Sức khỏe hôm nay

Colic - Hội chứng trẻ khóc nhiều

(SKGĐ) “Không khóc không phải trẻ con” nhưng sao có những đứa trẻ lại khóc nhiều một cách bất thường

Không ốm đau, chỉ khóc

Những người đã từng có con nhỏ, chắc hẳn nhiều lần lúng túng, khó chịu với những câu nói của người thân xung quanh (gần như là gắt gỏng hay chê bai) rằng: “Sao cứ để con quấy như vậy! Là mẹ mà không dỗ được con, bị làm sao thì nó mới khóc chứ,”, “Khóc mãi mà không nín, đúng là tính hư từ nhỏ”.

Tiếng khóc của trẻ vừa khiến cha mẹ vì xót con mà đâm ra tranh cãi hoặc ức chế tới mức trầm cảm, loạn thần. Chuyện trẻ sơ sinh khóc không lạ nhưng đặc biệt là có những trẻ khóc ròng rã, gần như “lúc nào cũng thấy khóc”, khóc triền miên từ ngày nay sang ngày khác. Người lớn thì không hiểu nổi con mình đang có vấn đề gì.

Trong quá trình khám chữa bệnh, chúng tôi đã gặp không ít trường hợp các bà, các mẹ bế trẻ đến khám chỉ vì bệnh… hay khóc. Khi ra về, bác sĩ không kê đơn mà chỉ dặn dò về cách chăm sóc khiến phụ huynh nghi ngại: Không phát hiện ra bệnh gì ạ?

Trong trường hợp này, trẻ không ốm, không đói bụng, không bị ướt ẩm, mệt mỏi, nóng nức hay cũng không bị lạnh, không sốt. Nhưng trẻ có thể quấy gắt, ôm chặt bụng, đạp chân, khóc thét đến mức tái xám khiến cha mẹ lo lắng và cảm giác như trẻ đang đau quặn bụng. Nhiều người dùng dầu xoa bụng, hô hoán người thân khác cùng đến dỗ hoặc để xem xét bé đau gì, đòi gì và cuối cùng là không hiệu quả.

Sự thực là trẻ không bị bệnh gì, y khoa gọi đây là “hội chứng colic”. Nó phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên cũng như chăm sóc, không phải do bệnh lý. Nguyên nhân cụ thể hiện vẫn chưa được xác định, tuy nhiên các chuyên gia y tế hướng về hai nguyên nhân cơ bản là: chế độ ăn của mẹ và thói quen ngủ của trẻ.

Một số thực phẩm như sôcôla, hành hoặc chất kích thích như thuốc lá, caffein mà người mẹ sử dụng có thể gây dị ứng cho trẻ khi người mẹ cho con bú. Thực phẩm này theo sữa gây kích thích lên não bộ trẻ. Còn tư thế, thời gian ngủ không tốt gây ra khó thở và làm các hormone như prostaglandin, progesteron tăng cao khiến bé thấy xa lạ, khó thích nghi với môi trường ngoài bụng mẹ.

Đừng “cuống” khi con colic

Khi con khóc, phần lớn cha mẹ không bình tĩnh dẫn đến chẩn đoán sai và “điều trị” không đúng cách (rung lắc cho bé thôi khóc, tưởng bé lạnh nên mặc thêm quần áo, tưởng bé có bệnh nên cho đi khám bệnh, uống thuốc…). Mới sinh, phải di chuyển xa, tiếp xúc với môi trường có nhiều người lạ có thể sẽ khiến bé khóc dữ dội hơn, cha mẹ lại càng hốt hoảng.

Để có thể phân biệt trẻ khóc do colic hay do bị đau, bạn có thể làm mọi cách để thu hút sự chú ý của bé (dùng đồ chơi nhiều màu sắc rung lắc trước mặt bé…). Nếu trẻ bị đau ốm, chúng sẽ không thể hết khóc khi bạn thu hút sự chú ý của chúng.

Bạn cũng có thể dựa vào một số đặc điểm điển hình khác như: Colic thường bắt đầu xuất hiện ở tuần thứ 2 đến tuần thứ 4 sau sinh và tăng dần đến 6-8 tuần tuổi; nhưng trước khi vào cơn khóc, trẻ vẫn bú và chơi bình thường. Tình trạng khóc của trẻ có dấu hiệu lặp lại và thường diễn ra trong cùng khoảng thời gian, từ 5-8 giờ tối. Khi colic, trẻ khóc đỏ mặt, nhăn nhó khó chịu và kéo dài khoảng 3 tiếng/ngày trở lên.

Khi không tự chẩn đoán được, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa để được thăm khám, kiểm tra bệnh lý. Nếu đã loại trừ các nguyên nhân thực thể (như bệnh đường ruột, dạ dày, dị ứng...), trẻ được coi là mắc hội chứng colic.

Dùng tình yêu thay thuốc

Mặc dù hội chứng này không gây đau đớn, nguy hiểm cho trẻ nhưng nó vẫn để lại hệ quả là làm cho trẻ khó bú và gây stress cho người chăm sóc trẻ. Để cắt cơn colic, cha mẹ không cần dùng thuốc mà phải kiên trì và chăm sóc đúng cách. Yếu tố quan trọng nhất để dỗ trẻ trong trường hợp này là tạo ra môi trường giống trong bụng mẹ. Vì vậy, bạn phải tỏ ra âu yếm, không quát mắng, gắt gỏng, hãy ôm trẻ vào lòng để chúng thấy cảm giác an tâm. Khi nựng nịu, hãy đặt bé sát vào vùng tim mình để trẻ nghe thấy nhịp tim đập vì trong bụng mẹ, trẻ thường xuyên nghe thấy nhịp tim của mẹ.

Hãy đu đưa hoặc hát ru để dỗ dành cho con ngủ. Bạn cũng có thể mở nhạc cho bé nghe, với âm lượng to ngang tiếng khóc của trẻ. Để trẻ ngủ ngon bạn nên quấn chăn hoặc tã mềm, quấn chặt sao cho cho hai tay xuôi theo thân, còn tay bé không thể cử động quá mức. Nhiều cha mẹ lo con bị bó chặt nên không dám quấn tã chặt cho bé. Thực chất lúc đầu có thể bé khóc to hơn vì bị “bó” nhưng rồi sẽ nín vì bé cảm giác như đang trong bụng mẹ, miễn sao bạn đừng thít bé đến lằn da, nghẹt thở.

Khi bế hãy nâng bé lên không trung nhẹ nhàng (bạn có thể rung lắc nhưng đừng quá mạnh tay, sẽ ảnh hưởng tới não bộ trẻ). Tốt nhất là bế trẻ ở tư thế nằm nghiêng một bên; nằm sấp dọc trên cánh tay của bạn hoặc ngả đầu trên tay bạn. Nếu để nằm ngửa, trẻ sẽ thấy chơi vơi sắp té ngã và càng khóc dữ dội. Tuy nhiên, khi đặt con ngủ ở giường thì cần cho bé nằm ngửa, tránh nằm sấp vì dễ gặp hiện tượng ngưng thở đột ngột. Khi trẻ thức thì cho ngậm ti giả cũng cắt được cơn colic.

Ths.BS. Nguyễn Bạch Đằng

Học viện Quân y

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/colic--hoi-chung-tre-khoc-nhieu-8908/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY