“Việt Nam sẽ có thể không tránh khỏi tác động của sự sụt giảm nhu cầu trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng họ sẽ không rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế”, CNBC ngày 4/5 dẫn lời nhà kinh tế học Sian Fenner từ công ty tư vấn Oxford Economics (Anh) nhận định.
Theo CNBC, các hoạt động chống dịch sớm và các biện pháp cách ly xã hội đã giúp Việt Nam tránh được làn sóng lây nhiễm lớn. Ngoài ra, nhà kinh tế này cũng cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã và đang chuyển hướng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bình luận của chuyên gia Fenner được đưa ra sau khi Việt Nam bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội từ cuối tháng 4. Đầu tuần này, hàng triệu học sinh Việt Nam đã quay trở lại trường học sau 3 tháng. Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á đầu tiên thực hiện hoạt động nới lỏng.
Mặc dù có chung đường biên giới với Trung Quốc - nơi dịch bệnh khởi phát, Việt Nam hiện ghi nhận 271 ca Covid-19 và 0 người Tu vong. Trong gần 3 tuần qua, Việt Nam chưa ghi nhận thêm bất cứ một ca lây nhiễm cộng đồng nào.
Theo CNBC, thành công của Việt Nam là do các biện pháp quyết liệt đã được thực hiện tử sớm với những kinh nghiệm học được từ nỗ lực dập đại dịch SARS năm 2003.
Các nỗ lực hạn chế đi lại, hạn chế nhập cảnh, cách ly và truy vết mầm bệnh quyết liệt đã giúp Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh thành công cho tới lúc này.
Tổ chức Capital Economics (Anh) cũng nhấn mạnh rằng việc Việt Nam nới lỏng các lệnh giãn cách xã hội phản ánh sự tự tin nhất định của chính phủ về việc dịch đã được kiểm soát.
“Đó là một tin tức tốt lành cho nền kinh tế”, nhà kinh tế Gareth Leather của Capital Economics, cho hay.
Tuy nhiên, ông Leather cũng cảnh báo rằng việc gỡ các lệnh hạn chế không đồng nghĩa với việc rằng mọi thứ sẽ trở lại như bình thường ngay lập tức và nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do tình hình toàn cầu có xu hướng xấu đi vì dịch bệnh.
Chủ đề liên quan:
chống dịch chuyên chuyên gia có thể covid 19 kinh tế ngăn chặn suy thoái suy thoái kinh tế việt nam việt nam có virus corona