Sức khỏe hôm nay

Cuộc chiến ở phòng sinh

(SKGĐ) Không phải là những cơn đau của các bà mẹ, hay chào đón một đứa trẻ không chỉ có tiếng, cười mà còn có cả sự lục đục với những mẫu thuẫn khó xử của người thân mang lại.

Tranh nhau quyền đặt tên

Chị Mai Lan (phố Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội) vừa thông báo có bầu thì bố chồng đã lôi đủ thứ sách để ngâm cứu đặt tên cho đứa bé dù chưa biết là gái hay trai. Ông ngoại cũng không kém cạnh khi đi tham khảo các cụ cùng tuổi để đưa ra một cái tên đẹp nhất. Hai cụ đều đưa ra hai cái tên mình tâm đắc nhất khiến vợ chồng anh chị rất khó xử, bởi không muốn mất lòng ai, chưa kể đến việc hai anh chị cũng đã có sẵn một cái tên cho đứa con đầu tiên đầy yêu thương của mình. Vốn hai cụ rất khó tính và gia trưởng nên ai cũng muốn cháu mang tên mình đặt. Cuối cùng, vợ chồng chị Lan đành phải nhẹ nhàng thuyết phục các cụ… bốc thăm.

Kết quả cái tên cho bé là tên do ông ngoại đặt. Từ đó mẹ chồng chị tỏ ra hậm hực hơn. Nhiều lần bà nói nhiếc móc chị: Lấy chồng thì phải theo nhà chồng, truyền thống từ xưa tới nay ở gia đình mình, cái tên của cháu cũng phải do ông bà nội đặt. Cuối cùng chị phải thuyết phục là sẽ gọi con chị bằng cái tên ông nội đặt, còn tên ông ngoại đặt sẽ ghi trong giấy khai sinh thì mẹ chồng chị mới dịu đi.

Ảnh minh họa

Ai là người “đón tay”

Người đón tay tức là người thân đầu tiên bế bé ở phòng sinh. Theo quan niệm ở quê chị Xuân, Thanh Hóa thì đứa bé lớn lên sẽ mang nhiều tính cách của người đón tay. Chị Xuân mang thai đứa đầu, là cháu đích tôn của gia đình chồng chị nhưng cũng là đứa cháu ngoại đầu tiên của bố mẹ chị nên thành thử bên nào cũng rất quan tâm. Khi được báo tin chị nhập viện chuẩn bị sinh thì hai bên gia đình kéo lên rất đông.

Ngoài phòng sinh, bà nội bảo “tôi sẽ đón tay cháu” để cháu khỏe mạnh như bà (ám chỉ bà ngoại gầy ốm liên miên, đón tay thì cháu lười ăn). Bà ngoại thì tỏ ra giận dỗi rồi nói mát “giống bà nội thì… nhanh nhẹn, hoạt bát” (thực chất ám chỉ bà nội khó tính, lắm lời).

Còn chị chồng của chị Xuân thì bảo: “Để cô út nhà mình đón tay, cô ấy xinh đẹp, học giỏi thành đạt nhất nhà, mong cháu sau này giỏi giang như cô ấy”. Nghe thế, mẹ chồng chị Xuân cũng gật gù nhưng mẹ đẻ của chị thì giận dỗi “Thôi, con gái mình nhưng giờ là con nhà người ta”…

Nhưng đến lúc chị Xuân sinh thì chính chồng chị đón tay bé, vì lúc ấy cô út thì đã về nhà ngủ, bà ngoại thì về làm thêm ít đồ ăn, bà nội thì về vừa về nhà để lấy thêm đồ.

Chăm trẻ: mỗi người một ý

Gia đình chị Hà ở Thanh Hóa thì lại mâu thuẫn ngay khi đứa bé vừa ra đời bởi cách chăm sóc của mỗi người một khác. Mẹ chồng và mẹ đẻ chị vốn từng quen biết, là bạn bè thời trẻ nên khi thành thông gia vẫn cứ thẳng thừng tranh luận, cãi nhau chan chát. Bà ngoại giặt đồ của bé chung với đồ của mẹ nên bà nội bảo “trẻ nhỏ còn nhạy cảm lắm, giặt chung vậy thì hại da bé”.

Bà ngoại phản pháo “tôi giặt kỹ lắm, bà rửa bình sữa bằng nước nóng trước, tráng lại nước lạnh sau mới là sai khoa học”. Rồi chuyện đứa bé vừa sinh ra có đốm đỏ trên mắt, chị Hà bảo chồng đi hỏi bác sĩ thì bà ngoại bảo “Con cứ nhỏ vài giọt sữa mẹ vào mắt là khỏi”. Chị không làm theo vì nghe có vẻ phản khoa học thì mẹ chị bảo “tôi đã từng làm cho các chị như thế đấy”.

Chưa biết nên nói với mẹ đẻ thế nào thì mẹ chồng lại làm chị khó xử. Mẹ chồng chị mang vào ít cam thảo khô và dặn “Mỗi ngày con nhỏ tí nước cam thảo vào miệng con bé để sạch đờm nhớt và mát…”. Chi há hốc miệng vì trẻ vừa sinh thì chỉ nên dùng sữa mẹ thôi.

Chị Hà bảo “Mình nằm ổ mệt như vậy mà khi suốt ngày còn phải lo dàn xếp, giảng hòa giữa hai bà và phải tìm cách thuyết phục các bà chịu chăm bé theo cách của mình”. Đến ngày ra viện, hai bà còn tranh nhau đón cháu về.

Bà nội thì bảo “Truyền thống quê mình là con dâu sinh xong phải về nhà nội. Ít nhất 1 tháng mới được sang ngoại”.

Bà ngoại thì bảo “Nó sinh mổ xong, sức yếu thế kia, bà lại buôn bán cả ngày, có ai chăm nó đâu”.

Cuối cùng chị tâm sự với chồng và anh đã đưa ra quyết định trước hai cụ “mục đích chính là để vợ và con của con được khỏe mạnh nhất nên con nghĩ là để cho hai mẹ con về ngoại ở cữ là hợp lý”.

***

Xoa dịu mâu thuẫn

Theo chuyên gia tâm lý Quỳnh Nga, Giám đốc- Công ty Tư vấn và Phát triển Con người Nhật Minh: “Suy cho cùng, tên cũng chỉ là một cách để phân biệt mọi người với nhau, tên không nói lên nhân cách của một người cũng như tương lai của người đó. Thực tế, không phải người có tên đẹp sẽ sống tốt hơn những người có tên không đẹp, hoặc ngược lại”. Chính bởi vậy, người lớn không nên quá chú trọng vào việc đặt tên cho trẻ. Tất nhiên, sự xuề xòa trong việc đặt tên cũng không được khuyến khích. Bố mẹ nên lưu ý đặt sao cho dễ nhớ, dễ đọc, tránh những cái tên gây hiểu nhầm, khiến bé hay bị chọc ghẹo, ảnh hưởng xấu đến tâm lý trẻ sau này.

Về việc đặt tên làm sao để được sự đồng thuận của tất cả người lớn, theo bà Nga, các bố mẹ nên khéo léo và đúng mực trong việc tham khảo ý kiến những người lớn tuổi trong gia đình để tránh những cái tên “phạm húy”. Nếu sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng mà vẫn giữ vững lập trường thì cha mẹ nên khéo léo giải thích cho ông bà lý do của sự chọn lựa của mình. Bạn có thể dùng cách nói “Tên chúng con lựa chọn chỉ để trên giấy khai sinh, còn tên ông bà đặt sẽ được gọi âu yếm ở nhà”.

Còn theo ông Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển, những mâu thuẫn xung quanh việc đặt tên, chăm sóc cho đứa bé đôi khi xuất phát từ sự ích kỷ, gia trưởng, độc đoán của những người lớn. Ông nói: “Để giải quyết các mối quan hệ, những người lớn nên có sự tôn trọng đứa bé và sự phát triển của chúng. Trong trường hợp này, người mẹ với sợi dây liên kết chặt chẽ với đứa bé ngay từ trong bụng mẹ nên được hưởng phần ưu tiên trong việc quyết định tên của đứa trẻ”.

Việc đón tay cũng không ảnh hưởng gì tới sự phát triển của trẻ sau này, mà quan trọng là cách nuôi dạy. Làm sao để tìm được tiếng nói chung trong cách chăm sóc và nuôi dạy trẻ, ông Linh cho rằng các bà mẹ trẻ nên thể hiện sự lắng nghe về các cách chăm con truyền thống bởi không phải kinh nghiệm nào của người đi trước cũng sai, cổ hủ. Còn nếu xác định rõ ràng kinh nghiệm của các cụ là sai thì hãy tranh thủ lúc các cụ vui, lựa lời tâm sự với các cụ, đừng phản ứng mạnh mẽ. Nếu các cụ quá “bảo thủ” bạn hãy nhờ “người thứ ba”. Đó là bạn hãy khéo léo hỏi bác sĩ trước mặt các cụ để bác sĩ giải thích, bạn có thể đưa ra các sách báo và nói “bố mẹ ơi, con thấy trên sách báo viết…”.

Thanh Hà

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/cuoc-chien-o-phong-sinh-19036/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY