Sức khỏe hôm nay

Con dùng internet sao cho an toàn?

Phần lớn cha mẹ chỉ sắm máy tính cho con mà không hề để ý rằng con mình dùng để làm những gì. Chính điều đó đã khiến cho mục đích mua máy tính để phục vụ học tập ban đầu càng ngày càng ít đi, thay vào đó là những thú vui giải trí trên internet như nghe nhạc, xem phim, chat chit….

Theo trang Missingkids (Mỹ) đã tiến hành một cuộc khảo sát đối với các bậc cha mẹ về vấn đề sử dụng internet của con cái, phần lớn trong số họ đều cho rằng đã thỏa thuận với con về mục đích và nguyên tắc dùng máy tính. Tuy nhiên một nửa trong số họ không bao giờ để ý và kiểm tra xem con mình làm những gì trên internet.

ThS. Trần Minh Trí (Đại học Nông lâm, Tp.HCM) nhận định: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sinh viên truy cập Internet càng nhiều, kết quả học tập càng kém”. Theo thông tin trên Tuổi trẻ, nghiên cứu đã chỉ ra cụ thể: sinh viên có học lực giỏi, xuất sắc có số giờ truy cập bình quân 17,6 giờ/tuần. Trong khi những sinh viên học yếu, kém có số giờ truy cập Internet bình quân đến 31,9 giờ/tuần”.

Trước khi cho trẻ sử dụng internet các bậc phụ huynh cần cho con biết 10 nguyên tắc an toàn sau:

1. Không bao giờ đưa thông tin cá nhân (như địa chỉ nhà, số điện thoại, tên trường học, tên cha mẹ…) lên internet. Nhiều trang web và một số các dịch vụ online thường yêu cầu trẻ em cung cấp thông tin để được tham gia vào một cuộc thi nào đó hoặc thử vận may với các phần thưởng hấp dẫn... 

2. Bé cần biết rằng không nên gửi địa chỉ nhà, số điện thoại hoặc đưa hình ảnh cá nhân lên trang web. Nếu có người muốn liên hệ, hãy cho họ địa chỉ email. Tuy nhiên, trẻ cũng cần biết rằng, một khi địa chỉ mail được đăng lên, trẻ có thể nhận được những tín nhắn hoặc thư nằm ngoài ý muốn, nếu chẳng may trong đó có nội dung xấu (như đồi truỵ, bạo lực, khiêu dâm…) thì phải lập tức thông báo với cha mẹ.

3. Luôn báo với cha mẹ trong những trường hợp trẻ bị quấy rầy bởi những trang web nội dung xấu hoặc khiến trẻ khó chịu. Phụ huynh có trách nhiệm liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ internet để nhận được sự hỗ trợ hay thậm chí là báo với các cơ quan chức năng nếu cần thiết.

4. Tuyệt đối không được đồng ý hẹn gặp bất kỳ người nào quen qua mạng mà chưa có sự cho phép của bố mẹ. Nếu đã rõ thông tin về người này, cha mẹ có thể sắp xếp cuộc hẹn cho trẻ ở nơi công cộng và có sự giám sát của mình.

5. Tránh vào những chatroom về giới tính, tình dục hay nói về các vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo. Cho dù có những cuộc trò chuyện có vẻ như dễ chịu và không hề quá khích nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hiểm cho bé.

6. Đừng tin tưởng bất kỳ ai quen qua chat, nhất là khi họ dùng lời lẽ thuyết phục hay có ý kích động trẻ chống đối lại bạn bè, thầy cô, gia đình và tôn giáo.

7. Để tránh bị quấy rối, đừng đưa thông tin về giới tính của mình trong khi chat.

8. Không bao giờ được phản hồi những tin nhắn, thư từ hay các bản tin có tính khiêu dâm, đe doạ hoặc bất cứ nội dung kém lành mạnh nào khác.

9. Tuyệt đối không gửi những tài liệu cá nhân cho những người bạn trên mạng, bao gồm địa chỉ, số điện thoại, hình ảnh và cả thông tinvề cha mẹ.

10. Luôn nhắc nhở trẻ rằng những người mà chúng gặp và trò chuyện trên mạng đều là ảo và hoàn toàn có thể nói dối trẻ.

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/con-dung-internet-sao-cho-an-toan-8871/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY