Tình yêu và giới tính hôm nay

Chuyện cổ tích bên sông Ngàn Phố

Gần 50 năm nằm trên chiếc giường gỗ đơn sơ với đôi chân tật nguyền, bà Hà Thị Liên, người đàn bà nhỏ bé, nơi miền quê heo hút bên bờ sông Ngàn Phố đã viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Bà Hà Thị Liên trong ngôi nhà thân yêu của mình

Gần 50 năm qua, người dân xóm Thịnh Văn, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh vẫn không ngừng kể nhau nghe về bà cụ 70 tuổi chiến thắng số phận hẩm hiu và nuôi 2 người con ăn học thành người. Để rồi bây giờ, khi kinh tế gia đình bắt đầu ổn định, 2 người con yên bề gia thất, bà mới có chút thời gian rảnh rỗi nghỉ ngơi xem tivi, trò chuyện, cười và bảo rằng “Nhiều lúc tui nỏ hiểu tại răng mà mình lại có thể làm được như rứa. Nhưng rõ ràng, số phận đã không chiến thắng được lòng quyết tâm của con người…

Một mối tình chung

Trong câu chuyện cuộc đời, bà bảo rằng vẫn không tin được số phận ông trời giành cho mình lại quá nghiệt ngã. Sinh ra trong một gia đình với nghề đan lát gia truyền, tuổi thơ của bà trôi qua êm đềm như bao người con gái khác. Năm 1963 khi vừa tròn 20 tuổi, bà làm đơn xin đi làm kinh tế mới và được nhận vào làm công nhân tại Xí nghiệp khai thác quặng A-mi-ăng ở Hoà Bình.

Quá trình làm việc, tình yêu của bà chớm nở với một chàng trai miền biển Hà Tĩnh cùng cơ quan có tên Đinh Quang Sáu. Những tưởng lúc lên xe hoa cùng nhau xây dựng một cuộc sống hạnh phúc đã rất gần, thì ngày định mệnh thay đổi cuộc đời ập đến. Cuối mùa đông năm ấy, trên đường về thị xã Hoà Bình ăn tết thì một tai nạn đáng tiếc đã xảy ra, chiếc xe khách cũ kỹ đổ xuống suối và bản thân bà bị đá nhọn đâm gãy cột sống.

“Khi tỉnh dậy, tui nước mắt giàn dụa khi biết đôi chân mình đã không thể cử động được, dù đã chạy chữa hết tất cả các bệnh viện”. Bà cứ khóc mỗi khi nhớ lại sự kiện đáng buồn ấy: “Nghĩ ngày đó sao quá cơ cực, lắm khi tui muốn ngủ để quên đi cơn đau trong cả thể xác và tâm hồn nhưng không nổi, đã có lần tui định tự vẫn nhưng mọi người phát hiện và ngăn kịp, rồi cũng đến lúc tui biết rằng mình cần phải sống…”.

Sau tai nạn, hạnh phúc cũng mỉm cười với bà khi ông Sáu, với tình yêu thương vô bờ bến của mình đã bất chấp tất cả những lời dị nghị từ gia đình để cưới bà về làm vợ rồi ở rể. Từ đó một mình ông Sáu phải gồng ghánh tất cả để có thể nuôi được mẹ già và chăm sóc người vợ tàn tật. Lúc ấy làng Thịnh Văn chỉ có mỗi nghề làm miến. Sáng bảnh mắt người ta đã thấy ông vác hàng ra chợ, tối về hì hục tráng miến suốt đêm. Làng ai cũng thương nên người mua giúp vợ chồng bà một ít, người đến chỉ bí quyết làm miến sao cho ngon.

Từ lúc đến nhà bà ở rể, ông luôn quần quật làm hết tất cả mọi việc, đến sinh hoạt cá nhân của mình, bà cũng phải cậy nhờ bàn tay của chồng. Những lúc ấy, bà thấy lòng như muối xát, bao đêm trăn trở suy nghĩ tìm cách đỡ đần cho chồng. Rồi thời gian ông đi chợ, bà cố nhoài người lết ra bờ giếng cầm dao tập gọt vỏ, cán dong giúp chồng, lấm lem bùn đất với đôi tay bầm dập và tứa máu.

Có hôm ông đi chợ về chết sững người khi thấy cảnh tượng ấy, ông đã không cho bà làm. Nhưng thấy vợ cứ đòi làm, nên sau mỗi lần trước khi đi chợ, ông lại bê lò miến, chuẩn bị mọi thứ để bà nằm trên giường tập làm cho khuây khoả. Thế mà bà lại làm rất nhanh và được việc.

Thời gian bà có mang người con đầu lòng cũng là lúc hàng miến dong của ông ngày càng ế ẩm. Phải tồn tại trong khi cuộc sống ngày càng khó khăn, bà đã bảo ông quay trở lại với nghề đan lát gia truyền của nhà mình. Đã bỏ từ rất lâu, giờ trở lại làm trong khi bị tật nguyền là một việc hết sức khó khăn. Những lúc đầu, bà bị nứa đâm toét cả tay chảy máu, 2 bàn tay sưng vù nhưng “cứ mỗi lần nhìn con đói, chồng khổ thì tui lại không còn thấy đau đớn chi nữa chú à, mình phải sống”, bà kể.

Không biết bao nhiêu đêm cứ chờ con ngủ bà lại thức dậy tập luyện. Đôi tay ngày càng dẻo hơn, mỗi ngày bà đan được ít nhất 2 chiếc nong, bán ra cũng đủ tiền cơm gạo cho cả gia đình. Còn ông thì ngày ngày đưa con tới lớp học, sau đó về chẻ và vót nan cho bà, đi giao hàng và làm bất cứ công việc gì mọi người thuê, tuy vất vả nhưng gia đình cũng đã bắt đầu đủ ăn, đủ mặc.

Năm 1991, ông Sáu mất do nhồi máu cơ tim để lại người vợ tật nguyền cùng 2 đứa con thơ dại, tất cả khó khăn dồn hết lên người bà. Dân làng Thịnh Văn lại được thấy một sức sống mãnh liệt và nghị lực phi thường nơi người đàn bà lắm nỗi gian truân.

Nằm một chỗ nhưng bà đã quán xuyến tất cả mọi công việc. Hì hục đan bất kể ngày hay đêm, có lẽ đối với bà lúc ấy, khái niệm được ngủ quá đỗi mơ hồ. Mỗi tấm nong khi hoàn thành luôn thấm đẫm mồ hôi và những giọt nước mắt. Hình bóng chồng luôn ở trong tâm trí và tiếp thêm sức mạnh cho bà. Để rồi sản phẩm làm ra ngày càng nhiều và càng tinh xảo, khắp nơi nghe tiếng bà nên tìm đến tận nhà dặt hàng, cứ làm xong là hết vèo. Cứ thế, một mình bà nuôi 2 con ăn học nên người.

Bà hà Thị Liên đang đan nong

Trời cao có mắt

Trong 2 trận lụt lớn xảy ra năm 1989 và 2002, nhà cửa ngập nước, bà đã từng có những ngày tháng phải lênh đênh nằm một chỗ trên chiếc bè gỗ, nhịn đói từng bữa. Hết lũ, bà lại động viên 2 người con cố mà ăn học nên người, bảo ban nhau xây dựng cuộc sống: “cuộc đời tui mần răng mà khổ lắm chú à, nỏ biết tui đã từng khóc hết bao nhiêu nước mắt nhưng nó bắt tui phải sống, phải vượt qua tất cả…”.

Năm này qua năm khác bà vẫn cứ nằm trên một chiếc giường gỗ đơn sơ đấy để đan nong, không nhớ thời gian đã trôi qua bao lâu và mình đã làm được bao nhiêu tấm nong, nhưng 2 người con của bà thì từng ngày đã dần khôn lớn và lập gia đình.

Giờ đây, dù mái tóc tuy đã bạc trắng và sức cũng không còn nhưng bà vẫn cứ tiếp tục nằm đan: “giừ tui nỏ vất vả như xưa nữa mô chú à, nhưng tui vẫn làm, cố gắng mần được càng nhiều, đỡ đần cho con được chừng mô hay chừng đó, mà cũng vì hình bóng anh Sáu luôn đi bên cạnh tui nữa đó, anh nguồn động viên, là ý chí giúp tui vượt qua tất cả…”.

Bà tâm sự: “Ông trời đã 2 lần gieo tai hoạ lên cuộc đời tui nhưng cũng đã giúp tui bao nhiêu lần có ý chí vượt lên chiến thắng số phận. Chỉ nằm một chỗ nhưng suốt mấy chục năm tui đã đan lát kiếm sống, đến giờ cuộc sống cũng đã bắt đầu mỉm cười rồi, nghĩ lại tui không còn phải hối tiếc bất cứ một điều chi nữa cả?” Bà cười và lấy tay gạt đi hai dòng nước mắt.

Ngồi nghe bà kể mà tôi vẫn nghĩ rằng đó phải chăng là một chuyện cổ tích? Tính ra năm nay bà cũng đã 70 tuổi, gần 50 năm nằm một chỗ để chiến thắng bệnh tật, cũng chừng ấy năm bà nằm đan nên những tấm nong mặn chát mồ hôi và những giọt nước mắt, nuôi hai người con ăn học nên người, bên cạnh bà luôn có hình bóng người chồng, người con trai miền biển Hà Tĩnh với tấm lòng rộng lớn?... Chỉ biết rằng, câu chuyện ấy hoàn toàn có thực trong cuộc sống, được rất nhiều người dân làng Thịnh Văn kể cho nhau nghe với tấm lòng khâm phục và ánh mắt đầy ngưỡng mộ.

MH

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/chuyen-co-tich-ben-song-ngan-pho-16571/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY