Thực tế ảo là thuật ngữ dùng để miêu tả môi trường được mô phỏng bằng máy tính. Đa phần các môi trường VR này được hiển thị trên máy tính thông qua kính nhìn đa chiều, đồng thời có thêm các loại giác quan khác như âm thanh hay xúc giác thông qua các thiết bị hỗ trợ như kính thực tế ảo, găng tay thực tế ảo. VR tuy là lĩnh vực khá non trẻ nhưng được các nhà khoa học đánh giá sẽ là xu hướng bùng nổ trong ngành y với trị giá khoảng 30 tỷ đô-la vào năm 2020.
Một trong những ứng dựng phổ biến nhất của VR đó là mô phỏng môi trường học và những bài tập giả định trong y học. Hồi giữa tháng 4/2016, TS. Shafi Ahmed đã thực hiện một cuộc phẫu thuật trực tiếp trên VR lần đầu tiên trên thế giới cho một bệnh nhân mắc chứng ung thư đại tràng tại bệnh viện ở London, Anh. Cuộc phẫu thuật này có thể được xem dưới mọi góc độ thông qua kính VR và ứng dụng VrinOR (tải trên App Store hoặc Google Play). Thông qua đó, các đồng nghiệp hay các sinh viên y khoa có thể theo dõi trực tiếp ca phẫu thuật như thể họ đang được thực hành trong không gian và thời gian thực.
TS. Ahmed cho biết, ý tưởng này giúp tăng cường đào tạo y khoa trên toàn thế giới. Chỉ cần một chiếc kính VR đơn giản và một ứng dụng trên điện thoại hoặc máy tính, một giáo viên có thể đào tạo hàng ngàn sinh viên ở bất kỳ đâu và các sinh viên này có thể luyện tập trong một ca phẫu thuật nào đó mà không cần phải lo nghĩ đến các tử thi hoặc tính mạng của cơ thể sống. Đồng thời VR sẽ giúp các sinh viên y khoa cảm thấy được một cơ thể sống thông qua thế giới ảo. Họ sẽ có được cảm giác đang cầm một con dao mổ vững chắc thông qua việc đeo găng tay phát ra những dao động. Sinh viên y khoa sẽ cảm nhận trung thực nhất về từng đường mổ, mạch máu, nhịp thở của bệnh nhân chỉ với hệ thống VR đơn giản. VR cho phép giảng viên cung cấp những kiến thức phức tạp, trừu tượng một cách trực quan và hấp dẫn.
Một nghiên cứu mới đây được đăng tải trên tạp chí Harvard Business Review cho thấy các bác sĩ phẫu thuật được đào tạo bằng công nghệ VR đã tăng 230% hiệu suất công việc so với những bác sĩ được đào tạo bằng phương pháp truyền thống.
Nhiều nghiên cứu đưa ra bằng chứng cho thấy VR có thể giúp giảm đau cả những cơn đau cấp tính hay kinh niên. Các phần não bộ có liên hệ với cảm giác đau đớn cụ thể là vỏ não chi phối cảm giác, xúc giác và thùy nhỏ ở não trước được chứng minh ít hoạt động hơn hẳn khi bệnh nhân đắm chìm trong thế giới của VR. Trong nghiên cứu thí điểm gần đây, bệnh nhân được phẫu thuật tại Bệnh viện St George ở London được tùy chọn sử dụng thiết bị VR trước và trong khi phẫu thuật, họ được ngắm phong cảm đẹp trong quá trình phẫu thuật. 100% những người tham gia báo cáo rằng họ cảm thấy bớt đau đớn hơn khi đeo thiết bị VR khi phẫu thuật, 94% cho biết cảm thấy thư giãn hơn và 73% cho biết cảm thấy bớt lo lắng hơn.
VR cũng được sử dụng để giúp phụ nữ vượt qua cơn đau chuyển dạ, các bệnh nhân bị đau dạ dày, đau tim, thần kinh.
Đối với những bệnh nhân sống sót sau một cơn đột quỵ hoặc chấn thương sọ não, thời gian phục hồi là điều cốt yếu. Thời gian phục hồi càng sớm, họ càng có nhiều cơ hội lấy lại thành công các chức năng bị mất. Các công ty về VR đã kết hợp với bác sĩ và nhà trị liệu để phát triển các bài tập huấn luyện VR.
Ví dụ các bệnh nhân có thể cần phải nâng cánh tay khỏi đầu để chụp một quả bóng ảo, vừa chơi game vừa làm vật lý trị liệu rõ ràng sẽ dễ dàng hơn so với việc đối diện với một cỗ máy. Điều này cũng giúp người bệnh siêng năng tập luyện hơn. Đồng thời khi người bệnh cảm thấy căng thẳng khi phải đi bộ, bác sĩ có thể điều chỉnh để cảnh trong VR diễn ra chậm hơn so với trên thực tế, thúc giục người bệnh đi nhanh hơn bình thường dù họ không cảm thấy như thế.
Việc nghiên cứu cách thức con người tiếp nhận và tương tác với các hệ thống VR cũng giúp các nhà khoa học thiết kế những ứng dụng và bài tập hỗ trợ phục hồi chức năng tốt hơn.
Chữa bệnh bằng thực tế ảo VR giúp tối ưu hóa và đẩy nhanh quá trình phục hồi tổng thể của những bệnh nhân bị cắt cụt chi, viêm khớp, thay khớp hoặc đau, chấn thương thể thao hay loãng xương.