Tình yêu và giới tính hôm nay

Chuyện “quên” của tuổi già

Ai dùng nhà tắm xong quên tắt vòi nước, cúp điện, vừa hỏi đã quên... thì đó là ông hoặc bà. Một vài bất thường này khiến đám trẻ “nghi oan” ông bà, bố mẹ không còn minh mẫn trong mọi chuyện.

Bi hài chuyện quên nhớ

“Con đã dặn mẹ là đừng cho chiếc áo này vô máy giặt, giờ hỏng rồi, bỏ chứ dùng sao được nữa”, cô con gái nói xong rồi bỏ cái áo xuống sàn nhà. Bà Trần Hoài Thu (Nhà Bè, Tp.HCM) xuýt xoa tiếc cái áo và tự trách mình “Thương con đi làm vất vả giặt đồ cho nó, giờ lại tại quên lời con mà làm hỏng...”. Bà không biết nói con thế nào.

Lại hôm trước, mấy đứa cháu về chơi, mẹ chúng hỏi: “Sao ai vô nhà tắm xong không tắt vòi nước vậy, đã nói xà bông tắm không được để dưới sàn ướt mà...”.

Chúng nhanh nhẩu: “Quên tắt vòi nước, quên cất bông tắm, quên tắt quạt... mấy chuyện đó thì chỉ có ông hoặc bà thôi, tụi con thì đâu dễ quên thế mừ”.

Ảnh minh họa

Đám trẻ ngây thơ nhưng bà chột dạ. Có bữa cơm, ông hỏi đi hỏi lại đứa cháu nhỏ một câu “Hôm nay ở trường, con được điểm mấy?”, nó chán trả lời, vờ không nghe thấy. Bà lại nhắc ông “Nó trả lời mấy lần rồi còn gì!”.

Đôi lần, con cái nói: “Ba mẹ phải đến bệnh viện thôi, ông bà chắc bị bệnh Alzeimer quá!”. Nghe mà bà thấy buồn, đó chưa phải là bệnh! Bà tự nhủ “mình già rồi”. Than vãn với mấy người bạn già, bà cũng thấy nhiều người giống mình, lắm lúc gia đình cũng thật buồn.

Bà Lân bên hàng xóm cũng kể lể: “Tuần trước con gọi về nói có khách. Tôi nghĩ sẽ làm bữa ăn thịnh soạn cho nó nên vội ra chợ mua đồ. Về nhà đã thấy nó và bạn đứng đợi, mở cửa vào, nước lênh láng trong nhà. Thì ra tôi quên khóa vòi nước lúc vo gạo. Nó chẳng nói gì, nhưng từ đó đến giờ chẳng thấy bàn gì với mẹ nữa. Có lúc nó định dặn mẹ gì đó nhưng lại tặc lưỡi "thôi, tốt nhất con tự làm”. Trong suy nghĩ, đôi lúc bà thấy như sống lại cảnh ngày trẻ mới đi làm, trưởng phòng không tin và ít giao việc, bà phải tìm mọi cách để sếp tin năng lực của mình. Không lẽ giờ bà lại làm thế với con?

Giải nỗi “nghi oan”

Quên là dấu hiệu sa sút trí tuệ khi tuổi đời chồng chất, là kết quả lão hóa não bộ. Quên cũng có nhiều dạng. Dạng nặng là bệnh lú lẫn mà y học hiện đại gọi là Alzeimer. Dạng nhẹ thì chỉ là đãng trí, thiếu minh mẫn, không nhớ được lâu. Trong trường hợp này, quên chỉ không đồng nghĩa với mất trí tuệ.

Chúng ta quên những việc nhỏ nhặt nhưng không quên những ký ức, kinh nghiệm sống. Con cái không hiểu hết điều này nên đôi khi vô tâm “vơ đũa cả nắm”, “nghi oan” cho tật quên của bố mẹ. Còn bố mẹ thì tủi thân, thậm chí ấm ức khi thấy con cái không tin vào những lời mình khuyên, lời mình hứa vì cho mình lẫn hết cả thôi.

“Mình chưa bao giờ quên bài tập toán của 30 năm trước ấy chứ, cách ứng xử với thiên hạ, họ hàng của chúng còn non nớt lắm, vậy mà chúng dám cho mình lẩm cẩm rồi, bỏ đi rồi”, bà Thu tâm sự.

Để tránh những bất thường xảy ra, chúng ta nên có thói quen hoạt động trí não, sợ quên thì nên ghi lại hoặc đánh dấu những việc cần làm tuần tự. Lúc thấy con nghi ngờ, không tin vào sự sáng suốt của mình nên thẳng thắn nói cho con hiểu về sự quên việc thường nhật của mình còn những việc lớn, kinh nghiệm sống không lẫn như các con nghĩ. Làm vậy để tránh ấm ức, tủi thân trong lòng và cũng để con cái hiểu hơn về “mức già” của mình.

Bình Nguyên

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/chuyen-quen-cua-tuoi-gia-21921/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY