Bệnh truyền nhiễm hôm nay

Chuyện lạ ở Điện Biên: Cúng ma chữa... bệnh dại!

Người thân bị chó dại cắn nhưng nhiều gia đình không đưa nạn nhân đi tiêm phòng mà lại tổ chức cúng ma!
Đó là tình trạng khá phổ biến ở các tỉnh Tây Bắc và đã dẫn tới nhiều cái ch*t thương tâm. Gần đây nhất (tháng 8/2011) là cái ch*t đau lòng của chị Lò Thị Xương - vợ anh Lò Văn Pính ở bản Lĩnh (xã Mường Pồn, huyện điện biên, điện biên).

Đau, ốm chỉ biết cúng ma Qua cây cầu treo lắt lẻo nối ngang dòng suối Nậm Pồn, chúng tôi vào bản Lĩnh. Không khó khăn để tới được nhà anh Lò Văn Pính (47 tuổi), bởi câu chuyện về cái ch*t do chó dại cắn của chị Lò Thị Xương (38 tuổi) thì ai cũng biết. Chị Lò Thị Thanh - người dân ở bản, nói: "Nhà nó đó, các anh vào là gặp Pính thôi. Từ ngày vợ nó ch*t, nó chẳng chịu ra ngoài đâu, cứ ở trong nhà thôi".

Căn nhà sàn rộng rãi nhưng hoang vắng, lạnh lẽo, không khí tang thương vẫn còn nguyên vẹn. Anh Pính đang ngồi bên cửa sổ với khuôn mặt hốc hác, ánh mắt đượm buồn. Anh kể, trước ngày mất của chị chừng một tháng, con chó của gia đình bỗng dưng bỏ nhà đi, vợ chồng anh phải đi tìm. Thấy chó, chị Xương mừng rỡ bế nó về nhà. Đi được một quãng thì con chó vùng vằng rồi bất ngờ đớp chủ, để lại vết xước trên tay trái chị Xương. Sau 2 ngày, sợ con chó lại bỏ đi nên anh chị quyết định làm thịt. Vết thương do chó cắn trên tay trái chị Xương sau đó có biểu hiện sưng tím, bản thân chị luôn thấy mệt mỏi. Nghi ngờ việc vợ mình ốm, vết thương không lành là do "con ma rừng" theo vợ về bản trong những lần đi nương, anh Pính đã mổ gà, bày biện cỗ lễ để "cúng ma", xua đuổi ác tà ra khỏi người vợ. Lễ cúng ma với cỗ lễ thịnh soạn, đầy đủ nghi thức tập tục bản địa xong xuôi, anh yên tâm là "con ma rừng" sẽ không ám vợ nữa nên không đưa chị đi khám, chữa bệnh... Thế nhưng, mang mầm bệnh dại trong người, tình trạng sức khoẻ của chị Xương ngày một yếu, vết thương trên tay có phần tím tái hơn. Lúc đó, anh Pính mới đưa vợ lên Trạm Y tế xã Mường Pồn, rồi đến Bệnh viện Trung tâm TP.điện biên cứu chữa, nhưng không kịp...

Bài học cảnh tỉnh

Sau cái ch*t trong vật vã, quằn quại của chị Xương, người dân Mường Pồn đã rút ra được bài học đau lòng: Không thể cúng ma để chữa bệnh! Chị Lò Thị Thanh bảo: "Không thể dựa vào cúng ma để chữa bệnh, mà chỉ có cán bộ y tế của Nhà nước mới cứu được mình thôi".

Anh Pính thì tâm sự trong tiếng nấc: Trước đây, dân bản vẫn hay cúng ma để trừ tà mỗi khi trong nhà có người đau, ốm. Nếu chẳng may người đó không qua khỏi thì chỉ nghĩ là số mình nó thế, con ma nó không tha cho. Nhưng nay tôi đã hiểu ra, nếu đừng tin vào con ma thì tôi không mất vợ, 2 đứa con tôi không bơ vơ, thẫn thờ nhớ mẹ như bây giờ...

Theo Sở Y tế điện biên, dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh đã tái xuất, hướng diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã có 11 ca Tu vong do bị chó dại cắn, nâng tổng số ca Tu vong do bệnh dại tính từ khi bệnh dại xuất hiện trên địa bàn toàn tỉnh (6.2010) là 16 trường hợp. Để ngăn chặn, Chi cục Thú y tỉnh đã triển khai tiêm phòng bệnh dại cho trên 22.000 con chó, mèo trên địa bàn 9/9 huyện, thị, thành phố, tổ chức các điểm tiêm phòng dại cho người dân nghi bị chó dại cắn (tiêm phòng miễn phí cho các đối tượng nghèo). Bên trái nhà sàn, hai em Lò Văn Xuân (13 tuổi) và Lò Thị Hà (11 tuổi), con của chị Xương ngồi trầm tư dưới ánh nắng chiều nhàn nhạt, khuôn mặt đều vô hồn. Nén đau thương mất mẹ, các cháu vẫn tiếp tục đến trường nhưng cảm giác đơn côi luôn ám ảnh sau nỗi đau mất mát quá lớn.

Cô giáo Phạm Quế Anh - giáo viên Trường THCS Mường Pồn ái ngại: Kinh tế của gia đình Xuân, Hà chủ yếu dựa vào làm nương. Từ khi mẹ mất, các em trầm hẳn, học tập cũng sa sút. Nhà trường cũng sợ vì gánh nặng tài chính mà các em phải nghỉ học nên đã cố gắng huy động để giúp các em giải quyết một phần trong khả năng có thể... Theo anh Lò Văn Giót - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mường Pồn, trường hợp ch*t vì bệnh dại của chị Xương là trường hợp đầu tiên xảy ra trên địa bàn xã Mường Pồn. Sau cái ch*t của chị Xương, đã có 7 trường hợp bị chó cắn ở rải rác các bản trong xã đến khám và xin giấy giới thiệu để lên tuyến trên tiêm phòng bệnh dại. Nhờ vậy mà chưa thấy có trường hợp nào bị phát bệnh nữa. Theo Xuân Tiến - Dân Việt

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-chuyen-la-o-dien-bien-cung-ma-chua-benh-dai-10019.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY