Sức khỏe hôm nay

Con bạn sẽ trở thành một người có ích cho xã hội nhờ vào cách cha mẹ dạy dỗ

Cách dạy trẻ sống tự lập và có trách nhiệm mà các bậc cha mẹ cần biết để áp dụng đối với con của mình, tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng mỗi một đứa trẻ sẽ có đặc điểm khác nhau. Vì vậy, cha mẹ phải thật hiểu con mình cần gì để áp dụng cho phù hợp.

Sự bao bọc, nuông chiều của các bậc cha mẹ sẽ tạo nên sản phẩm là những người con không có trách nhiệm, ỳ trệ hoặc có thể không biết lý tưởng sống của mình là gì. Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để có thể dạy trẻ sống tự lập và có trách nhiệm với chính bản thân mình.

1. Trách nhiệm trong lời nói và việc làm

Việc bồi dưỡng tinh thân trách nhiệm cho con trẻ hiện nay thường bị nhiều bậc phụ huynh lơ là, bố mẹ sẵn sàng đứng ra gánh vác trách nhiệm thay cho con khi trẻ gặp phải chuyện gì đó.

Tuy nhiên, bố mẹ không hề nhận thức được rằng: việc dạy trẻ có trách nhiệm cũng là dạy trẻ cách làm người, để trẻ trưởng thành hơn.

Dạy trẻ làm những việc vặt trong nhà phù hợp với lứa tuổi

Không ủng hộ trẻ mách lẻo: Khi xảy ra bất cứ chuyện gì, trẻ thường có thói quen đi mách lẻo với cha mẹ để cha mẹ giải quyết thay cho trẻ, thay vì hành động như vậy, cha mẹ hãy để cho trẻ tự suy nghĩ phương án giải quyết tình huống.

Tuy nhiên, đối với những người có hành vi nguy hiểm đối với trẻ thì cha mẹ cũng cần cân nhắc.

Dạy trẻ biết quan tâm, yêu thương người khác: Hãy khuyến khích trẻ quan tâm đến mọi người xung quanh như người già, hoặc những người có hoàn cảnh khó khăn, dạy trẻ cách chăm sóc người bị ốm.

Để trẻ làm những việc vặt trong gia đình: Cha mẹ cần phải nói rõ ràng cho trẻ hiểu trước khi yêu cầu trẻ làm việc gì, đồng thời cũng cần phải thật kiên nhẫn trong việc hướng dẫn trẻ, luôn động viên khích lệ trẻ.

2. Rèn luyện trách nhiệm thông qua quy tắc

Nói về các quy tắc: Cha mẹ hãy cho trẻ hiểu rằng: ở bất cứ nơi đâu cũng có các quy tắc riêng, và điều này sẽ giúp chúng ta sống tốt hơn từ đó khiến cho trẻ có thái độ coi trọng các quy tắc.

Bồi dưỡng kỹ năng quy tắc: Một số trẻ thường xuyên vi phạm các quy tắc mặc dù chúng có ý thức nhất định về các quy tắc, cha mẹ cần bồi dưỡng thêm cho trẻ khả năng tự giải quyết các vấn đề cũng như nâng cao kỹ năng sống cho trẻ.

Bồi dưỡng tinh thần kỷ luật: Cha mẹ nên đưa ra các quy tắc trong gia đình và yêu cầu mọi người cùng tuân thủ, bất kỳ ai vi phạm cũng sẽ phải chịu phạt chứ không phải chỉ riêng con trẻ, điều này sẽ khiến trẻ cảm nhận được tính nghiêm túc của các quy tắc.

Bồi dưỡng thói quen tuân thủ quy tắc: Mọi thành viên trong gia đình cần phải thật kiên trì thực hiện các quy tắc, một khi đã đưa ra quy tắc và áp dụng.

3. Dạy trẻ không nên bỏ cuộc, tiếp tục phấn đấu

Để có được thành công, sẽ phải trải qua nhiều thất bại. Cha mẹ nên xem xét kỹ nguyên nhân khi trẻ gặp thất bại trong một việc nào đó, đồng thời hãy khuyến khích, động viên trẻ tiếp tục cố gắng chứ đừng trách móc hay chê bai trẻ.

Để trẻ hiếu học và vui vẻ học tập, cha mẹ nên khơi gợi động lực nội tại của trẻ. Điều này sẽ giúp cho trẻ duy trì sự kiên trì, hứng thú học tập. Tuy nhiên, điều này sẽ mất đi khi cha mẹ áp đặt nguyện vọng của mình lên trẻ.

Tập cho trẻ đức tinh kiên trì, bền bỉ không bỏ cuộc trước những việc khó

Rèn luyện thói quen cho trẻ: Để trẻ có được sự kiên trì, thì cha mẹ phải yêu cầu trẻ làm đến cùng trong bất cứ việc gì.

Cho trẻ nếm trải vất vả: Những đứa trẻ sẽ thiếu nghị lực khi lớn lên trong sự bao bọc của cha mẹ, hãy để cho trẻ tự nếm thử vất vả như tự đạp xe đi học…

4. Dạy trẻ biết chia sẻ với người khác

Không nuông chiều con cái: Vì thương con nên nhiều bậc cha thường nhường hết những thứ gì ngon cho con, kể cả trẻ muốn chia sẻ cha mẹ cũng không muốn, lâu dần sẽ khiến cho trẻ có ý thức hưởng thụ và độc chiếm cho riêng mình trong tất cả mọi việc.

Không dành sự đặc biệt cho trẻ: Để ngăn chặn thói quen ích kỷ, cha mẹ nên tạo môi trường công bằng giữa các thành viên trong gia đình.

Cho trẻ nhận ra rằng chia sẻ không phải là mất đi mà là cùng có lợi. Ngay từ nhỏ, cha mẹ đã phải rèn luyện thói quen chia sẻ cho trẻ.

Cho trẻ có cơ hội thực tiễn: Cha mẹ cần dạy trẻ cách chia sẻ với mọi người trong mọi hoạt động hàng ngày.

5. Dạy trẻ thói quen không viện cớ bao biện lỗi lầm của mình

Để trẻ học cách tự chịu trách nhiệm: Để đạt được điều này, cha mẹ cần dạy trẻ không nên viện các lý do cho sự thất bại hoặc sai lầm của chính mình. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần cho phép trẻ phạm sai lầm để có cơ hội sửa sai.

Hãy để trẻ biết sai lầm của mình ở đâu

Ủng hộ, cổ vũ trẻ: Cha mẹ nên kịp thời khen ngợi và cổ vũ khi trẻ có biểu hiện tốt, và nên cho trẻ có cơ hôi gánh vác trách nhiệm khi trẻ phạm sai lầm.

Tránh mắng mỏ, trừng phạt trẻ quá nghiêm khắc: Trẻ rất dễ thu mình sợ hãi khi bị xử phạt, từ đó không dám đối mặt với trách nhiệm.

6. Giữ lời hứa với trẻ

Nói được phải làm được: Cần phải dạy trẻ trước khi hứa với ai đó thì cần phải xem xét rằng liệu mình có làm được hay không, và khi đã hứa thì phải làm bằng được, phải nói lời xin lỗi và nêu nguyên nhân nếu không làm được.

Đúng giờ và giữ chữ tín: Qua các hoạt động hàng ngày, cha mẹ cần rèn luyện cho con việc tuân thủ đúng giờ giấc và giữ chữ tín.

Sau khi nắm được cách dạy trẻ sống tự lập và có trách nhiệm, hy vọng các bậc cha mẹ đã có cho mình một cách riêng để dạy dỗ con của mình, để giúp chúng trở thành một người có ích cho xã hội trong tương lai.

Khuyên Vũ

Theo Tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/con-ban-se-tro-thanh-mot-nguoi-co-ich-cho-xa-hoi-nho-vao-cach-cha-me-day-do-26144/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY