Huyết áp , Tim mạch hôm nay

COVID-19 “nhấn chìm” thị trường việc làm

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo, trong nửa đầu năm 2020, thị trường lao động việc làm trên thế giới suy giảm, tồi tệ hơn nhiều so với dự báo. Tổng số giờ làm việc toàn cầu đã giảm 14%, tương đương với 400 triệu lao động toàn thời gian, người lao động đứng trước nguy cơ số việc làm tiếp tục suy giảm.

Thị trường lao động diễn biến xấu ở nhiều khu vực

400 triệu việc làm mất đi trong quý II/2020 là một con số đáng báo động. Đây là mức giảm sâu hơn nhiều so với con số dự báo 10,7% (tương đương với 305 triệu lao động toàn thời gian) đưa ra trong báo hồi cuối tháng 5. Thông tin này ra đời trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Sáng 2/7, số ca Tu vong do COVID-19 trong ngày  tăng vọt trở lại ở Mỹ (hơn 600 ca), Brazil  (gần 1.000 ca), số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nơi thuộc châu Á, kể cả những “điểm nóng” được cho là đã kiểm soát tốt dịch bệnh như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ấn Độ đang đối mặt với nguy cơ trở thành tâm dịch mới của thế giới.

Theo thống kê, tổn thất về số giờ làm việc trong quý II là: châu Mỹ (18,3%), châu Âu và Trung Á (13,9%), châu Á và Thái Bình Dương (13,5%), các quốc gia Ả-rập (13,2%) và châu Phi (12,1%).  93% người lao động trên thế giới đang sống ở những quốc gia hiện vẫn áp dụng biện pháp như giãn cách hoặc cách ly xã hội,  đóng cửa nơi làm việc, trong đó các nước châu Mỹ hiện đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhất.

Lao động nữ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, phụ nữ dễ bị sa thải hoặc giảm lương, họ sẽ  bị mất thu nhập, không nhận được bảo trợ xã hội, có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh hơn so với nam giới, điều này làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới liên quan đến lao động. Ước tính 40% phụ nữ làm trong lĩnh vực thực phẩm, khách sạn, bán lẻ, bất động sản đã bị mất việc. Trong đại dịch COVID-19, hàng chục triệu người lao động di cư đang phải đối mặt với thất nghiệp hoặc phải lao động phi chính thức, họ đã rơi vào cảnh nghèo đói. Khi các biện pháp ngăn chặn được nới lỏng, hàng triệu lao động di cư có thể phải về nước, nơi mà thị trường lao động đã trở nên căng thẳng do thất nghiệp và gián đoạn kinh doanh tăng cao.

COVID-19 “nhấn chìm” thị trường việc làm
Dịch bệnh đang làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp.

Kịch bản nào sẽ xảy ra với thị trường lao động?

Theo dự báo, khả năng phục hồi trong 6 tháng cuối năm hầu như không chắc chắn, không đủ để đưa chúng ta quay lại mức trước đại dịch.   ILO đã dự báo ba kịch bản cho công cuộc phục hồi trong nửa cuối năm 2020.

Trong 2 ngày (1-2/7) Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức Hội nghị Cấp cao về dịch bệnh COVID-19 và thế giới việc làm bằng hình thức trực tuyến. Đây là hội nghị trực tuyến lớn nhất từ trước đến nay, tập hợp người lao động, người sử dụng lao động và các chính phủ. Các đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận cách thức giải quyết tác động về kinh tế xã hội gây nên bởi đại dịch.
 

Mô hình phục hồi cơ bản dự báo tổn thất về giờ làm việc giảm 4,9% (tương đương với 140 triệu lao động toàn thời gian) so với quý IV năm 2019, nếu cuộc khôi phục các hoạt động kinh tế được thực hiện, các biện pháp hạn chế đối với nơi làm việc được dỡ bỏ và tiêu dùng và đầu tư được khôi phục.

Kịch bản tiêu cực giả định, làn sóng dịch thứ 2 bùng phát,  các biện pháp khống chế dịch bệnh được thiết lập lại, khiến công cuộc phục hồi chậm lại đáng kể. Hệ quả của nó là số giờ làm việc sẽ giảm 11,9% (tương đương với 340 triệu lao động toàn thời gian) so với quý IV năm 2019.

Kịch bản lạc quan giả định việc làm của người lao động được nhanh chóng khôi phục lại, thúc đẩy đáng kể tổng cầu và tạo việc làm. Với sự phục hồi đặc biệt nhanh này, mức tổn thất về thời giờ làm việc toàn cầu sẽ chỉ còn giảm 1,2% (tương đương với 34 triệu lao động toàn thời gian) so với quý IV năm 2019.

Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho rằng: “Những quyết định mà chúng ta lựa chọn lúc này sẽ có tác động trong nhiều năm tới, đến năm 2030 và lâu hơn nữa. Mặc dù các quốc gia đang trải qua những giai đoạn khác nhau của đại dịch và còn rất nhiều việc phải làm, chúng ta cần nỗ lực gấp đôi nếu muốn vượt qua cuộc khủng hoảng này và để thế giới trở nên tốt đẹp hơn giai đoạn trước khi nó bắt đầu xảy ra”.

Trần Hải

((theo ILO, Economic Times, Reuters))

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe toàn dân (http://suckhoetoandan.vn/p/5efe6f27f8ec6eea87700332)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY