Men theo con đường nhỏ dưới chân cầu Long Biên, chúng tôi tìm tới xóm Phao, phường Ngọc Thụy (Long Biên - Hà Nội) để hỏi thăm vào "túp lều lý tưởng" của ông Nguyễn Văn Hải (SN 1959) và bà Đinh Thị Mai (SN 1954).
Túp lều chỉ rộng chưa đến 10 m2 của ông bà nằm ẩn mình sau những bụi chuối rậm rạp, khi chúng tôi đến cũng là lúc ông Hải đi làm thuê về. "Tôi vừa đi chặt cây cho người ta về, còn bà nhà tôi cả tuần nay sang bên nội thành để gọt củ mài thuê kiếm thêm đồng rau đồng cháo, phải tối bà ấy mới về cơ", ông Hải nói.
Ông Nguyễn Văn Hải
Theo ông Hải, xóm Phao còn được biết đến với cái tên khác gọi là xóm ngụ cư ở bãi giữa sông Hồng. Tại đây mỗi gia đình là một câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau. Vì cuộc sống nên phải xa quê, "trôi nổi" lên Hà Nội làm đủ các thứ nghề để mưu sinh.
Khi hỏi về chuyện "nhặt" được vợ, ông hải cười hóm hỉnh: "gớm! nào đã biết ai nhặt ai, bà nhà tôi nặng lắm, đến bế còn không được thì nói gì đến nhặt. nói vậy chứ, ở xóm còn có 4 - 5 đôi bạn già khác vui mừng vì 'nhặt' được nhau không chỉ riêng vợ chồng tôi đâu".
Ông Hải đã ở xóm Phao 20 năm nay
Cuộc sống thấm thoát trôi qua, do hoàn cảnh nghèo túng khiến ông hải chưa bao giờ nghĩ đến chuyện vợ con. mãi cho đến khi tuổi đã ngoài ngũ tuần, thấy cảnh già cô quạnh, một số người trong xóm thương tình nên có ý định mai mối cho ông hải.
"Lúc đầu tôi nghĩ thân mình lo không nổi thì sao dám ước mơ về một tổ ấm của riêng mình chứ, do đó khi được mọi người giới thiệu cho một đám tôi đã từ chối", ông Hải tâm sự.
Ông Hải và bà Mai quyết định dọn về sống chung cùng nhau để an ủi tuổi già.
Ông Hải kể tiếp: "Hồi đó tôi với bà ấy cùng làm nghề nhặt ve chai, có hôm đêm muộn mới về. Nhưng chẳng ai bảo ai, cứ về đến chân cầu Long Biên là lại đứng lại chờ nhau rồi cùng về vì đường vào xóm tối tăm, lại đi qua nghĩa địa, nghiện ngập hồi đó cũng nhiều lắm.
Túp lều của ông bà rộng chưa đến 10 mét vuông.
Lâu dần chúng tôi phát sinh tình cảm, nhiều lần tôi định ngỏ lời với bà ấy nhưng lại ngại, phần cũng vì lo con của bà ấy phản đối. thật may, các con sau khi biết chuyện đã động viên hai ông bà về với nhau để bầu bạn lúc tuổi già".
Cuối năm 2017, ông Hải và bà Mai đã làm vài mâm cơm để mời người thân, bạn bè trong xóm tới dự ngày vui. Từ hôm đó, ông Hải đã dọn hẳn sang túp lều phao của bà Mai để chung sống.
Mỗi lúc rảnh ông Hải lại bế cháu đi chơi.
Ông Hải chỉ tay vào chiếc lán mới cho biết, một năm trước vì lo ngại mưa bão, tuổi già không thể ở dưới hồ nước chòng chành, nên ông bà đã nhờ người dựng cho túp lều khác trên bờ.
"Giờ đây, ngày ngày tôi và bà ấy đều đi làm thuê, khi rảnh thì trông cháu cho các con. Lúc đến với nhau chỉ còn lại tấm thân già, hết tuổi sinh đẻ, nên tôi coi con cháu riêng của vợ như con cháu ruột thịt của mình vậy", ông Hải tâm sự.
Dân Trí