“Lên cao” bằng cách giúp con cái của sếp được ngồi vào một vị trí tốt hay hối lộ bằng ăn chơi trác táng, T*nh d*c thì sẽ “thu hồi tài sản” dạng tham nhũng này bằng cách nào?
Đó là một trong những nội dung mà hội thảo “Thu hồi tài sản tham nhũng - Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” do Ban Nội chính trung ương tổ chức tại Hà Nội ngày 13-3 đặt ra.
Tài sản tham nhũng chỉ thu hồi 10%-20%
Trình bày tóm tắt báo cáo nghiên cứu, TS Vũ Thu Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Tổng hợp - Ban Nội chính trung ương (người phụ trách nhóm nghiên cứu), thừa nhận các quy định về thu hồi tài sản tham nhũng hiện hành đang bộc lộ nhiều hạn chế, như: chưa có quy định về trách nhiệm cụ thể của cơ quan thanh tra; thiếu quy định cụ thể để cơ quan thanh tra nhà nước thu hồi tài sản tham nhũng là đất đai, nhà cửa…
“Đáng nói là chưa có quy định buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân được đối tượng tham nhũng cho, tặng tài sản tham nhũng phải trả lại tài sản” - bà Hạnh nhận xét. Bà Hạnh cho biết năm 2013, tỉ lệ số tiền, tài sản tham nhũng thu hồi đạt được chưa đến 10%; năm 2014 đạt trên 22% - thấp hơn nhiều so với số tiền, tài sản thực tế bị tham nhũng.
Không chỉ vậy, báo cáo còn cho thấy cơ chế kiểm soát tài sản, kiểm soát thu nhập, quản lý các giao dịch lớn ở nước ta hiện nay còn khá lỏng lẻo; chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát tài sản, thu nhập của người dân nói chung và những người có chức vụ, quyền hạn. Trong khi đó, biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp, như quy định kê khai tài sản…
Theo bà Hạnh, ngoài việc đối tượng kê khai không đúng bị xử lý theo quy định của pháp luật, tài sản tăng lên phải bị tịch thu nộp vào ngân sách nhà nước. Cùng với đó, sớm hoàn thiện, ban hành đề án về kiểm soát thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn. Ngoài ra, Bộ Luật Hình sự cần sửa đổi theo hướng chú trọng đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng.
Đặc biệt, để ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản tham nhũng, báo cáo đề xuất ban hành quy định cấm cán bộ, đảng viên có chức vụ từ cấp vụ, cục trở lên gửi tiền, tài sản hoặc sở hữu tài sản ở nước ngoài. “Quy định này phòng ngừa khả năng đối tượng tham nhũng tạo dựng cơ sở kinh tế để trốn ra nước ngoài” - bà Hạnh giải thích.
Công chức không làm việc cũng là tham nhũng!
Không hoàn toàn đồng tình, GS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, nêu tình huống: Một quan chức muốn tiến thân đã
hối lộ cấp trên của mình bằng cách giúp con cái của người này có chức tước, được ngồi vào một vị trí nào đó không đúng theo trình tự, quy định. Một ông hoặc bà quan chức cỡ thứ trưởng, bộ trưởng không cần tới tiền bạc, tài sản nữa mà lại cần được ăn chơi trác táng,
T*nh d*c, sẵn sàng bố trí việc làm cho một cô gái và được đền đáp bằng điều mình mong muốn. “Nếu chỉ quy định “thu hồi tài sản” thì tham nhũng dạng này sẽ phải tiến hành thu hồi gì đây?” - ông Hạnh đặt vấn đề.
Ông Hạnh cũng cho rằng khái niệm “thu hồi tài sản tham nhũng” hiện nay chưa đúng và cần phù hợp với công ước quốc tế về chống tham nhũng cũng như hiến chương cộng đồng ASEAN.
GS Lê Hồng Hạnh đề xuất việc thu hồi tài sản tham nhũng phải được “định đoạt” trong các luật chuyên ngành về quan hệ quốc tế, đầu tư, đấu thầu - những lĩnh vực thường nảy sinh tham nhũng. Ông Hạnh phân tích: Để đột phá, không nên máy móc chờ tới khi có bản án thì mới tiến hành xử lý các quyền lợi của kẻ tham nhũng. Thực tế nhiều năm qua cho thấy có những vụ án tham nhũng loay hoay cả 10 năm vẫn xử chưa xong.
“Cứ xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm lại quay lại sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm… Chiến đấu với nạn tham nhũng mà làm như thế thì đất nước này bị tàn phá mất rồi” - ông Hạnh thẳng thắn.
Chứng minh cho đề xuất quyết liệt của mình, GS Lê Hồng Hạnh lấy ví dụ về trường hợp một vị tướng công an nghỉ hưu ở tỉnh Quảng Nam xây dựng biệt phủ trong rừng, gây bức xúc dư luận. “Rõ ràng, chưa cần tới bản án nhưng hành vi vi phạm pháp luật quá rõ ràng rồi thì chính quyền buộc phải tháo dỡ ngôi nhà. Những trường hợp thế này đâu cần bản án của tòa án?” - ông Hạnh nêu rõ.
Theo ông Hạnh, khi xem xét một trường hợp tham nhũng, cơ quan chức năng chỉ cần nhìn vào thu nhập và khối tài sản là đã có quyền đặt ra nghi vấn. Nếu đối tượng không chứng minh được nguồn gốc chính đáng của khối tài sản thì rõ ràng bất hợp pháp, vì vậy có thể thu hồi.
Trong khi đó, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, ông Đặng Quang Phương, thừa nhận tội phạm “ẩn” nhiều nhất hiện nay chính là tham nhũng, với muôn hình vạn trạng và rất khó phát hiện. Đáng ngại là rất khó xử lý hình sự nhưng hệ lụy của tội phạm này để lại là rất kinh khủng với khối tài sản khổng lồ của nhà nước bị thất thoát, chiếm dụng. “Thậm chí, con số 30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, đến cơ quan mà không làm việc cũng là một dạng tham nhũng” - ông Phương lo ngại.
Cần khởi kiện đòi lại tài sản tham nhũng
TS Phạm Quý Tỵ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho rằng đối với trường hợp đã khởi tố vụ án hình sự, sau đó bị can hoặc bị cáo ch*t, cơ quan tố tụng đình chỉ vụ án hình sự thì cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện dân sự để đòi lại tài sản mà người phạm tội tham nhũng đã chiếm đoạt. “Tôi ủng hộ dự thảo nghiên cứu đề xuất xử lý tài sản của người tham nhũng đã ch*t” - ông Tỵ bày tỏ.
Theo Người Lao động