Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, với sự chỉ đạo trực tiếp của các chuyên gia ngoại khoa của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông qua hệ thống y tế từ xa Telemedicine, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã cứu sống người bệnh nam T.V.C. 32 tuổi (Bình Liêu, Quảng Ninh) được phẫu thuật trong tình trạng tràn khí màng phổi tái phát do vỡ kén khí màng phổi.
Được sự hướng dẫn của các chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ca mổ đã được tiến hành kịp thời với phương pháp nội soi lồng ngực xử trí tổn thương. |
Cách đây 4 tuần, khi đang lái xe, anh C. đột ngột xuất hiện đau ngực, khó thở và đã được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả với chẩn đoán tràn khí màng phổi phải. Người bệnh đã được dẫn lưu màng phổi. Sau 1 tuần, người bệnh được rút dẫn lưu, sau đó người bệnh xuất hiện đau ngực khó thở, được chuyển trở lại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh để điều trị.
Tại Khoa hô hấp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh, anh C được các bác sĩ tiến hành đặt dẫn lưu khí màng phổi bằng dẫn lưu chuyên dụng, sau 7 ngày không hiệu quả, hội chẩn chuyển phòng mổ. Tại phòng mổ, người bệnh được nội soi lồng ngực, không phát hiện tổn thương nhu mô phổi, thùy trên phổi phải dính vào vị trí chân dẫn lưu, đáy phổi có dịch và ít cặn màng phổi. Người bệnh đã được gỡ dính, bơm rửa khoang màng phổi, đặt 2 dẫn lưu.
Sau mổ 10 ngày, người bệnh được dẫn lưu hút áp lực liên tục không ra khí, chụp lại cắt lớp vi tính lồng thấy ngực phổi nở tốt, không thấy dịch khí khoang màng phổi 2 bên. Người bệnh đã được rút dẫn lưu và ra viện sau đó 2 ngày.
Sau ra viện 2 ngày, người bệnh đột ngột thấy khó thở trở lại, không đau ngực và được chuyển vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh phát hiện tràn khí khoang màng phổi phải mức độ nhiều, xẹp phổi phải thụ động, tràn khí dưới da.
Với tính chất phức tạp của một ca bệnh khó cần phẫu thuật càng sớm càng tốt, đội ngũ chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã quyết định hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp qua hệ thống telemedicine cho các bác sỹ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiến hành phẫu thuật cho người bệnh tại Quảng Ninh.
Được sự hướng dẫn của các chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ca mổ đã được tiến hành kịp thời với phương pháp nội soi lồng ngực xử trí tổn thương.
Trong khi mổ, các bác sĩ đã phát hiện tổn thương vỡ kén khí thủy trên phổi phải, tiến hành gỡ dính, cắt thùy trên phổi phải không điển hình, gây dính màng phổi chủ động bằng betadine đậm đặc và đặt 2 dẫn lưu khoang màng phổi. Sau mổ người bệnh ổn định, chuyển hậu phẫu.
Nhờ dự án bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế, với vai trò là bệnh viện hạt nhân về ngoại khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu cho các bác sỹ ở các bệnh viện vệ tinh. Đồng thời thực hiện tư vấn, hội chẩn từ xa cho nhiều bệnh viện vệ tinh qua hệ thống truyền hình trực tuyến Telemedicine, kết nối tại phòng mổ và phòng hội chẩn với các ca phẫu thuật khó, cứu sống nhiều người bệnh. Telemedicine cho phép trao đổi thông tin về người bệnh qua màn hình để thảo luận phác đồ điều trị, chia sẻ các kiến thức chuyên môn và huấn luyện từ xa, đã xóa đi rào cản về địa lý.
Đặc biệt trong thời điểm bùng phát dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cách ly toàn xã hội từ 0 giờ ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc, hệ thống truyền hình trực tuyến Telemedicine là giải pháp an toàn, nhanh chóng và mang lại hiệu quả cao, giúp người bệnh kịp thời được phẫu thuật mà không phải chuyển viện. Người bệnh được hội chẩn và tư vấn phẫu thuật bởi các chuyên gia hàng đầu.
Với hệ thống Telemedicine dựa trên công nghệ hội nghị truyền hình tích hợp các thiết bị y tế chuyên dùng trong khám chữa bệnh từ xa, nhiều người bệnh nguy kịch ở vùng sâu, vùng xa đã được cứu sống kịp thời. Kết quả thành công từ việc đào tạo và chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở địa phương, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương, đồng thời giảm chi phí cho người bệnh.
Chủ đề liên quan:
bệnh nhân cách ly xã hội cứu sống hội chẩn nguy kịch quảng ninh thiết bị trực tuyến việt đức