12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Có nên đổ xô đi mua bình oxy và máy tạo oxy trong cuộc chiến với Covid-19?

Làn sóng Covid-19 mới đã và đang đẩy hệ thống y tế của Ấn Độ và Indonesia đến bờ vực sụp đổ. Nhu cầu ôxy tăng nhanh chóng đang gây áp lực lên nhiều hệ thống y tế. Nhiều người dân phải vất vả tìm kiếm khắp nơi với hy vọng mua được oxy cứu người thân mắc bệnh của mình.

Cơn sốt oxy từ bình oxy đến máy tạo oxy đã bắt đầu nhen nhóm ở Việt Nam, nhất là tại TP.HCM khi số ca nhiễm tại đây đứng đầu cả nước và tăng chóng mặt từng ngày.

Tuy nhiên, chúng ta có nên đổ xô chạy đi mua bình oxy, máy tạo oxy không vẫn là vấn đề khiến nhiều người băn khoăn.

Cơn sốt oxy nhen nhóm ở Việt Nam, nhất là ở TP.HCM

Trước việc số ca mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh liên tục tăng cao cùng với thông tin ngành y tế sẽ cho F0 được cách ly tại nhà, nhiều người dân TP.HCM đã đổ xô “săn lùng” máy tạo oxy y tế để có thể sử dụng tại nhà.

Nhiều người đổ xô săn lùng máy tạo oxy khi đại dịch Covid-19 căng thẳng - (Ảnh: Internet).

Theo lời giới thiệu của các đơn vị cung cấp máy tạo oxy y tế, tiến triển của bệnh nhân COVID-19 ban đầu từ chưa có triệu chứng sẽ dẫn đến khó thở tăng dần và cuối cùng là suy hô hấp. Trong giai đoạn khó thở, nếu có dưỡng khí oxy cung cấp sẽ giúp bệnh nhân cải thiện sức khỏe và dự phòng tiến triển thành suy hô hấp. Đến giai đoạn suy hô hấp, oxy tươi càng trở nên quan trọng cho bệnh nhân khi kết hợp với máy thở để cấp cứu bệnh nhân kịp thời.

Từ đây "cơn sốt oxy" đang bắt đầu dâng cao, nhất là tại khu vực TP.HCM. Điều này dẫn đến tình trạng nhu cầu vượt xa nguồn cung khiến giá mặt hàng này đẩy lên cao, gấp 2-3 lần so với 2 tuần trước đó.

Một máy tạo oxy “Made in China” có giá bán trước đây khoảng 8 triệu đồng thì tuần trước đã "đội" lên 11 triệu đồng và ngày 17/7 được niêm yết với giá 24 triệu đồng. Thậm chí, có máy đã tăng giá lên gấp 4 lần so với giá ban đầu nhưng cũng không còn hàng và đều phải đợi 7 – 10 ngày mới có hàng sau khi đặt cọc.

Thậm chí, nhiều đại lý lớn chuyên cung cấp máy tại TP.HCM và Hà Nội đều báo cháy hàng.

Chưa kể, trên một số sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada…, các gian hàng cung cấp thiết bị y tế online cũng đều báo hết hàng và chỉ nhận đặt trước, thời gian đợi từ 10-15 ngày.

Nhìn lại cơn sốt oxy ở Ấn Độ và Indonesia đã diễn ra như thế nào?

Trở lại tỉnh hình tại Ấn Độ và Inddonessia hồi tháng 4- 5/2021, làn sóng Covid-19 mới đã đẩy hệ thống y tế của hai nước đến bờ vực sụp đổ. Nhiều người dân phải vất vả tìm kiếm khắp nơi với hy vọng mua được oxy cứu người thân mắc bệnh của mình.

Tại Ấn Độ, vào hồi đầu tháng 5/2021, trung bình mỗi ngày Ấn Độ ghi nhận hơn 3.300 người chết vì Covid-19 và lập kỷ lục hơn 3.600 trường hợp ngày 1/5.

Tình trạng thiếu ôxy tại các cơ sở y tế khiến nhiều bệnh nhân mất đi cơ hội được chữa trị. Người nhà của một số gia đình đau khổ đã gửi lời cầu xin oxy trên mạng xã hội. Một số người khác chộp lấy chiếc điện thoại và gọi điên cuồng cho các chính khách địa phương. Một vài người chạy nhanh xuống sảnh bệnh viện, tìm kiếm bác sĩ, y tá hay bất kỳ ai có thể giúp đỡ trong sự tuyệt vọng.

Nhưng không làm gì được. Không còn oxy nữa" - New York Times mô tả.

Trước đó, vào những ngày cuối tháng 4/2021, sau khi một bệnh viện ở thủ đô New Delhi bị hết oxy y tế, 12 người đã chết. Vào tuần trước đó, có 20 người cũng chết vì nguyên nhân tương tự. Ngày 3/5, có 4 bệnh nhân tại một bệnh viện ở bang Madhya Pradesh (miền trung Ấn Độ) qua đời, với lý do được người nhà đưa ra là hết oxy.

Bộ trưởng Y tế Ấn Độ cho biết nước này có lượng ôxy cần thiết nhưng gặp phải vấn đề trong khâu vận chuyển từ các nhà máy công nghiệp tới các bệnh viện.

Cũng theo các nhà chức trách nước này, tình hình càng trở nên tồi tệ khi người dân đổ xô đi mua ôxy để tích trữ vì hoảng sự.

Tương tự, đất nước Indonesia cũng rơi vào cảnh khan hiếm oxy. Thủ đô Jakarta hiện là tâm dịch của Indonesia, chiếm khoảng 26% tổng số ca nhiễm toàn quốc. Tại đây, oxy trở thành một loại hàng hóa ngày càng quý hiếm, theo Đài Al Jazeera.

Đầu tháng 7, Hãng tin Reuters thậm chí mô tả cảnh tượng tại các bệnh viện Indonesia đang tương tự với Ấn Độ hai tháng trước đó, khi hành lang các bệnh viện đông nghẹt bệnh nhân COVID-19 và các gia đình điên cuồng tìm oxy cho người thân.

Trong nhiều tuần liền, Jakarta đã chứng kiến cuộc chiến săn tìm oxy y tế. Thậm chí, mạng sống của bệnh nhân Covid-19 phụ thuộc vào việc người thân của họ có đến được đúng cửa hàng vào đúng thời điểm hay không.

Chưa kể, khi mua được bình oxy, việc bơm đầy nó lại là một cuộc chiến mới.

Theo số liệu chính thức mà chính phủ Indonesia đưa ra, hơn 66.000 người đã thiệt mạng vì dịch Covid-19. Về tình hình đáng tiếc này, Tiến sĩ Siti Nadia Tarmizi từ Bộ Y tế Indonesia cho biết, do Bộ Y tế đã không có kịch bản ứng phó kịp thời trước số ca mắc tăng vọt.

Trước tình trạng hết oxy y tế, Chính phủ Indonesia đang tìm kiếm các nguồn cung khẩn cấp từ những nước khác, gồm Singapore và Trung Quốc. Indonesia lên kế hoạch mua 36.000 tấn oxy và 10.000 máy tạo oxy từ Singapore.

Bình oxy có tác dụng thật không?

Trong làn sóng dịch Covid- 19 lần thứ tư được ghi nhận từ ngày 27/4 đến nay, nước ta đã ghi nhận hơn 50 nghìn trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 tại nhiều tỉnh thành, trong đó TP.HCM hiện đang là địa phương có số trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 cao nhất với hơn 30 ngàn trường hợp bệnh nhân được ghi nhận.

Bình oxy y tế cũng được nhiều người tìm mua - (Ảnh: Internet).

Sự nguy hiểm của biến thể Delta cùng với số lượng ca mắc không ngừng gia tăng đã tạo nên áp lực rất lớn cho khối điều trị, cùng sự lo lắng từ người dân.

Trước tình hình này, nhiều trường hợp người dân tìm mua các thiết bị thở máy, thiết bị tạo oxy, tích trữ các bình khí oxy để “phòng” cho những tình huống tương lai dù các chuyên gia đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo.

Theo Ths.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, người dân không nên mua, tích trữ các bình khí oxy tại nhà vì chẳng những không thể sử dụng được mà còn tiềm ẩn mối nguy cháy nổ rất lớn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng khuyến cáo người dân không nên làm điều này, bởi "các bệnh nhân mắc COVID-19 cần được điều trị chuyên biệt và không đơn thuần điều trị tại nhà với oxy y tế".

"Các bệnh viện đảm bảo không thiếu oxy, máy thở trong điều trị COVID-19. Ngành y tế TP.HCM cũng đã dự trù các tình huống xấu để không bị động", ông Tăng Chí Thượng khẳng định.

Máy tạo oxy có hiệu quả không, được sử dụng trong trường hợp thế nào?

Một bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, máy tạo oxy là sản phẩm được sử dụng trong lĩnh vực y tế để hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh lý.

Máy được dùng cho trường hợp những bệnh nhân cần phải điều trị tăng cường oxy như: viêm phổi, hen suyễn, thiểu năng tuần hoàn não, tắc nghẽn phổi mãn tính; Người bệnh bệnh lý về tim, phổi, chức năng vận chuyển oxy của máu yếu; suy tim; tai biến, đột quỵ,... Nhưng không có tài liệu nào chứng minh có tác dụng hỗ trợ điều trị COVID-19

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng khuyến cáo người dân không nên đổ xô mua máy tạo oxy. PGS.TS Nhung khẳng định bệnh nhân mắc COVID-19 cần được điều trị chuyên biệt, không thể đơn thuần điều trị tại nhà với oxy y tế.

Bác sĩ Đặng Thanh Tuấn – Bệnh viện Nhi đồng 1, chuyên gia về máy thở, cũng cho biết việc người dân tự ý đi mua máy tạo oxy là không cần thiết. Bác sĩ Tuấn cho biết đôi khi bác sĩ mới ra trường còn chưa nắm được hết cách dùng máy tạo oxy. BS Tuấn khuyến cáo không nên tự mua dùng, máy tạo oxy phải do bác sĩ cài đặt.

"Nếu bị Covid-19 mà tự mua máy tạo oxy và dám thở oxy tại nhà thì tôi khâm phục" – BS Tuấn nói.

Như vậy, rõ ràng máy tạo oxy chỉ phù hợp cho người lớn tuổi và những người phải thở oxy mãn tính. Nếu đổ xô đi mua máy lọc oxy và về nhà sử dụng khi có triệu chứng khó thở sẽ rất dễ khiến dịch bệnh trầm trọng và lây lan rộng. Trong khi đó, việc khan hàng lại khiến người bệnh có nhu cầu thực tế về thở oxy khó mua hàng.

Hãy thực hiện 5k và tiêm vắc-xin khi có suất thay vì tìm đến dự pháp oxy?

Đó là khẳng định của PGS TS BS. Lê Minh Khôi - Bệnh viện đại học Y dược TPHCM.

Trên thực tế, chứng kiến cảnh thiếu oxy ở Ấn Độ, Indonesia và gầy đây là Myanmar nên nhiều người có tâm lý hoảng hốt và muốn phòng bị cho mình và gia đình các loại bình oxy, máy tạo ox, điều này là hoàn toàn dễ hiểu.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Khôi, đối với các bệnh nặng dẫn đến suy hô hấp nặng và tử vong thì bình oxy hoàn toàn không có tác dụng mà phải cần đến các biện pháp cao hơn như thở oxy lưu lượng cao qua mũi (HFNC), thở máy, ECMO. Những thủ thuật này phải được thực hiện ở bệnh viện,do thầy thuốc có tay nghề thực hiện.

Bác sĩ Lê Minh Khôi khẳng định, điều quan trọng nhất hiện tại để bảo vệ bản thân trước đại dịch Covid- 19 là tuyệt đối tuân thủ 5K và khi có suất thì tiêm ngay vắc-xin, không kén chọn chờ đợi một loại vắc xin nào đó. "Chờ đợi vắc-xin xịn là việc hiệu quả nhất để làm tăng nguy cơ. AstraZeneca, Pfizer-BioNtech, Moderna, Sputnik, Sinopharm, Nanocovax... nếu có loại nào thì tiêm ngay loại đó", bác sĩ Khôi nói.

Bác sĩ Khôi cũng nhấn mạnh: "Thực hiện nguyên tắc 5K giảm nguy cơ mắc bệnh. Vắc-xin giảm nguy cơ bệnh nặng, giảm tử vong".

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/co-nen-do-xo-di-mua-binh-oxy-va-may-tao-oxy-trong-cuoc-chien-voi-covid-19-31583/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY