Chữa bệnh, làm thực phẩm, làm đẹp... có quá nhiều công dụng mà bạn có thể khai thác từ một trái mướp đắng thông thường. Loại quả có tên khoa học là Momordica charantia này có vị đắng nhất trong các loại rau quả nhưng lại được rất nhiều người ưa chuộng vì những công dụng tuyệt vời dưới đây.
Mướp đắng có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe mẹ bầu |
Folate (hay còn gọi là acid folic, vitamin B9 hoặc folacin) là dưỡng chất quan trọng đối với sức khỏe con người. Có tác dụng: Giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi, giảm homocysteine trong máu, chống giảm trí nhớ (Alzheimer), tăng thính lực, chống lại chứng cao huyết áp ở phụ nữ, chống lại chứng đau nửa đầu, điều trị hen suyễn, ngăn ngừa ung thư, giảm các bệnh về tim mạch....
Trong mướp đắng hàm lượng folate chiếm tỷ lệ cao, bởi vậy mà loại quả này được sử dụng phổ biến trong Đông y, dùng cho nhiều đối tượng bệnh nhân khác nhau.
Cứ 124gram mướp đắng sẽ có 2,5 gram chất xơ. Hàm lượng chất xơ dồi dào giúp điều hòa hệ vi khuẩn đường ruột, hỗ trợ sự phát triển vi khuẩn có lợi, tăng cường quá trình tiêu hóa hấp thu tại ruột; từ đó giúp cho việc đại tiện dễ dàng hơn, nói cách khác là ngăn ngừa táo bón và gây xuất huyết búi trĩ.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết mướp đắng có tác dụng giúp cân bằng, ổn định lượng pH trong dạ dày, kích thích sản sinh dịch vị tiêu hóa. Ngoài xúc tiến quá trình tiêu hoá, mướp đắng còn được sử dụng để giảm cân do chứa rất ít calo và carbs.
Có thể bạn chưa biết, trong mướp đắng có rất nhiều vi chất dinh dưỡng, gồm: vitamin C, vitamin A, kali, canxi, Natri, kẽm, phốt pho, đồng, magie và sắt. Ngoài ra, loại thực vật họ Bầu này còn cung cấp một số Vitamin B, chất lutein và zeaxanthin chống oxy hóa.
Trong Đông y, mướp đắng được xác định là có vị đắng, hàn, có công năng kiện tỳ khai vị (kích thích tiêu hóa). Không dừng lại ở đó, mướp đắng còn có tác dụng hạn chế tiểu đường thai kỳ. Loại quả này cung được các bệnh nhân tiểu đường sử dụng dưới nhiều hình thức nhờ khả năng ức chế chuyển hóa và hấp thu đường trong cơ thể.
Mặc dù không phải loại thực phẩm dễ ăn, nhưng mướp đắng lại được xếp vào danh sách những thực phẩm nên ăn để cải thiện hệ miễn dịch, cũng như xây dựng hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể.
Theo tờ Times of India, trong mướp đắng có chứa rất nhiều chất phytochemical lành mạnh như triterpenoids, flavonoid và polyphenol. Những chất này có tác dụng làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư, tìm diệt tế bào lạ, tế bào khối u, tế bào ác tính. Hàm lượng Vitamin C dồi dào trong mướp đắng có tác dụng chống oxy hóa, ngăn ngừa thương tổn tế bào do các gốc tự do gây ra.
Bà bầu có ăn được mướp đắng không? Đây là điều rất nhiều chị em trăn trở bởi đã có nhiều khuyến cáo về việc ăn mướp đắng có thể dẫn đến sảy thai, sinh non. Tuy nhiên hãy hiểu vấn đề một cách khách quan nhất, đừng cho rằng mướp đắng hoàn toàn có hại.
Bà bầu có ăn được mướp đắng, nhưng phải chú ý đến thời điểm |
Trước và trong mang thai, mẹ bầu rất cần folate. Mà dưỡng chất này lại có nhiều trong mướp đắng. Tùy sức khỏe mỗi người mà bác sĩ sẽ kê lượng folate phù hợp với thể trạng. Thông thường, phụ nữ chuẩn bị mang thai và mang thai 3 tháng đầu cần dùng 400mcg folate/ ngày; mang thai từ 3 tháng trở lên cần 600mcg/ ngày và đang cho con bú cần 500 mcg/ ngày.
Ăn mướp đắng giai đoạn nào an toàn nhất? Vào tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ – 3 tháng giữa (tuần 14 – 27). Tuy nhiên chỉ nên ăn 1 bữa/ tuần, mỗi bữa không ăn quá 200g.
Không nên ăn mướp đắng vào giai đoạn nào? Vào giai đoạn đầu và cuối thai kỳ (tháng thứ 8, 9). 3 tháng đầu thai chưa ổn định, ăn nhiều mướp đắng dễ bị co bóp tử cung, là một trong những nguyên nhân gây sinh non; nhất là ở nhóm phụ nữ có nguy cơ cao như: Nạo phá thai nhiều lần, tử cung có sẹo, tử cung ngả sau. Giai đoạn cuối thai kỳ cũng không nên ăn mướp đắng để tránh nguy cơ sinh non.
Vậy bà bầu ăn mướp đắng được không? Câu trả lời là CÓ, nhưng hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết lượng folate phù hợp với cơ thể mình và chỉ nên ăn 1 bữa/ tuần trong tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ. Tuy nhiên, khi ăn các chị phải loại bỏ hạt hoàn toàn, vì trong hạt mướp đắng có chứa vicine, có thể gây ngộ độc ở một số cơ địa nhạy cảm.
Bên cạnh những băn khoăn về việc bà bầu có ăn được mướp đắng không, chúng ta cũng không thể phủ nhận mướp đắng có nhiều dưỡng chất quan trọng cho mẹ bầu và thai nhi. Đây cũng là lý do vì sao nhiều chị em không hoàn toàn loại bỏ loại quả này ra khỏi thực đơn dinh dưỡng, mà chỉ thận trọng khi sử dụng.
Mướp đắng tốt cho sức khỏe mẹ bầu và thai nhi |
Thông thường, một cốc nước ép mướp đắng thô (94 gram) sẽ cung cấp cho cơ thể 17% RDI folate. Con số này không nhỏ so với nhiều loại trái rau quả tự nhiên khác. Với mẹ bầu, folate (Vitamin B9, hay còn gọi là Acid folic) là dưỡng chất cần thiết cho sự tạo thành tế bào hồng cầu, giúp não bộ và tủy sống của thai nhi phát triển khỏe mạnh, giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh.
Như vậy, nếu thiếu folate trong khẩu phần ăn thì thai nhi sẽ bị ảnh hưởng, cụ thể như: Thiếu cân, thiếu một phần não, nứt ống thần kinh, hở cột sống... Bởi vậy hãy cân nhắc sử dụng mướp đắng trong giai đoạn an toàn và liều lượng phù hợp.
Ăn mướp đắng có tốt cho bà bầu? Trong loại quả này có chứa polypeptide-P, charantin, tác dụng giảm đường huyết, tăng khả năng sản xuất insulin, rất tốt cho người bệnh bị tiểu đường mãn tính và bà bầu bị bệnh tiểu đường thai kỳ. Bởi vậy hãy cân nhắc chứ đừng tuyệt đối nói không với mướp đắng.
Trong thai kỳ, hệ miễn dịch của mẹ thay đổi, thường có xu hướng tấn công các tế bào lạ để thúc đẩy môi trường chống viêm và bảo vệ tế bào phôi thai. Vào giai đoạn cuối thai kỳ, hệ miễn dịch lại chuyển sang trạng thái chống viêm giúp mẹ bầu thuận lợi sinh nở.
Do hệ miễn dịch tập trung bảo vệ và ngăn không cho cơ thể từ chối thai nhi nên trong giai đoạn mang bầu, mẹ bầu cũng mẫn nhiễm với một số mầm bệnh, nhất là sự tấn công của vi khuẩn.
Để củng cố “hàng phòng ngự” này, các chị nên có chế độ ăn uống lành mạnh và giàu dinh dưỡng. Trong các loại thực phẩm dinh dưỡng cho bà bầu, mướp đắng là loại quả có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều nhất là Vitamin C (hàm lượng 68% trong 124gram mướp đắng nấu chín) giúp tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả.
Khi mang thai, cơ thể mẹ thường tiết ra nhiều hormone thai kỳ, ảnh hưởng đến nhu động ruột, hệ tiêu hóa và hoạt động đẩy chất thải ra ngoài gây táo bón. Ngoài ra thói quen ít vận động, hấp thụ ít chất xơ cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Trong mướp đắng có hàm lượng chất xơ cao, giúp phát triển hệ vi sinh đường ruột, kích thích tiêu hóa và nhuận tràng, từ đó giúp mẹ bầu ngăn ngừa táo bón, đồng thời giảm áp lực nên các tĩnh mạch bên trong búi trĩ.
Bà bầu có ăn được mướp đắng không? Mướp đắng tốt, nhưng cũng giống như nhiều loại thực phẩm khác, phải ăn đúng thời điểm và bổ sung đủ lượng cần thiết. Bởi nếu lạm dụng mướp đắng có thể dẫn đến một số tình trạng không mong muốn sau.
Phụ nữ không nên ăn nhiều mướp đắng trong thời gian mang thai |
Ăn nhiều mướp đắng sẽ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, gây đau đầu, chuột rút, thậm chí là đau bụng, ợ hơi, tiêu chảy tạm thời do rối loạn tiêu hóa. Trong thai kỳ, cơ thể mẹ có nhiều thay đổi, bởi vậy hãy tạm ngừng ăn mướp đắng vào giai đoạn nhạy cảm như đầu hoặc cuối thai kỳ.
Trong mướp đắng có quinine, morodicine và saponic glycosides dễ gây ngộ độc. Đây là nguyên nhân vì sao mẹ bầu ăn mướp đắng lại bị nôn ói, mẩn đỏ, mờ mắt, tiêu chảy.... Trong hạt mướp đắng có độc tính vicine gây đau thắt bụng, nhức đầu; với mẹ bầu nhạy cảm, tình trạng còn có thể nặng hơn.
Không những kích thích dạ dày mà vị của mướp đắng còn có thể kích thích dạ con co bóp. Đây là nguyên nhân các bác sĩ khuyến cáo mẹ bầu giai đoạn đầu không nên ăn mướp đắng, bởi dễ dẫn đến xuất huyết, sảy thai, sinh non, nhất là với phụ nữ tử cung đã bị tổn thương. Ăn mướp đắng ở giai đoạn cuối thai kỳ cũng không phải lựa chọn sáng suốt bởi các cơn co thắt tử cung có thể khiến mẹ bầu sinh non và đối diện với nhiều biến chứng nguy hiểm.
Chế độ dinh dưỡng hàng ngày của mẹ bầu rất quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định trực tiếp đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bào thai. Bởi vậy khi lựa chọn thực phẩm, các mẹ nên dựa vào thể trạng bản thân, từng giai đoạn thai kỳ để bổ sung các dưỡng chất cần thiết thông qua viên uống và thực phẩm. Nên tham khảo ý kiến của bác sỹ chuyên môn để có lựa chọn phù hợp nhất.
Bà bầu có nên ăn mướp đắng? Việc cho mướp đắng vào danh sách thực phẩm từ trước đến nay vẫn khiến nhiều mẹ băn khoăn, bởi loại thực phẩm này tuy tốt nhưng nếu sử dụng quá liều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mạ và bé. Tuy nhiên, chỉ cần ăn vào thời điểm an toàn và điều chỉnh số lượng vừa phải thì ngược lại rất tốt.
Phong Vũ
Theo Người đưa tin
Chủ đề liên quan: