Anh Khoa ơi! Tôi rất thích chuyên mục của anh. Rất muốn anh chia sẻ với tôi một chuyện rất khó nói này. Con trai tôi năm nay học lớp 5, năm cuối của tiểu học. Cháu học ở một trường thuộc loại trường “điểm”, ở trung tâm thành phố. Trường có tiếng là học sinh ngoan, chăm học, chủ yếu là con cái các gia đình công chức, bộ đội, công an. Cũng là trường năm nào cũng có nhiều học sinh giỏi, đi thi đoạt giải cao của thành phố. Gửi con vào đấy, các bố mẹ đều bảo nhau là yên tâm, không sợ con đua đòi. Mặc dù học sinh tiểu học thì hãy còn bé lắm nhưng thời buổi xã hội ồn ào nhốn nháo thế này cũng không biết đâu mà lần.
Trường cũng có lớp chọn. Bắt đầu từ lớp hai, mỗi năm trường lại “nhặt” học sinh giỏi từ các lớp thường vào lớp chọn, không phải lo “chạy chọt” gì, và các bạn ở lớp chọn mà học yếu thì lại bị loại ra. Con trai tôi cũng được vào lớp chọn từ năm lớp 3.
Cô giáo chủ nhiệm lớp rất nghiêm, nói một câu cứ gọi là học sinh nghe răm rắp, giờ học giờ chơi đâu ra đấy. Phụ huynh chiều chiều đón con ở cổng trường, nói chuyện với nhau, ai cũng bảo con được học lớp của cô đúng là yên tâm hẳn.
Phải nói thêm là tôi có hai đứa con, cậu trai lớp 5 là anh, còn em bé là gái, đang học lớp 2. Ở nhà hai anh em vẫn chành chọe nhau suốt ngày, có khi chỉ vì tranh giành đồ chơi. Câu cửa miệng mỗi ngày của tôi, khi hai anh em chành chọe là: “Con có biết làm anh không hả?”.
Tôi nói dài dòng như thế cốt để diễn đạt một điều rằng trong cái nhìn của tôi, trong suy nghĩ của tôi thì con tôi vẫn còn rất nhỏ, hoàn toàn là một đứa bé 11 tuổi với tất cả những “đặc thù” của trẻ con.
Nhưng một ngày, con tôi đã khiến tôi hoàn toàn bất ngờ. Ấy là tôi vô tình phát hiện ra con trai tôi đã có tài khoản facebook, khi tôi tìm facebook của trường con để tham khảo thông tin liên quan đến việc học hành thi cử. Con trai tôi dùng nick là tên thật của nó, nhưng ảnh đại diện (avatar) lại là một cô bé. Một cô bé xinh xắn, dễ thương, với đôi mắt rất thông minh và cặp má phính.
Tôi tò mò vào xem, nhận ra đúng là trang cá nhân của con trai mình thông qua các status (trạng thái) và comment (bình luận) của nó và các bạn. Tôi còn biết được cô bé trong tấm ảnh dùng làm avatar của nó được các bạn gọi là hot girl. Kinh ngạc hơn, theo như những gì công khai trên facebook của cậu con trai 11 tuổi của tôi thì hot girl đó chính là... bạn gái của nó.
Tôi hy vọng là mình nhầm, hy vọng là mình đang vào facebook của một cậu bé khác, nhưng càng xem thì càng nhận ra không phải mình nhầm, mà đúng là con trai tôi thật. Tệ hơn, bọn trẻ con (tức là con trai tôi và “bạn gái” nó) còn chẳng ngại ngần viết ra những dòng rất người lớn về nhau, với nhau. Nào là nhớ nhung, nào là lúc nào cũng nghĩ đến cậu, nào là muốn cầm tay cậu, nào là muốn ngửi mùi của cậu, nào là muốn được ngồi cạnh cậu...
Tôi ngồi nghệt ra trước màn hình máy tính đến hàng chục phút. Thực sự không biết nên nghĩ thế nào về điều này, càng không biết phải xử lý thế nào. Lâu nay, thỉnh thoảng nghe bạn bè nói về con cái của họ, có những cậu bé cô bé mới tiểu học đã thích bạn nọ bạn kia tôi chỉ phì cười, coi là chuyện vớ vẩn. Nhưng giờ thì câu chuyện đó đã “vận” vào đúng gia đình mình, con trai mình. Bây giờ nghĩ lại tôi mới thấy, đúng là thời gian gần đây con trai tôi có những đổi thay khiến tôi rất ngạc nhiên. Ví dụ, nó nhất thiết phải đóng cửa phòng khi thay quần áo, rất thích diện quần áo đẹp, rồi mỗi hôm trước khi đến trường lại phải ngắm vuốt chán với mái tóc. Thỉnh thoảng lại cười một mình, thỉnh thoảng mẹ lại bắt gặp quên cả học bài, nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ. Mà cửa sổ chung cư tầng 12 thì có cái gì mà nhìn chứ. Còn nữa, từ năm con học lớp 4, tôi cho con mượn chiếc máy tính để bàn, đặt trong phòng nó, cho nó tự học tin học ở nhà. Thỉnh thoảng có đề tập làm văn tả cây nọ, con kia mà con không có kiến thức thì mẹ bảo con tự lên mạng mà tìm thông tin, hình ảnh. Và rồi tôi đã “tóm” được con đang hí húi chat trên facebook, lúc đã 11 giờ đêm. Nội dung thì tôi không đọc được vì nó đã kịp đóng cửa sổ chat đánh bụp, nhưng tôi kịp nhìn ra giao diện. Đêm muộn rồi, tôi không mắng, chỉ nhắc nhở và nói rằng nếu còn tái phạm một lần nữa thì mẹ sẽ tịch thu máy tính.
Tôi thực sự cảm thấy bối rối. Tôi cũng cảm thấy rằng đây là một vấn đề phải được xử lý một cách khéo léo, cẩn trọng, tế nhị. Và về một khía cạnh nào đó thì con trai tôi đã bắt đầu lớn thật, có những nhu cầu về tình cảm thật. Nhưng tôi cũng không thể thoát ra khỏi ý nghĩ rằng con tôi mới chỉ là một đứa trẻ. Một đứa trẻ mà đến cả ăn, ngủ, vệ sinh mẹ vẫn còn phải lo.
Tôi chưa nói rằng hai vợ chồng tôi đã li dị. Chồng tôi đã có người vợ khác, có con, nghĩa là điều kiện để một ông bố gần gũi, tâm sự với con trai là gần như không thể.
Nhà chỉ có ba mẹ con, cứ nghĩ tới việc con mới học lớp 5 mà đã suốt ngày nghĩ tới “bạn gái” thì còn tâm trí đâu mà học hành là tôi lại sốt hết cả ruột. Càng nghĩ càng rối. Tôi phải bắt đầu từ đâu để giải quyết việc này như thế nào? Tôi muốn tìm đến anh, mong muốn ở anh một sự chia sẻ.
Cảm ơn chị đã tin tôi. Lẽ ra chuyện này, ta đã có thể trao đổi qua điện thoại hoặc qua email. Nhưng tôi biết có rất nhiều người có chung hoàn cảnh như chị, nên tôi đưa lên đây để ta trao đổi chung. Tôi đã đổi tên chị để chị khỏi phải bận lòng, vì chuyện riêng tư, sao lại mang ra bàn giữa thiên hạ. Đây là chuyện chung. Chuyện của thiên hạ thì mang ra thiên hạ bàn thôi.
Chuyện con chị, tôi thấy cũng không có gì đáng phải lo ngại. Thông thường trẻ em phát triển giới tính rất sớm. Không phải chỉ bây giờ, khi đời sống cởi mở, các cháu bị tác động bởi sách báo, phim ảnh và truyền thông, mà cách đây từ hơn nửa thế kỷ, khi đời sống còn khép kín bởi ảnh hưởng rất nặng nề của lễ giáo phong kiến, thi sĩ Hoàng Cầm vẫn có những mối tình khá sâu nặng khi ông mới ở lứa tuổi vị thành niên, đúng bằng lứa tuổi con chị bây giờ.
Ở trường hợp con chị, vẫn là tình cảm bạn bè trẻ con, dù có nhuốm chút màu đặc biệt, nhưng vẫn không phải tình yêu, không phải chuyện đôi lứa. Còn với ông hoàng thi sĩ thì đó là tình yêu thật sự. Một mối tình vừa khép vừa mở, rất oái oăm. Bởi người tình lại lớn tuổi, lớn gấp đôi tuổi ông mà ông gọi là chị.
“Người tình bà chị” ấy cứ mang mang trong tâm hồn ông, giúp ông có những khoảnh khắc thăng hoa, để lại cho chúng ta những bài thơ rất độc đáo và đặc sắc: Lá diêu bông, Vào vườn ổi, Cỗ bài Tam cúc. Nơm nớp trong ông là nỗi lo mất người yêu. Bởi mình không bao giờ có thể đến được với nàng, bởi mình vẫn là trẻ con, còn nàng thì sẽ phải lấy chồng. Ông chỉ muốn lưu giữ những khoảnh khắc hiện tại, hóa thạch thời hiện tại: “Em đừng lớn nữa, chị đừng đi...”.
Tôi là một người rất mô phạm. Chỉ bây giờ già khú ra rồi thì mới đùa. Tôi còn công khai trên kênh truyền thông, gọi bà chị nhà thơ rất nổi tiếng 76 tuổi, còn hơn nhiều ông anh cả của tôi là “bồ trẻ” và cô em đồng nghiệp mới trên ba mươi tuổi là “bồ già”. Rồi còn rất nhiều bồ nữa. Có lần, tôi còn gọi anh bạn cùng cơ quan vào, đóng chặt cửa lại rồi mới thầm thì. Rất nghiêm trọng: “Này anh thông báo với chú một tin rất kinh có liên quan đến chú. Khủng khiếp lắm. Nhưng chú phải bình tĩnh. Bình tĩnh”. Anh chàng mặt tái dại vì sợ. “Chú biết gì chưa? Vợ chú có bồ đấy”. “Sao bác biết?” - Anh bạn mặt tái nhợt. “Biết chứ. Mà rất lâu rồi. Bồ của vợ chú chính là... anh đây”. Anh chàng hoàn hồn, mừng cúa lên: “Ối giời! Tưởng thế nào... Bác làm em vinh dự quá. Cả nhà em, cả họ hàng em đội ơn bác. Bác đã làm một việc rất phúc đức!”. Có lần Tết, tôi nhắn tin: “Anh nhờ chú chuyển cho bồ yêu của anh là vợ chú một cái hôn thắm nồng”. “Ối, bác tự đi mà làm. Em không đủ dũng khí để làm một cái việc kinh khủng như thế!”. Đấy, bây giờ già rồi, sắp xuống lỗ rồi lại “lăng loàn” thế đấy, chứ thời còn trẻ, ở cái tuổi đang yêu, tôi nghiêm trang như một ông chính ủy. Ông chính ủy mô phạm đến mức, không ít người còn nghi lão “ái nam, ái nữ”, vậy mà ở lứa tuổi con chị, lão cũng có một cô nàng Duynxine rất đặc biệt. Nàng hơi lác, nhưng rất xinh. Buổi học nào vắng nàng, tôi thấy chống chếnh, hẫng hụt lắm.
Tôi cũng đã có bao nhiêu thơ tặng cô nàng Duynxine bé hin của tôi từ hồi lớp 4, lớp 5, đúng ở lứa tuổi con chị: “Mắt em, ôi đẹp quá/ Nhìn được cả hai nơi/ Ngắm anh có mỗi mắt/ Một mắt liếc... Ông Giời”. “Chiều mưa, mình bước xuống đò/ Chỉ thương bạn đứng trên bờ nhìn theo/ Bờ lùi, dáng bạn xiêu xiêu/ Và chiều từ ấy thành chiều nhớ nhau”. “Con mắt trời nóng bỏng/ Rừng rực những ngôi sao/ Đêm đêm con mắt ấy/ Cháy bùng trên mặt ao/ Thẳm sâu con mắt đất/ Hun hút những giếng thơi/ Đêm đêm con mắt ấy/ Nói điều chi với trời...?”.
Bây giờ, “người trong mộng” ở lứa tuổi học trò của tôi đã là bà ngoại của bốn đứa cháu to lớn lộc khộc như đô vật, tôi mới tiết lộ bí mật nằm sau những câu thơ ấy. Bà lão rất bất ngờ: “Sao hồi ấy ông không nói thẳng với tôi?”. “Tôi nói có khi bà lại nghĩ tôi hâm hâm!”. “Không, nếu biết, tôi sẽ không bao giờ gặp lại ông nữa. Để trong ông, tôi vẫn mãi là một thiên thần, chứ không phải một con mụ phục phịch, mặt mũi nhăn nheo như quả trám khô!”.
Kể lại những chuyện dông dài ấy, để chị thấy rằng, con trai chị là một cậu bé bình thường, lành mạnh. Chị là mẹ cháu. Một bà mẹ tuyệt vời, vì rất quan tâm đến con, lo lắng cho con. Nhưng chị còn phải phấn đấu để trở thành một người bạn thân của cháu. Không phải bà mẹ nào cũng thành bạn thân của con.
Có nhiều bí mật riêng tư, các con có thể bộc lộ với bạn mà không bao giờ nói với bố mẹ. Khi chị là bạn thân của cháu, chị mới thực sự “gần” được cháu, mới có thể giúp cháu, định hướng cho cháu trong mọi lựa chọn và quyết định những phương án tối ưu nhất. Tất nhiên định hướng cũng phải rất khéo đấy. Định hướng mà như không định hướng. Thế mới chuẩn.