Tình yêu và giới tính hôm nay

Chuyện của một người chạy thận - “Sống để trả nợ đời”

“Không ai có quyền lựa chọn giới tính, số phận khi sinh ra, nhưng mỗi người có quyền quyết định đường đi cho chính mình”.

Sách của thầy Nguyễn Ngọc Sơn

Năm 2009, những dòng nhật ký thể hiện niềm khao khát sống mãnh liệt, tình yêu thương gia đình, bè bạn nồng nàn trong tự truyện "Xin đừng khóc nữa mẹ ơi" và tập thơ “Không làm cơn gió thoảng qua” của thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Sơn ở xã Thanh Vinh, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ đã làm độc giả cả nước rơi nước mắt.

Nội dung hai cuốn sách là những câu chuyện cảm động về tình thương yêu của đứa con mắc căn bệnh hiểm nghèo và nghị lực phi thường của một người bệnh đang đứng trước lằn ranh giữa sự sống và cái chết.

Định mệnh oan nghiệt

Năm học lớp 10, Nguyễn Ngọc Sơn bắt đầu phát bệnh. Những đau đớn về thể xác, những ám ảnh về tinh thần đã không thể làm cùn nhụt ý chí của anh. Anh vẫn ôm ấp giấc mơ đại học nên luôn tuân thủ uống thuốc chữa trị theo chỉ định của bác sĩ. Nhưng dường như định mệnh vẫn muốn thử thách ý chí của anh nên khiến bệnh tình chẳng những không thuyên giảm mà còn có chiều hướng gia tăng.

Anh vẫn nhớ như in những ngày hè oi ả năm 1996. Khi đang dồn sức soi kinh nấu sử chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp đến thì Sơn nhận được thông báo đang mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối, anh thấy trời đất như quay cuồng. Nỗi đau khổ của một người biết trước án tử hình không thể nói hết nên lời và anh phải gậm nhắm nó ngày này qua ngày khác. Anh thấy mình hoàn toàn bất lực giống như một người bị tước đoạt hết tất cả, ước mơ sự nghiệp mà mình đã vun xới bấy lâu.

Đòn giáng chí tử của định mệnh không chỉ đánh trực tiếp vào anh mà nó còn công phá mạnh đến những người thân trong gia đình. Cha mẹ anh, chị em trong gia đình anh cũng đều suy sụp. Nhưng còn nước còn tát. Thương con trai, cha anh ngày ngày lóc cóc đạp xe khắp nơi để tìm cách chữa trị. Từ Tuyên Quang, Bắc Ninh đến Bắc Kạn, Lạng Sơn... hễ nghe tiếng thầy giỏi là ông đạp xe tìm đến bất chấp đó là ngày nắng hay mưa. Trong vòng 3 tháng, hơn 30 thầy lang đã được cha anh tìm đến, nhưng căn bệnh quái ác vẫn tiếp diễn, hành hạ anh trong những cơn co quắp... khiến anh ngày càng yếu.

Nhiều lần, nhìn thấy Sơn ngày càng yếu, mọi người khuyên anh không nên ngừng việc thi đại học mà ở nhà trị bệnh. Nhưng là người không thích nằm một chỗ nhìn thời gian trôi và gậm nhắm nỗi buồn nên anh vẫn học và học. Sự cố gắng của anh đã được đền đáp. Anh thi đỗ vào 2 trường đại học và chọn Đại học Sư phạm Hà Nội để gửi gắm ước mơ. Hành trang nhập trường của Sơn cũng thật khác người ngoài những cuốn sách quyển vở trong hành trang ấy còn kèm theo rất nhiều viên thuốc Đông, Tây y đủ cả.

Khi còn là sinh viên Sư phạm I Hà Nội, Khoa Sử, vì sợ bị mọi người thương cảm hay kỳ thị, Sơn đã giấu bè bạn và thầy cô để sắc thuốc uống. Một lần đang uống thuốc trong nhà vệ sinh, gặp một giáo sư chợt vào, Sơn nói dối là uống nước vối. Khi bè bạn và thày cô phát hiện Sơn mắc bệnh, mọi người càng thương và giúp đỡ. Từ đó, Sơn không còn tự ti về căn bệnh của mình nữa, mà dũng cảm đối mặt.

Thầy Nguyễn Ngọc Sơn

Khát khao sống qua từng trang viết

Bằng nghị lực phi thường, trong hoàn cảnh bệnh hiểm nghèo anh vẫn lấy được bằng tốt nghiệp của trường ĐHSP Hà Nội. Sau khi ra trường, nếu 5 năm là thời gian anh gắn bó cuộc đời mình với bục giảng ấm áp của Trường Cao đẳng Công nghiệp Quốc phòng Phú Thọ thì cũng bằng ấy thời gian anh không thể tách rời khỏi cỗ máy chạy thận lạnh lùng.

Mẹ Sơn, bà Đỗ Thị Loan nói trong nước mắt: "Lúc nào con tôi cũng thiếu thời gian, không còn thời gian để nghĩ đến bệnh tật nữa. Ngày đi làm và chữa bệnh, tối viết sách, trả lời thư từ của bạn bè cả nước. Nó hứa với tôi là sẽ không bao giờ khóc nữa. Nhìn con tự tin nói cười mà tôi không sao cầm được nước mắt".

Càng gần kề cái chết bao nhiêu Sơn càng hiểu được giá trị của cuộc sống. Từ nỗi tuyệt vọng tận cùng ấy, Nguyễn Ngọc Sơn đã tìm cho mình một lối đi. Thay vì sống trong đau khổ, tuyệt vọng, nuối tiếc cuộc đời và ngồi chờ thần chết đến gõ cửa, anh đã trở lại giảng đường dạy cho các em sinh viên, học sinh những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hơn mình.

Đồng thời, Nguyễn Ngọc Sơn lấy việc viết sách là nơi bày tỏ nỗi lòng và truyền đi những thông điệp về giá trị sống cho mọi người. Hai cuốn sách: "Xin đừng khóc nữa mẹ ơi" và “Không là gió thoảng qua” ra đời chính từ những năm tháng ấy.

Khi bắt tay vào viết sách, Nguyễn Ngọc Sơn chỉ đơn thuần xem đó là cách để anh bày tỏ nỗi khát khao được sống của mình, nên khi sách gây được tiếng vang anh rất bất ngờ. Và cũng nhờ hai cuốn sách trên mà Nguyễn Ngọc Sơn đã nhận được rất nhiều tin nhắn, thư từ của mọi người trên cả nước gửi về động viên, hia sẻ. Từ những em học sinh đến những bác cao tuổi đều dành cho anh những tình cảm đặc biệt, và đó cũng là lý do để anh tiếp tục chiến đấu với bệnh tật. Hiện nay, trung bình mỗi tuần 3-4 lần anh phải đến Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Phú Thọ để chạy thận.

“Đưa đò” để trả nợ đời

Ngày còn nhỏ, nghề “gõ đầu trẻ” không phải là mơ ước của Nguyễn Ngọc Sơn. Nhưng từ khi mang trọng bệnh, được nhận tình yêu thương của mọi người, rồi hàng ngày lên lớp tiếp xúc với các bạn trẻ, tất cả đã tạo thành chất xúc tác khiến Nguyễn Ngọc Sơn cảm thấy yêu và gắn bó với nghề này.

Trước những học trò gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn Nguyễn Ngọc Sơn luôn cố gắng làm sao những bài giảng của mình có một sức sống, chuyển tải tới các em một giá trị cuộc sống... Anh đã mở rất nhiều lớp học thêm, bồi dưỡng kiến thức cho những trẻ em nghèo không có điều kiện đi học, rồi lớp học ôn thi miễn phí môn lịch sử cho chính các em học sinh trong làng nơi anh sinh sống.

“Đó cũng là cách để trả ơn cuộc đời tươi đẹp đã cho mình còn sống đến ngày hôm nay, đồng thời đó cũng là cách để thấy mỗi ngày qua đi thêm nhiều ý nghĩa”, anh chia sẻ.

Giờ đây, những trang viết, những bài giảng của Nguyễn Ngọc Sơn không còn mang nặng nỗi đau, nước mắt và sự tuyệt vọng. Thay vào đó là những câu văn chứa đựng sự lạc quan và tin yêu cuộc sống. Những câu chuyện lịch sử, những bài học về tình yêu quê hương, đất nước, gia đình được chảy ra từ trái tim, khối óc của một con người mà sự sống chỉ tính tháng, tính ngày như Nguyễn Ngọc Sơn đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ.

- Tự truyện "Xin đừng khóc nữa mẹ ơi" của Nguyễn Ngọc Sơn đã bán được trên 10.000 bản.

- “Vào lần đầu tiên phải chạy thận, đó cũng là lần đầu tiên tôi mới thấy thời gian sao trôi đi nhanh quá. Có những điều tưởng như vô lý thì giờ đây tôi mới hiểu lại chẳng hề vô lý chút nào. Mỗi phút giây qua đi sự sống của tôi lại trôi dần về thế giới bên kia nhưng cũng mỗi phút giây ấy qua đi cùng với tiếng máy đều đặn thì cuộc sống của tôi lại kéo dài hơn, tử thần lại xa tôi hơn”.

Trích nhật ký “Mẹ ơi xin đừng khóc”.

Đông Thảo

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/chuyen-cua-mot-nguoi-chay-than--song-de-tra-no-doi-17103/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY