng văn phòng luôn thấy phiền bởi ngày nào, bạn cũng phải tìm tài liệu giấy tờ trong tủ đồ cá nhân, bạn muốn ra tủ lấy nước nhưng ra đến nơi bạn lắc đầu “không nhớ mình định ra lấy gì”. Hay có khi bạn cứ mải miết tìm cặp kính cận khiến người đối diện tưởng bạn đang diễn hài vì kính vẫn trên mắt bạn. Rồi có lần đi ăn nhà hàng, lúc về bạn lại đi bộ, phớt lờ chiếc xe máy của mình vẫn ở cửa hàng…

Gặp những lúc như thế, bạn biết rằng quên không là “độc quyền” của tuổi già. Theo phân tích của tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn (Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia) những chứng quên như trên ở người trẻ là hiện tượng mất trí nhớ tạm thời. Bởi thời điểm đó, trí não không tập trung, phân tán hoặc gặp sự kiện lâu ngày không nhắc lại. Hiện tượng này khác với bệnh sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi. Đây không phải hiện tượng mất trí nhớ hoàn toàn mà là sự thất bại trong tái lập thông tin ở bộ não. Còn sa sút trí tuệ ở người già là sự không lưu giữ được thông tin vào bộ não và kéo theo là sự chậm chạp, rối loạn nhận thức trong tất cả các hành vi. Đãng trí ở người trẻ là giây phút trí nhớ đi chơi, nên sẽ nhanh chóng quay lại. Còn sa sút trí tuệ ở người già là sự mất dần và khó phục hồi.

Thủ phạm gây đãng trí

- Làm việc thường xuyên nhưng công việc chỉ lặp đi lặp lại có thể khiến não chỉ ghi nhớ sâu sắc một vùng, còn những vùng khác bị “bỏ quên”.

- Cuộc sống bận rộn, áp lực lớn, stress thường xuyên cũng gây nên chứng sa sút trí nhớ, mất tập trung, não bộ quá mệt mỏi.

- Các tác nhân như thuốc lá, rượu… khiến cho trí nhớ ngày càng giảm.

- Những sang chấn tâm lý để lại hoặc giai đoạn khởi phát của bệnh tâm thần.

- Sau khi sử dụng thuốc ngủ.

Ảnh minh họa

Chứng hay quên có cần điều trị?

Theo bác sĩ Tuấn, chứng hay quên có thể xảy ra ở độ tuổi 12 vì thời điểm này, cơ thể bắt đầu có thay đổi về hormone. Tần số xuất hiện chứng quên ít thì chỉ là sự lãng quên tạm thời. Nhưng nếu tần số xuất hiện thường xuyên thì bạn nên đi khám bệnh vì có thể bạn đang mắc bệnh lý thần kinh (trầm cảm, rối loạn cảm xúc, stress...). Điều trị bệnh đãng trí giai đoạn sớm không khó chỉ cần uống thuốc tăng cường trí nhớ và biện pháp tâm lý hỗ trợ. Nhưng nếu để bệnh tiến triển thì có thể gây nên rối loạn tâm thần, trầm cảm nặng… và tất nhiên việc điều trị sẽ khó khăn hơn nhiều.

Ghi nhận tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia

Theo quan sát của chúng tôi, số bệnh nhân là người trẻ tuổi (20-35 tuổi) được điều trị tại đây ngày càng tăng. Điều đáng ngại là rất nhiều bệnh nhân vốn là những người bình thường, là cử nhân đại học xuất sắc, hăng hái lao động. Dấu hiệu ban đầu của họ cũng chỉ là thỉnh thoảng quên.

Như hồ sơ bệnh án của anh Phan Văn Mạnh, kỹ sư cơ khí (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã điều trị ở Viện sức khỏe Tâm thần Quốc gia có thể là một sự tham khảo cho những người trẻ hay quên. Khởi đầu anh thấy mình thỉnh thoảng quên đồ nghề, quên giờ đón con. Anh cho rằng mọi chuyện bình thường vì công việc quá bận, bạn bè rủ rê đi chơi nên lơ đãng. Nhưng càng ngày chứng quên càng tăng lên và có những sự quên nguy hiểm, ngớ ngẩn. Đó là, khi đang cắm sục điện vào bình nấu nước thì anh đưa ngón tay vào thử xem nước nóng chưa. Lần đó anh cứ mãi đập đầu than thở: “Sao mình là kỹ sư mà lại có lúc dở hơi thế nhỉ?”. Kèm theo đó, anh thường xuyên thấy đau đầu. Đến Viện Sức khỏe Tâm thần khám, anh mới biết chứng hay quên của anh không còn ở mức bình thường mà chính là giai đoạn khởi phát bệnh lý thần kinh. Sau năm tháng điều trị ngoại trú, vừa uống thuốc, vừa đi làm, bệnh tình không giảm, anh phải vào điều trị trực tiếp ở viện. Hơn một năm, anh vẫn chưa thể xuất viện. Một nguyên nhân quan trọng khiến phác đồ điều trị kéo dài là vì anh đã chủ quan ở giai đoạn đầu dẫn đến điều trị muộn.

Điều đáng lo ngại là có rất nhiều trường hợp giống như anh Mạnh đang điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia.

Một số biện pháp phòng tránh chứng hay quên

- Nghỉ ngơi thư giãn: Thiếu ngủ, stress là những nguyên nhân liên quan trực tiếp tới chứng hay quên. Bạn nên nghỉ ngơi, tập hít thở vào buổi sáng, ở những nơi có nhiều cây xanh để cung cấp thêm oxy cho não.

- Ngăn nắp khoa học: Ngăn nắp, ngọn ngàng để mọi thứ vào vị trí sẽ tránh tình trạng rối tung trí não khi cần tìm kiếm, làm việc. Mang giấy Note để ghi nhớ công việc, lịch hàng ngày.

- Không nên làm nhiều việc cùng một lúc sẽ làm giảm trí nhớ trong tất cả các công việc đó.

- Kiểm soát lượng cholesterol vì hàm lượng này lớn có thể ngăn cản máu lên não khiến sự minh mẫn giảm sút.

An Nhiên

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/chung-hay-quen-o-nguoi-tre-co-can-dieu-tri-22720/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY