Tình yêu và giới tính hôm nay

Cuộc chiến vợ chồng - ai là người bị tổn thương?

Lúc đổ vỡ, người ta căm giận tất tần tật những gì liên quan tới kẻ “quay lưng”, kể cả đứa con, một phần máu thịt của mình cũng là một phần của kẻ bội bạc.

Cầm tờ đơn ly hôn từ chồng, chị Mai cay đắng ký xoẹt một chữ: Anh đi đi, tôi đã học được một bài học quý giá về sự tráo trở trong cuộc đời này! Anh ta xách túi ra khỏi nhà, hai đứa con khóc lóc chạy theo níu áo ba. Chị giận dữ: Quay lại, chúng mày muốn thì theo luôn đi, rồi chết đói đó nghe chưa! Hai đứa con lấm lét, nước mắt vẫn tong tong nhưng miệng ngậm chặt không dám có tiếng động. Tiếng nấc nghẹn trong cổ chúng đến tội.

Ảnh minh họa

Tối tối, chị dày vò mình trong phòng, hình ảnh người chồng đáng yêu hôm nào trở thành kẻ bội bạc cứ hiện về khiến lòng chị tức tối. Cơm tối cho con chị cũng nấu qua loa. Đứa con nhỏ ngồi buồn ngậm cơm trong miệng thì mắt chị như nhìn kẻ thù: Mày có ăn không thì bảo, không ăn thì nhịn… Thằng con trai đi học về muộn, chị cũng không hỏi lí do mà mắng ngay: Đúng là giống thằng cha mày, lớn lên lại lăng nhăng tối ngày đây! Chúng nó vừa sợ vừa hoảng. Mẹ của chúng đã không còn như xưa nữa, một sự thay đổi mà với sự non nớt, chúng không hiểu nổi.

Chị Mai của cơ quan tôi vốn là người đàn bà rất quan trọng truyền thống, lúc nào cũng ôn tồn, nhã nhặn. Anh Hưng, chồng chị cũng là một người đàn ông giỏi giang. Họ có hai con, nếp tẻ đủ đầy, thật đáng ngưỡng mộ. Chị không quá xinh đẹp nhưng trang nhã, bình dị. Cả cơ quan tôi thường hay trêu chị: Chồng giỏi, con khôn nhất chị rồi. Nói chuyện với các chị em, lúc nào chị cũng đi theo một cái chuẩn truyền thống: Gái có công chồng chẳng phụ, chịu khó chăm lo cho gia đình, hiếu lễ với bố mẹ chồng thì chả có chuyện chồng coi thường, bồ bịch. Các anh ở cơ quan tôi cũng nói chị là mẫu vợ mà cánh đàn ông tìm, chu đáo, tốt nết, chăm chỉ.

Vậy mà một ngày kia, chị phát hiện ra chồng bồ bịch. Anh không xin chị tha lỗi, còn thong thả buông câu: Vợ chồng chúng ta nhạt nhẽo lâu rồi, anh đã chán sự bình dị yên ấm đến tẻ nhạt, em hãy “giải thoát” cho anh, anh sẽ ra đi không mang theo gì cả, tất cả tài sản chung thuộc về em và con. Cố níu giữ, cố gắng vì con nhưng chị chỉ nhận được sự vô trách nhiệm: “Vì con ư, nếu em không nuôi, anh mang gửi ông bà nội. Em nghĩ mà xem, bây giờ em và anh còn có thể nói chuyện, chia tay êm thấm, nếu để đến lúc cãi chủi nhau rồi thì con cái có sung sướng được không?”.

Sự bình yên của chị bị anh cho là sự nhạt nhẽo, sự hi sinh “đầu tắt mặt tối” của chị bị anh cho là sự nhếch nhác, lạc hậu. Thế là chị ký xoẹt, chị muốn chữ kí ấy xé tan bộ mặt phản bội kia. Chị quay cuồng, tại sao người đàn ông ấy lại trơ trẽn đến vậy, bội bạc đến vậy. Tất cả khiến chị lạc lối trong mọi suy nghĩ.

Mỗi lần nghĩ về chồng, nước mắt chị mặn đắng, chị thấy có trăm ngàn mũi tên chĩa vào chị. Chị khóc, chị than. Hai đứa con bị mẹ mắng nhưng thấy chị không ăn, thấy chị khóc thì chúng lại xà vào như ngày xưa. Chị không ôm chúng mà đẩy ra ghê sợ: “Chúng mày, chúng mày cũng như ba mày, lớn lên rồi cũng phản lại mẹ thôi”. Bao lời lẽ cay đắng chị đổ lên con cái. Bao yêu thương của người mẹ đều bị nỗi hận trong chị cướp mất. Sao chị không xót xa con?!

Tôi cũng từng là người đàn bà như chị, từng cảm giác bị phản bội, từng trở thành một người mẹ dữ dằn trong mắt con cái. Tôi hiểu nỗi căm hận chồng của chị. Nhưng chị đang đi quá xa, chị đang lao vào vực sâu tâm lí. Đã có lúc tôi như vậy nhưng tôi có mẹ bên cạnh, mẹ tôi đã đưa tôi ra khỏi tình cảnh như chị lúc này.

Chồng tôi đã trải qua những cuộc tình ngoài luồng mà tôi vẫn phải liên tiếp tha thứ. Vì ai, vì các con. Nhưng đến lúc tôi không thể cam chịu, chúng tôi đã cãi vã, cả lăng mạ nhau. Tôi thấy ghét tất cả, ghét cả con - sản phẩm của anh ta. “Vì chúng mày mà tao phải chịu nhục nhã, đắng cay”, tôi đã mắng con như vậy, nó là hình hài của cha nó tạo nên, trong nó có dòng máu tanh bẩn của anh ta. Tôi không muốn kí vào tờ đơn ly hôn vì không muốn anh ta dễ dàng cưới tình địch của mình. Cuộc chiến của chúng tôi càng căng thẳng.

Một lần, khi về nhà, chính tôi thấy chồng đang la mắng con: “Không vì mày thì tao đi khỏi cái nhà này từ lâu rồi”. Nhìn ánh mắt con, tôi nhói đau, thấy nó sợ sệt, bé bỏng mong manh. Tôi quyết định ký vào đơn li hôn ngay trong giây phút đó. Ngày tan nát gia đình, mỗi khi thấy con lòng tôi lại nhói đau, chúng trước mắt tôi là nhắc nhở tới kẻ phụ bạc kia. Mẹ tôi đã đón cháu về một thời gian để tôi có thể tĩnh tâm, để tâm hồn chúng lánh đi những giận hờn vô lí.

Đêm cô đơn, ôm gối, tôi mới thấy xót xa cho những đứa con của mình. Cha mẹ đã mang chúng về cuộc đời bằng tình yêu. Vậy mà bao yêu thương bỗng trở thành bão lũ giận hờn lên đầu con. Cuộc chiến của bố mẹ gây thương tích cho cả vợ chồng, liên đới các con. Đôi khi các con đã trở thành vật đỡ đạn tội nghiệp. Không có mẹ giúp đỡ, tôi đã biến con mình thành những cơ thể không lành lạnh vì những “viên đạn” căm hận.

Tâm lí của kẻ bị phụ bạc là căm giận, phủ nhận tất cả những gì thuộc về kẻ kia. Càng yêu thương một thưở càng hận hơn. Những đứa con là “sản phẩm” hiện hữu nhất “gương mặt” của kẻ bị cho là phản bội kia, chúng là sự ràng buộc vợ chồng. Vì vậy, chúng không chỉ là của mình, lúc đó tôi, chị Mai chỉ nghĩ chúng là hiện thân của kẻ bạc tình, là sự kế thừa những thói hư tật xấu. Không có chúng thì mọi câu chuyện quá khứ với người chồng ấy sẽ tan biến hết. Chúng lẽo đẽo bên tôi như sự trêu ngươi của ký ức buồn.

Nhưng chúng vô tội, chúng tôi đã mang nó đến cuộc đời với bao yêu thương. “Giận cá chém thớt” là một sự vô lí, sự vô trách nhiệm mà tôi (một số người giống tôi) đã “thả” lên đầu con cái khi yêu thương ấy đổ vỡ. Trái tim cha mẹ bao la mà cũng nhiều khi ích kỷ quá! Con cái đâu có quyền lựa chọn cha mẹ, vậy nên chúng ta có quyền áp đặt cách làm cha mẹ lên chúng hay chúng ta phải chia sẻ cái sự bị động ấy?!

Bước qua những giận hờn, ôm con vào lòng, tôi mới thấy mình đã “bạc” với con. Mẹ đã sửa sai lầm ấy giúp tôi. Còn chị Mai, lúc này chị chông chênh quá. Bước qua những tổn thương, chị sẽ thấy con cái mới là hạnh phúc của chị, người ra đi không đáng để vì họ mà chị mất thêm những đứa con xinh xắn…

Chi Đào

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/cuoc-chien-vo-chong--ai-la-nguoi-bi-ton-thuong-21262/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY