Chả hiểu các cụ nghĩ có thâm ý gì khi nói “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, mình thì thấy cứ như là hành xác. Bao nhiêu thứ phải chi tiêu, bao nhiêu thứ lễ lạt trên đời, đầy cặp vợ chồng bất hòa chỉ vì ba chuyện Tết nhất, quà cáp, trọng nội khinh ngoại… Mình thì sợ nhất là mỗi lần về quê chồng ăn Tết.
Vẫn biết, Tết là dịp để đoàn tụ gia đình, cháu con, dâu rể; mình thì cũng chả phải là tiểu thư lá ngọc cành vàng gì nhưng cứ nghĩ đến cảnh Tết ở quê là hãi. Đêm 29 Tết ngồi trông nồi bánh chưng sôi sùng sục, buồn ngủ díp cả mắt mà cứ phải cố chống hai mi mắt lên. Nồi bánh lại đặt ngoài trời, rét căm căm, chỉ biết hơ tay lên bếp cho khỏi đóng băng.
Ảnh minh họa |
Đã có thâm niên mấy năm ăn Tết ở quê nhưng mình vẫn chưa quen với cảnh tắm “tiên” trong cái phòng tắm nhìn thấy cả trời, cửa giả lỏng lẻo quây tạm từ tấm cót có cũng như không, gió lùa buốt tận xương. Khổ thân chồng lần nào vợ đi tắm cũng được kiêm chân vệ sỹ giữ cửa.
Nhưng vẫn chưa ám ảnh bằng những ngày nhà có cỗ bàn mừng năm mới hay mừng thọ các cụ trong họ. Bố mẹ, dâu con, anh em cứ gọi là xoay như chong chóng. Làm gà, nấu nướng, bê mâm, dọn rửa cả ngày, có khi chả có thời gian mà ngẩng mặt lên chứ đừng nói là chơi Tết với vui xuân.
Nếu như ở nhà thì mình sẽ huy động hết nhân lực trong nhà bất kể gái trai nhưng khổ nỗi lệ ở quê vốn thế, việc bếp núc là của phụ nữ. Chồng có thương vợ chạy ra chạy vào cũng phụ mấy việc loăng quăng, cắt tiết, chặt gà cũng đã là quý lắm rồi. Mà đâu được thuận tiện gì. Củi lửa, nồi than, xoong chảo lỉnh kỉnh đầy nhọ nồi ám khói đen, lui cui mãi mà vẫn lúc đỏ lúc tắt, thật nản không gì bằng.
Hết màn ăn uống lại quay sang màn sang nhà nhau chúc Tết. Đường quê lầy lội được dịp mưa phùn càng thêm trầy trượt, cả nhà tha lôi nhau đến nhà cô dì, chú bác, họ xa, họ gần (không hiểu sao nhiều anh em thế) cũng đã hết ngày.
Thành thử, chiều nay, khi chồng nhắc chuẩn bị đồ lề, dọn dẹp nhà cửa để ngày kia về quê ăn Tết, tự nhiên thấy giật mình, ngài ngại. Đứa bạn mình chưa có gia đình, ra thành phố làm việc, nó còn chẳng về quê ăn Tết (trong khi mình bố mẹ ở đây, sao lại phải đi đâu?).
Hỏi đưa bạn sao không về, nó bảo xa xôi, tốn kém, nhiều việc, bận trực. Nó bảo ở thành phố đi chợ hoa, lượn phố, chơi Tết, phởn chí thì vác ba lô du lịch chẳng phải vui hơn sao; một năm được mấy ngày nghỉ thì cứ nghỉ ngơi cho khỏe, dại gì.
Tự nhiên mình thấy thèm được như nó, ung dung, tự tại, muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm, không phải gánh một đống trách nhiệm và một núi nghĩa vụ như mình, không phải tất bật với các loại lễ lạt, cúng bái, Tết nhất này.
Nhưng cái câu cuối của nó lại khiến mình đắn đo: “Sung sướng gì đâu khi ăn Tết một mình xa quê, nói thật ra vì tôi quá dị ứng với mấy câu quen thuộc đại loại “bao giờ lấy chồng?”, “sao chưa lấy chồng?” của họ hàng, bạn bè; sợ cái nhìn đau đáu của bố mẹ như thể mình là một quả bom nguyên tử trong nhà; sợ mấy vụ mai mối của mấy bà dì, bà cô tốt bụng chỉ mong có ai đó rước cháu mình đi càng sớm càng tốt”. Hóa ra, đâu phải riêng mình, ai cũng có nỗi khổ riêng trong những ngày mà thiên hạ gọi là vui như… Tết.
Sau một hồi thao thao bất tuyệt về những nỗ lực của mình để mang về 3 vé tàu Tết cho cả nhà mà không thấy vợ phản ứng gì, chồng mới quay sang nhìn mình. Thấy mình có vẻ lưỡng lự, chồng động viên “mỗi năm mới có một lần gia đình đông đủ, gặp gỡ họ hàng…”. Mình cũng hiểu đây là dịp để gắn bó gia đình, để chứng tỏ vai trò dâu thảo cũng là dịp để mình trở thành con cháu trong nhà theo đúng nghĩa. Mệt một tí nhưng bù lại mẹ con, vợ chồng, anh em gần gũi nhau hơn, có gì đâu mà phải nề hà.
Với lại, con cái đi làm xa quanh năm suốt tháng, có ba ngày Tết cũng không về, các cụ ở quê đìu hiu vắng vẻ cũng buồn. Thì cũng cố vui vẻ. Lại chạnh lòng thương bố mẹ mình, Tết nhất chỉ có hai vợ chồng già thui thủi vào ra, được mỗi đứa con gái đi lấy chồng thì phải theo chồng. Thương cả cái thân mình nữa, từ ngày lấy chồng chưa năm nào được đón giao thừa cùng bố mẹ…
Lệ Giang
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: